Hai ba chục tuổi đứng tên tài sản ngàn tỷ

Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Tối Cao Lê Minh Trí (trong ảnh) cho biết hôm 12/1/2021, hiện có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ. Ảnh: Báo Thanh Niên
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Tệ nạn tham nhũng trong chính quyền CSVN diễn ra càng ngày càng tinh vi trong giai cấp lãnh đạo đảng và chính phủ, những người thực sự nắm giữ quyền lực tuyệt đối trên cả nước.

Ngày nay tham nhũng không còn là những bữa nhậu hai chiều linh đình kèm theo phong bì lót tay theo thông lệ mà nó là sự xà xẻo và dịch chuyển vốn đầu tư công khổng lồ vào tay các quan chức, hoặc hô biến hàng ngàn hecta công sản thành đất chủ quyền của các công ty tư nhân đánh đổi bằng những số tiền rẻ mạt sung vào công quỹ. Do đó tham những trong hàng ngũ cán bộ đảng viên đảng Cộng Sản là sự tích lũy tài sản, từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đô-la trong ngân hàng ngoại quốc; đến những biệt phủ tòa ngang dãy dọc, và sự thủ đắc đất đai ở quy mô lớn cho việc kinh doanh gia đình.

Thế nhưng trong nhiều năm qua vấn đề kê khai tài sản cán bộ được coi như biện pháp phòng, chống tham nhũng vẫn trong vòng bàn cãi không lối thoát. Ngay cả chiến dịch đốt lò được quảng cáo rầm rộ của Nguyễn Phú Trọng trên các phương tiện truyền thông quốc doanh cũng hiếm thấy đề cập đến vấn đề kê khai tài sản cán bộ.

- Quảng Cáo -

Mới đây, phát biểu trong một buổi họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN ngày 12 tháng Giêng, Viện Trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết: “Bây giờ có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, ngàn tỷ.” Sự thố lộ của ông Lê Minh Trí đã chứa nhiều ẩn dụ của một sự thật ai cũng biết nhưng giả vờ không biết. Vì ông viện trưởng đã thừa nhận một thực tế cay đắng “chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được.

Một vụ điển hình mà dư luận bàn tán xôn xao trong năm 2017, một viên chức cao cấp ngành ngân hàng để cho người con gái đang du học bên Mỹ đứng tên biệt phủ ở huyện Bình Chánh, Thành Hồ. Nhưng rồi mọi sự trôi vào im lặng vì đúng như lời ông Lê Minh Trí nói “biết hết nhưng không xử lý được!

Qua sự thừa nhận này, người ta thấy gì?

Thứ nhất, chỉ cần đọc một số tin trên các báo trong nước cũng đủ đánh giá tầng lớp con em cán bộ trong lứa tuổi đôi mươi phần nhiều là những người ăn chơi sa đà vào thú vui vật chất như xe đời mới, quần áo thời trang. Đâu phải như ông Bill Gates, ông Mark Zuckerberg ngay từ thời trẻ đã lao vào các cuộc phát minh, chinh phục khoa học, đứng ra kinh doanh làm giàu và nắm bạc tỷ Mỹ Kim trong tay. Còn giới thái tử đỏ Việt Nam, nếu có tài sản bạc tỷ như ông Lê Minh Trí mô tả thì chỉ là đứng tên giùm tiền ăn cướp ăn trộm của cha mẹ hay của ai đó. Những bậc cha mẹ này là những nhân vật quyền lực trong hệ thống cai trị của cộng sản, đã nhờ vào quyền lực này mà gom góp, tích lũy tài sản và để con cháu đứng tên.

Thứ hai, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn khoe khoang có một hệ thống kiểm tra tài sản cán bộ nhưng việc kiểm tra đưa ra năm lần bảy lượt chỉ làm cho lấy có, nói cho sướng miệng. Vì không ai tự mình đi kiểm tra tài sản để làm khổ chính mình khi cơ chế của đảng cầm quyền công khai chấp nhận cho mọi cán bộ mặc tình vơ vét tài sản để làm giàu. Nhưng vì lo sợ phe phái thanh trừng lẫn nhau nên phải để con cháu hoặc người thân đứng tên hầu trốn tránh pháp luật một cách dễ dàng.

Nói cách khác, việc kê khai tài sản chế độ đã làm từ 20 năm qua nhưng chỉ làm cho lấy có, một thứ bệnh hình thức của hệ thống quan lại cộng sản. Có năm nhà nước đưa ra con số 1 triệu cán bộ kê khai tài sản mà chỉ có 4.900 trường hợp phải xác minh lại và 17 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực. Cho nên ngay cả chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội cũng phải ngạc nhiên: “Cán bộ ta không phải là nghèo nhưng lúc kê khai lại rất nghèo!”

Thứ ba, cán bộ cộng sản ở Việt Nam vẫn tự hào với câu “hy sinh đời bố, củng cố đời con.” Nó cho người ta thấy trong chế độ, bố mẹ có thể lo vơ vét tiền của lúc đương quyền để vun bồi tài sản gia đình ngày càng cao. Và họ chấp nhận vào tù, coi đó như một sự hy sinh cho con cái về sau. Chỉ vài năm tù và nhờ có “nhân thân tốt,” gia đình “có công với cách mạng,” họ sẽ ra tù sớm để tận hưởng cuộc đời.

Nói tóm lại, ông Nguyễn Phú Trọng tốn công dựng lò đốt tham nhũng nhưng bây giờ mới nghiệm ra là không thể dọn sạch bọn tham ô.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -