Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay Câu 1 của đề thi học sinh giỏi văn là dịch từ nước ngoài, có địa chỉ là www.vtmonline.vn.
Lạ là chuyện đi xe đạp và sửa xe rất Việt Nam. Cái đuôi vn trên địa chỉ chẳng lẽ không phải là trang web của Việt Nam mà là của nước lạ nào? Tôi truy cập theo đúng địa chỉ trên đề thi thì trang này bị khoá hoặc không tồn tại. Tìm từ khoá “Khóc giùm” thì chỉ thấy trên một số trang nhảm tiếng Việt có câu chuyện tương tự. Nhưng tất cả đều là “Khóc giùm” chứ không có “giúp bạn ấy khóc”.
“Khóc giùm” hiển nhiên khác nghĩa với “giúp bạn ấy khóc”. “Khóc giùm” nằm trong trường nghĩa với “khóc mướn”, tức chính mình khóc thay người khác, nhưng khác khóc mướn vì đã “giùm” thì miễn phí. Còn “giúp bạn ấy khóc” là mình không khóc mà giúp cho người khác khóc do người ấy không khóc được.
Tôi lần dò ra người làm đề và hỏi: “Có phân biệt được nghĩa của “khóc giùm” với “giúp bạn ấy khóc” không?” Người ra đề ngơ ngác. Tôi bảo: “Bọn teen chế ra chuyện “khóc giùm” là có nghĩa, dù nhảm nhí nhưng chọc vui. Còn “giúp bạn ấy khóc” thì chẳng có nghĩa gì cả, trừ phi “bạn ấy” bị hỏng cổ họng không khóc được phải nhờ người móc họng cho. Đã “phỏng” thì phỏng cho có lý chứ ạ?”
Người ra đề càng không hiểu gì, chỉ nói cho có: “Em thấy nghĩa giống nhau mà”. Tôi hỏi: “Em học lớp mấy?” Người ra đề trả lời: “Sở của em yêu cầu người ra đề học sinh giỏi phải có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ anh ạ!” Tôi nhắc: “Anh hỏi em học lớp mấy cơ?” Người ra đề hỏi lại: “Tiến sỹ là lớp mấy vậy anh?” Tôi bật cười: “Người ta đồn ở xứ ngàn năm văn vật này chỉ cần học qua lớp ba, tức biết đọc biết viết, là có thể làm tiến sỹ”.
Bất ngờ người ra đề reo lên: “Em đọc thông viết thạo rồi đó anh. Ngày xưa cả nhà em làm nghề khóc mướn đám ma. Em khóc cả đêm rồi lẽo đẽo theo đám ma hàng cây số, khóc hết nước mắt nhưng tiền công không đủ ăn tô bún. Nghe thành phố ra chỉ tiêu công dân thủ đô phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, em đăng ký học vượt từ lớp ba lên tiến sĩ luôn! Hiển nhiên là tiến sĩ văn, vì em nghe nói văn chương cũng là nghề than vay khóc mướn. Em dạy văn nổi tiếng thành phố đấy nhé! Cứ đọc đến đoạn văn xúc động là em khóc như khóc đám ma, ai dự giờ cũng khen em dạy văn truyền cảm. Nghề dạy văn khóc ít nhưng tiền nhiều hơn khóc mướn đám ma, nên em bám luôn. Đó là lý do em đưa luôn nghề khóc mướn truyền thống của làng em vào đề văn cho nó giàu đạo lý uống nước nhớ nguồn!”
Ra thế! Người ra đề thi học giỏi môn Ngữ văn của Sở Dục thủ đô ngàn năm văn hiến là tiến sĩ gốc làm nghề khóc mướn. Khi làm nghề giáo thì chị ta còn thêm kỹ năng giúp người khác khóc. Khóc mướn, khóc thay, và cả giúp cho người khác khóc, không phải là đặc sản ngàn năm văn hiến ư?
Văn chương càng ngày càng nhân đạo sụt sùi vậy đấy!
Chu Mộng Long
——
Đố các bạn, bài văn trên của tôi đạt bao nhiêu điểm?
#giáodụcviệtnam
Leave a Comment