Trân Văn – VOA
Cùng với nhiều viên chức, chuyên gia, báo chí Việt Nam đang vận động cho việc soạn – ban hành Luật Đăng ký tài sản (ĐKTS) (1). Ý tưởng vừa kể được ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao nêu ra trước Ủy ban Thường vụ (UBTV) của Quốc hội Việt Nam hồi cuối tuần trước khi Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao trình bày về hoạt động của hai ngành này trong bốn năm từ 2016 đến 2020.
Ông Trí – người đứng đầu ngành kiểm sát (vừa giám sát hoạt động điều tra, vừa thực hiện quyền công tố) – nhấn mạnh, nếu không có Luật ĐKTS, nỗ lực phòng ngừa, chống tham nhũng, đặc biệt là thu hồi tài sản bị tham nhũng sẽ không thể đạt hiệu quả như mong muốn. Đã cũng như đang có những cá nhân chỉ hơn 20 tuổi hay hơn 30 tuổi nắm giữ khối tài sản hàng ngàn tỉ, hệ thống bảo vệ pháp luật biết tại sao nhưng không làm gì được (2)!
Buộc tất cả công dân ĐKTS, dựa vào đó để kiểm soát thu nhập, lợi tức, thực thi nghĩa vụ thuế, xác định nguồn gốc tài sản là chính đáng hay bất minh,… không mới và đúng đắn nhưng tại Việt Nam, đó sẽ là ý tưởng không những khó khả thi mà còn giống như thủ đoạn lừa đảo mới nhằm trang trí cho cái gọi là nỗ lực phòng – chống tham nhũng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền…
***
Trước khi các viên chức, chuyên gia, báo chí phân tích thiệt – hơn về việc cần soạn – ban hành Luật ĐKTS, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã từng buộc đảng viên lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở tất cả các cấp phải kê khai tài sản (KKTS). KKTS từng được quảng bá như giải pháp hữu hiệu trong ngăn ngừa – xử lý – bài trừ tham nhũng. Thực tế thì sao? Tham nhũng chỉ tăng chứ không giảm.
Làm sao KKTS có thể ngăn ngừa – xử lý – bài trừ tham nhũng khi các tờ khai tài sản được xem là… tài liệu mật, tiết lộ hay thắc mắc về nguồn gốc những tài sản đã được kê khai là… vi phạm pháp luật. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy, KKTS chỉ là thủ đoạn lừa lừa đảo nhằm trấn an, thuyết phục công chúng rằng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền quyết tâm… phòng – chống tham nhũng.
… Năm 2014, “kẻ xấu” nào đó đã tiết lộ tờ khai tài sản của ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) – cơ quan chuyên trách chống tham nhũng. Theo đó, ông Khánh – người cả đời làm việc cho TTCP – sở hữu: Hai biệt thự tại Hà Nội, 1.800 mét vuông đất ở dự án Mê Linh, 104.000 cổ phần của Ngân hàng Quân đội, 27.900 cổ phần của Ngân hàng Nam Á, 18.500 cổ phần của Ngân hàng Đông Á, 200.000 cổ phần của Ngân hàng Liên Việt, 100.000 cổ phần của Xi măng Công Thanh, 50.000 cổ phần của Công ty Thiết bị Bưu điện… Chưa kể sở hữu lượng trái phiếu trị giá 425 triệu đồng và là chủ một tài khoản có 7,18 tỉ đồng tại VIB (3)…May cho ông Khánh là ông đã kê khai… trung thực nên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung truy tìm… “kẻ xấu”.
… Năm 2017, tới lượt ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch Đà Nẵng bị “kẻ xấu” hãm hại theo cùng một cách – tiết lộ tờ khai tài sản mà ông đã nộp. Theo tờ khai này, ông Thơ là chủ: Một biệt thự 300 mét vuông, bốn thửa đất có diện tích từ 150 mét vuông đến 1.021 mét vuông ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Chưa kể ông Thơ còn sở hữu một trại nuôi tôm diện tích 1,5 héc ta, đồng sở hữu một cánh rừng, bốn cơ sở sản xuất kinh doanh và sở hữu một khối lượng lớn cổ phiếu của Công ty Dana – Ý… May cho ông Thơ là ông cũng kê khai… trung thực, nên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không để “kẻ xấu” dẫn dụ theo hướng, truy vấn vì sao ông Thơ giàu đến thế mà chỉ yêu cầu hệ thống bảo vệ pháp luật điều tra vì sao tờ khai tài sản của ông Thơ “bị lọt ra ngoài” (4)…
Cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền đều không có bất kỳ thắc mắc nào về chuyện tại sao ông Khánh, ông Thơ lại giàu có tới mức nứt đố, đổ vách như vậy. Những hệ thống này chỉ bận tâm, cả hai có… trung thực hay không và vì cả hai đều… trung thực nên ông Khánh tiếp tục lãnh đạo lực lượng chống tham nhũng cho đến khi nghỉ hưu (2018), ông Thơ tiếp tục làm Chủ tịch Đà Nẵng đến tháng 10 năm ngoái.
Nhìn một cách tổng quát, thay vì kiến tạo nền tảng để phát giác – xử lý – bài trừ tham nhũng, KKTS đã bị biến thành qui trình hợp thức hóa sự giàu có bất minh, đáng ngờ của các đối tượng trong diện phải KKTS. Những đối tượng này chỉ cần kê khai… đầy đủ, trung thực là đương nhiên được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền bảo vệ cả về… bí mật tài sản lẫn quyền thủ đắc tài sản.
Năm 2018, trước tình trạng càng ngày càng nhiều người, kể cả cán bộ lão thành đề nghị nên công bố tờ khai tài sản của những viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản cho nhân dân giám sát giống như thiên hạ, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN – nhân vật được ví von là… chủ lò, từ chối thẳng thừng vì đó là vấn đề rất khó, nhạy cảm do liên quan đến các quyền về đời tư của viên chức (5)…
***
Tham nhũng không phải là vấn nạn mới và không chỉ là vấn nạn của riêng Việt Nam. Cũng vì vậy, ngăn ngừa – tiêu diệt tham nhũng là một trong những nỗ lực có tính chất toàn cầu, thành ra mới có Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention against Corruption – UNCAC). UNCAC giống như đại lộ để thiên hạ hợp lực ngăn ngừa – diệt trừ tham nhũng nhưng đảng CSVN không muốn đồng hành cùng thiên hạ trên đại lộ đó.
Năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự 2009, từ gợi ý và giúp đỡ của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), một số viên chức của Quốc hội và Bộ Tư pháp Việt Nam đề nghị đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội “giàu có bất minh” theo tinh thần UNCAC nhằm truy tố những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc (6).
Tuy nhiên Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định hành vi “giàu có bất minh” là tội phạm khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới năm 2015, rồi sửa Luật Hình sự mới sửa năm 2015 vào năm 2017. Nhờ vậy, những viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản như ông Ngô Văn Khánh, ông Huỳnh Đức Thơ,… vẫn vô sự nhờ kê khai… trung thực, đầy đủ!
Cuối năm 2017, Quốc hội Việt Nam từng công bố một ước đoán, trong mười năm, từ 2006 đến 2016, tham nhũng gây ra thiệt hại khoảng 60.000 tỉ nhưng chỉ thu hồi được khoảng 4.500 tỉ (7). Do vậy, người ta tiếp tục nuôi hy vọng, khi sửa Luật Phòng – chống tham nhũng, Việt Nam sẽ đặt định giải pháp để xử lý những viên chức “giàu có bất minh” nhưng không may, Bộ Chính trị dứt khoát lắc đầu và Quốc hội nhất trí!
Tháng 11 năm 2018, đa số đại biểu Quốc hội… đồng ý gạt bỏ toàn bộ những đề nghị xử lý tài sản, thu nhập mà các viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc ra khỏi Luật Phòng – chống tham nhũng mới (8). Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không đồng cảm cao với “giàu có bất minh”, sẽ không có những scandal kiểu như Phạm Phú Quốc (vừa đại diện “ý chí, nguyện vọng của nhân dân”, vừa thản nhiên chi 2,5 triệu Mỹ kim để trở thành công dân Cyprus)!
***
Trên thực tế, KKTS đã mất tác dụng trấn an, thuyết phục công chúng về sự liêm chính của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam. Đầu tuần tới, đảng sẽ tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13. Giống như cách nay năm năm, ông Trọng đã thay mặt đảng thề: Không để lọt cán bộ kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản không nguồn gốc (9). Tuy nhiên đảng vẫn dứt khoát không công bố tờ khai tài sản của những cá nhân được lựa chọn làm Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương khóa tới. Theo một vài nguồn thạo tin, trong số những cá nhân được lựa chọn tham gia Bộ Chính trị khóa tới, có người thủ đắc khối tài sản lên tới cả ngàn tỉ… Tự thân KKTS hay ĐKTS không sai cũng chẳng xấu nhưng khi được dùng với gian ý, các biện pháp này có khác gì thủ đoạn lừa đảo?
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/kiem-soat-tai-san-toan-xa-hoi-duoc-khong-20210118080547165.htm
(2) https://plo.vn/phap-luat/vien-truong-le-minh-tri-noi-ve-viec-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-961070.html
(6) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
#đăngkýtàisản
Leave a Comment