Tân Phong – Việt Tân
Ngày 8 tháng Giêng, 2021 vừa qua, tỉnh Kiên Giang công bố nghị quyết của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN, thành lập thành phố Phú Quốc. Báo chí trong nước rầm rộ đưa tin và vẽ ra những khung cảnh huy hoàng. Là một người ưa thích khám phá xứ sở của mình, người viết cũng đã nhiều lần tới Phú Quốc trong 20 năm qua, tận mắt chứng kiến những thay đổi và mong mỏi cho một tương lai cường thịnh ở miền đất này. Đã có nhiều những resort cao cấp mọc lên như nấm sau mưa, hạ tầng sân bay, đường sá tốt hơn, nhà hàng, khách sạn san sát, náo nhiệt. Nhìn bề ngoài thì thấy một xã hội đang đà phát triển, dân sinh no đủ hơn 20 năm trước rất nhiều. Đó là điều không thể phủ nhận.
Nhưng sau ánh đèn lấp lánh của những khu biệt thự resort, sân gôn chỉ dành riêng cho đám “thượng lưu Đỏ,” những building cao tầng vươn lên bầu trời xanh ngắt… là nước mắt của hàng chục ngàn người dân bản địa bị tước đoạt đất đai, sinh kế, là hàng ngàn hecta rừng nguyên sinh đã và đang tiếp tục ngã xuống, thiên nhiên bị hủy hoại nhanh chóng và môi trường đang bị đầu độc, ô nhiễm nghiêm trọng. Phú Quốc đã và đang là một “Miền tây hoang dã” – nơi thiên đường của giới Tư bản Đỏ tha hồ cướp bóc và là địa ngục của những người dân đen bản xứ thấp cổ bé họng.
Hãy cùng nhìn qua khung cửa thời gian để tìm hiểu về vùng đất này trong quá khứ và nhìn nhận thực tại với góc độ đa chiều. Có nhiều điều đáng lo ngại về tương lai hơn là những niềm hoan hỉ vô thức từ thói ái kỷ chính trị bệnh hoạn “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay.”
Phú Quốc có nghĩa là “vương quốc giàu có,” tên gọi mà vua Gia Long Nguyễn Ánh đã đặt cho vùng biển đảo có tài nguyên thiên nhiên trù phú, lộng lẫy mà ông đã có lần phiêu dạt tới trên hành trình bôn tẩu “Gia Long phục quốc.” Cũng không xa lắm trên thượng nguồn của dòng chảy lịch sử, vùng đất này trước đó là một phần của đế quốc Khmer với cái tên Koh Tral. Trong khoảng thời gian từ 1680 đến 1755, vùng ven biển Kiên Giang, Hà Tiên là vùng đất tự trị của một người Hoa, tên Mạc Kính Cửu. Ông ta đã xây dựng một miền đất Hà Tiên với hải cảng Mang Khảm nổi tiếng, sòng bài, thương điếm, tiệm hút thuốc phiện… thịnh vượng bậc nhất trong vùng vịnh Thái Lan.
Có thể nói, Mạc Kính Cửu và gia tộc của ông đã xây dựng Hà Tiên trở thành một “Singapore của thế kỷ 18” sớm nhất trong khu vực. Đó thực sự là một “đặc khu kinh tế” sầm uất trước cả Cần Thơ, Bạc Liêu, Mỹ Tho Đại phố… Địa danh Hà Tiên đã được nhắc tới trong bài tham luận của Pierre Poivre trước Hàn Lâm Viện Pháp 1768 “Hà Tiên đã mở cửa đón nhận tàu buôn của mọi nước đến buôn bán. Hàng hóa buôn bán phải chịu một món thuế rất nhỏ mà thôi.” Sự giàu có của Hà Tiên trở thành miếng mồi béo bở trước đám giặc cướp Xiêm La (Thái Lan) và đã nhiều lần bị hủy hoại. Hiểm họa thường trực đó khiến cho Mạc Kính Cửu xin qui phục Chúa Nguyễn Phúc Chu năm 1708 để nhận được sự bảo hộ.
Gia tộc Mạc được các đời Chúa Nguyễn trọng thị, bảo hộ, phong hầu, giao cho toàn quyền cai quản Trấn Long Hồ và vùng đất của gia tộc Mạc mở mang, xây dựng. Con trai Mạc Kính Cửu là Mạc Thiên Tứ đã mở rộng phần đất phong của cha trên vùng lãnh thổ vẫn còn thuộc Cao Miên như Cà Mau, Sa Đéc, Tân Châu, Châu Đốc, Tân An, Gò Công, An Giang ngày nay. Đến năm 1755, Mạc Thiên Tứ đem toàn bộ vùng đất của gia tộc sáp nhập vào cương thổ của Việt Nam.
Đó là công nghiệp thiên thu của gia tộc Mạc với quốc gia Việt Nam và cũng là thành tựu chính trị ngoại giao kết hợp với kinh tế, di dân, hôn nhân chính trị và quân sự cực kỳ tinh vi và hiệu quả của Nguyễn Triều còn được biết tới với cái tên “tằm thực” mà ngày nay Trung Quốc Cộng Sản đảng đang triệt để thi hành trên toàn bộ vùng Đông Nam Á.
Cho đến khi Mạc Cửu lập nên đất Hà Tiên phồn hoa đô hội, những dấu ấn về một hệ thống quyền lực nhà nước và cơ sở kinh tế xã hội Khmer ở hòn đảo này quá nhạt nhòa để có thể trở thành “lịch sử.” Niềm nuối tiếc vùng đất cũ, những ánh vinh quang đã lụi tàn của một đế quốc và hận thù sắc tộc đã không ít lần trở thành những cuộc tranh chấp đổ nhiều xương máu giữa hai quốc gia Việt Nam – Cambodia suốt 300 năm sau đó. “Yuon” – Bọn Bắc – một cách gọi miệt thị người Việt Nam của người Cambodia thường dùng.
Khi ngọn lửa “dân tộc chủ nghĩa” được thổi bùng lên thì dân Miên rất nhiệt tình đi “cáp duồn” – chặt đầu, mổ bụng hàng ngàn người Việt ở những tỉnh giáp biên Việt – Miên. Đảo Thổ Chu cũng từng là nơi diễn ra những vụ thảm sát ghê rợn như thế năm 1975. Trong khi đó, những câu chuyện không rõ thực hư từ thời xa xưa như việc viên tướng Nguyễn Triều là Trương Minh Giảng đã chôn sống ba người Miên tới cổ và dùng đầu họ để kê nồi nấu cơm vẫn còn được lưu truyền ở Cambodia để rêu rao về “tội ác” của người Việt Nam với dân Miên.
Dù Hà Nội đã cố công dựng lên một nước Cộng Hòa Nhân Dân Cambodia và chống lưng cho Hun Sen từ một chỉ huy cấp tiểu đoàn của Khmer Đỏ trở thành thủ tướng suốt 3 thập kỷ không có nghĩa mối quan hệ Việt – Khmer là “tình hữu nghị anh em.” Có cả một “gia tài thù hận” giữa Việt – Khmer trong quá khứ và các thế hệ hôm nay vẫn còn mắc kẹt trong đống hỗn độn ấy. Lịch sử không có Lẽ phải và Công bằng nhưng Hiện tại thì luôn phải cố gắng tạo dựng và giữ gìn Hòa bình trên cơ sở cùng lợi. Đó chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Chính xác là 320 năm sau Mạc Cửu, nhà cầm quyền Hà Nội đã nhiều lần mong muốn thành lập ở Phú Quốc một “đặc khu kinh tế” với những mục tiêu to lớn và kỳ vọng nó trở thành “cỗ máy in tiền” theo hình mẫu Macao hay Singapore gì đó. Tuy vậy, những rào cản ý thức hệ và những cuộc đấu đá trong nội bộ thể chế chính trị lạc hậu khiến cho Hà Nội không thể vượt thoát ra khỏi “cái lồng tư tưởng.” Những xô đẩy, trôi trượt trong quá trình hình thành các chính sách định hướng quốc gia bị chi phối bởi các phe nhóm lợi ích và vùng miền khiến cho hòn đảo này gần như bị bỏ quên trước những năm 2000.
Thời đó, để ra được Phú Quốc từ thị xã Rạch Giá chỉ đi bằng tàu cá. Dân cư tập trung sống ở thị trấn Dương Đông nhỏ bé, khu An Thới và Hòn Thơm toàn dân chài lưới với những xóm lều lụp xụp bẩn thỉu. Từ An Thới đi lên thị trấn Dương Đông chỉ có một con đường đất đỏ nhỏ hẹp, mùa khô thì bụi, mùa mưa thì lầy lội. Kinh tế Phú Quốc hoàn toàn dựa vào đánh bắt, chế biến hải sản, nghề làm nước mắm truyền thống và nông nghiệp với đặc sản hồ tiêu. Không biết có phải là đặc thù của dân miệt biển và miền Tây hay không nhưng dân xứ đó chơi bài bạc rất dữ, ưa thích “nàng tiên nâu” và phụ nữ thì cao lớn, mũi cao, mắt to, đẹp hoang dại và phồn thực giống như các vũ nữ trong những bức phù điêu bằng sa thạch trong đền thờ Champa.
Năm 2004, quyết định của thủ tướng chính phủ về “đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010, tầm nhìn 2020” được ban hành. Trong suốt gần 10 năm sau đó, tác dụng duy nhất của bản đề án này là tạo ra một cơn sốt đất điên rồ và những cuộc tranh giành, chia chác hòn đảo bởi các “cá mập” và những phe nhóm quyền lực trong nội bộ chính quyền từ cấp huyện cho đến trung ương. Đến năm 2012, dự án hạ tầng đáng giá nhất của Phú Quốc là cảng hàng không quốc tế Phú Quốc với tổng trị giá toàn dự án đến năm 2030 khoảng 16.000 tỷ đồng.
Hiện nay, giá trị đầu tư đã triển khai khoảng 8000 tỷ đồng. Hà Nội cũng đã và đang thực thi ở đây một khu vực phi thuế quan và miễn thị thực cho khách nước ngoài trong vòng 15 ngày với các thủ tục dễ dãi hầu mong thu hút được lượng lớn khách du lịch. Các tổ hợp nghỉ dưỡng và bất động sản cao cấp của những cái tên như Tân Phát Đại Thành, SunGroup, VinGroup… được xây dựng với tốc độ đáng ngạc nhiên. Kể từ 2012 cho tới nay, Phú Quốc là một đại công trường. Những mảng xanh của rừng dương dọc Bãi Trường, An Thới nhanh chóng được thay thế bằng những phức hợp xây dựng sang trọng.
Một phong trào xẻ đất rừng làm dự án bất động sản, phân lô bán nền vô cùng náo động suốt từ những năm 2002 (khi có những đồn đoán về đề án phát triển Phú Quốc) và bùng nổ vào thời con trai Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về làm bí thư tỉnh Kiên Giang và dự định thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc gây nhiều tranh cãi. Nếu như giá đất toàn quốc trong vòng 20 năm qua tăng ở mức 30 lần thì riêng ở Phú Quốc mức tăng đó là 100 lần (10.000%!). Giá đất tăng với tốc độ tên lửa và thị trường chuyển đổi sôi động đem về cho tỉnh nguồn thu lớn từ các nguồn phí chuyển quyền sử dụng đất và lợi nhuận khủng khiếp cho giới chóp bu. Việc xử phạt theo kiểu “ghét cho ngọt cho bùi,” đưa “thái tử đảng” Nguyễn Thanh Nghị về Hà Nội làm thứ trưởng Bộ Xây Dựng dường như là một cuộc tổng kết và chuyển giao quyền lực vùng Tây Nam Bộ cho một phe nhóm lợi ích khác trong êm thấm. Tiền thì đã đầy túi quan thầy ở Ba Đình và bây giờ là việc thâu lại vùng “đất phong” của gia tộc ngài cựu thủ tướng để giao lại cho các tay chơi mới. Quả là một nước cờ cao của ông Tổng Tịch.
Ghé thăm Phú Quốc năm 2019, gặp lại một số người quen cũ, từ bác Năm xe ôm đến chú Sáu chủ ghe hồi trước hay chở tôi đi lặn ngắm san hô, câu cá ngoài bãi Thơm và ngang dọc khắp đảo năm nào… Những rặng san hô tuyệt đẹp ngoài đó giờ đã chết trắng và gãy nát, những đàn cá như sao sa dưới biển ngày ấy bây giờ cũng hiếm hoi thưa thớt lắm. Tài nguyên biển đã vơi đi trông thấy. Cuộc sống của người dân bản địa trên đảo thì thay đổi nhiều lắm. Đất đai bị thu hồi rẻ mạt, có nơi bị cướp trắng để làm dự án. Biển thì cạn tôm cá. Cánh đàn ông quay qua làm phu hồ, thợ xây, cánh phụ nữ thì lượm nhặt, buôn bán chạy chợ. Nhà nào có chút đất vườn bán được giá lúc sốt đất thì vợ chồng con cái ăn chơi nghiện ngập cả. Đám trẻ sinh ra những năm 2000 ngày ấy giờ đây từ chối những việc nghề biển nặng nhọc và chỉ thích ăn chơi sành điệu cho bằng bạn bằng bè. Những bé gái năm xưa khi tôi còn ở đó, giờ nhiều đứa vào làm trong những khách sạn, nhà hàng, massage… đầy cạm bẫy.
Phú Quốc của cái thời để xe ở ngoài đường không lo mất cắp, ngủ không cần đóng cửa và mọi người sống với nhau chan hòa tình làng xóm giờ không còn nữa. Dân tứ xứ đổ về, trộm cắp, lừa đảo, hút chích, cho vay nặng lãi, tệ nạn tràn ngập. Thu nhập của người dân tuy có tăng hơn trước chút đỉnh nhưng vật giá thì leo thang gấp nhiều lần. Phú Quốc giờ có kẹt xe, và mỗi khi mưa lớn thì đường phố ngập trắng như thành Hồ. Cái cảng ở Dương Đông và An Thới ngày một bẩn thỉu đầy rác rến và trên đảo chưa hề có một nhà máy xử lý rác thải nào, nước thải thì cứ xả thẳng ra sông, biển như bất kể nơi nào ở Việt Nam. Cách thức ứng xử với thiên nhiên độc ác và thiển cận như vậy, tương lai của đảo ngọc Phú Quốc sẽ là gì?
Bác Năm chở tôi đi một vòng quanh đảo và lên đình thần Nguyễn Trung Trực ở mũi đất cực Tây của đảo Phú Quốc. Nhìn bằng mắt thường có thấy đảo Kon Seh của Cambodia. Được biết, chính phủ Cambodia với sự trợ giúp của Trung Quốc, liên doanh với công ty KrisEnergy đang tiến hành khai thác dầu khí ngay gần đảo Phú Quốc và cách đó không xa là căn cứ hải lục không quân viễn dương lớn nhất của Trung Quốc trên đảo lớn Koh Kong đang được xây dựng như vũ bão. Có đến hàng trăm khách sạn, cơ sở kinh doanh, resort hay các khu biệt thự cao cấp ở đây dành riêng cho khách Tàu giống như ở Nha Trang, Đà Nẵng, Huế. Ở Hà Tiên, đất mũi Cà Mau… đám “khách Trú” lũ lượt đến sinh cơ lập nghiệp, lấy vợ Việt Nam với cái giá chỉ bằng một chiếc xe máy tay gas SH hay thậm chí là một chiếc iPhone đời mới. Cái thế “da báo” và chiến lược “tằm thực” của Trung Cộng đã quá rõ ở miền Tây. Trong khi dân miền Tây phải bỏ xứ đi tha phương cầu thực vì đất đai không thể canh tác vì hạn hán và nước mặn thì dân Tàu lại qua đây ngày một đông đúc.
Không biết liệu rằng đến một lúc nào đó, một Crưm (Krym) khác có tái diễn ở Phú Quốc hay không? Nhiều tỷ USD đã được đầu tư và thay đổi Phú Quốc sang trọng hơn, lộng lẫy hơn. Nhưng nó không đem lại thêm hạnh phúc và giàu có cho đa số những người dân ở đây trong khi thiên nhiên đang bị tàn phá kinh hoàng. Cái giá phải cho trả cho sự phát triển thiển cận và tham lam của ngày hôm nay, thế hệ sau sẽ phải gánh chịu. Và khi màn đêm buông xuống, những ánh đèn màu sắc lung linh từ những khách sạn sang trọng ở Dương Đông chỉ cho tôi một cảm giác buồn bã, một nỗi lo ngại mơ hồ từ ám ảnh trong quá khứ rằng tương lai của mảnh đất này cũng chỉ như một giấc mộng phù hoa ngắn ngủi mà thôi.
Hy vọng rằng tôi sai.
Tân Phong
Leave a Comment