Quảng Cáo

Ai lươn ai lẹo?

Quảng Cáo

 Nam Trân (VNTB)|

Trong thư phúc đáp của Chính phủ Việt Nam đối với thư chất vấn của các Thủ Tục Đặc Biệt thuộc LHQ số VNM 3/2000, Chính Phủ Việt Nam đã phủ nhận mọi cáo buộc của Uỷ Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Các cáo buộc được đưa ra trong Thư chất vấn chung là không chính xác, chủ yếu được rút ra từ các nguồn chưa được xác minh và không phản ánh bản chất của những trường hợp này. Các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, bà Phạm Thị Đoan Trang và Hồ Sỹ Quyết bị điều tra và truy tố vì vi phạm pháp luật Việt Nam, chứ không vì thực hiện các quyền tự do cơ bản.

Thư khẳng định Việt Nam bảo vệ các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và biểu tình ôn hoà đồng thời khẳng định không ai bị “đe doạ và sách nhiễu” vì thực hiện các quyền này.

Việt Nam cũng đã đề cập đến trên 62% dân số sử dụng internet và mạng xã hội làm phương tiện bày tỏ ý kiến đối với các vấn đề xã hội và chính sách của nhà nước chứng tỏ Việt Nam có tự biểu đạt, tự do internet.

Nêu lên con số 70.000 hội đang hoạt động, như các tổ chức và hội thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, người cao tuổi, người khuyết tật, các hiệp hội từ thiện, các tổ chức khoa học và dạy nghề, các tổ chức phi chính phủ cũng là cách chính phủ Việt Nam chứng minh quyền tự do lập hội.

Thư nêu rõ “Việt Nam chỉ truy tố và đưa ra xét xử những người vi phạm pháp luật, chứ không phải những người thực hiện các quyền hợp pháp của họ đối với quyền tự do ngôn luận và hội họp. Việc tạm giam và xét xử vi phạm pháp luật được thực hiện theo quy trình pháp luật Việt Nam.”

*****

Trường hợp của các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn

Chính Phủ Việt Nam: Sức khỏe của họ ở trong điều kiện bình thường.

Sự thật: Ông Nguyễn Tường Thuỵ thường xuyên bị đau nhức do nằm nền xi măng cứng. Ngoài ra ông cũng bị ghẻ ngứa (có thể do nắng nóng và điều kiện vệ sinh không đảm bảo). Vợ ông Thuỵ là bà Phạm Thị Lân đã nhiều lần lên tiếng về điều này trong suốt thời gian qua.

Chính Phủ Việt Nam: Các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn cho đến tháng 8 năm 2019 đã đăng “63 bài viết bóp méo sự thật, kích động các cá nhân nổi loạn và lật đổ chính quyền nhân dân, gây lòng hận thù và cực đoan, gây hiểu lầm cho người dân về tình hình kinh tế-xã hội với quan điểm gây lo âu chung và bất ổn xã hội”.

Sự thật: Tuy nhiên theo cáo trạng của Viện kiểm sát nêu rõ “Phạm Chí Dũng có 25 bài viết, Nguyễn Tường Thụy có 5 bài viết, và Lê Hữu Minh Tuấn có 6 bài viết có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ; không đề cập đến việc kích động các cá nhân nổi loạn và lật đổ chính quyền nhân dân.

Nói theo như luật sư Đặng Đình Mạnh, luật sư bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn thì “đối với những vụ án thuộc nhóm tội, tuy gọi là tội chính trị nhưng nội dung là tuyên truyền chống nhà nước. Nếu nói nôm na, gọi là ‘vạ miệng’ … Tức là nói những điều không nên nói!”

Chính Phủ Việt Nam: Việc bắt giữ và giam giữ Phạm Chí Dũng và khám nhà của ông được giám sát theo quá trình tố tụng hình sự được quy định theo luật Việt Nam; các biên bản thủ tục tố tụng đã được tất cả các bên có liên quan như công an, nhân chứng và chính Phạm Chí Dũng ký kết.

Sự thật: Trong biên bản khám xét và biên bản thu giữ vật tang chứng được lập ra lúc 9:05 phút sáng ngày 21/11/2020, hoàn toàn không có chữ ký nào của ông Phạm Chí Dũng. Biên bản chỉ thể hiện chữ ký của đại diện gia đình, điều tra viên, đại diện địa phương, và người chứng kiến và người lập biên bản. Phần dành cho chữ ký của người bị khám xét tức ông Phạm Chí Dũng hoàn toàn để trống.

Chính Phủ Việt Nam: Lá thư viết “Vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra” khi thư được Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại LHQ gửi đến Cao uỷ LHQ về Nhân Quyền ngày 28/12/2020.

Sự thật: Vụ án đã chính thức kết thúc điều tra vào ngày 15/10/2020 và đã có quyết định xét xử vào ngày 18/12/2020.

Chính Phủ Việt Nam: Về quyền luật sư bào chữa và quyền thăm viếng gia đình Chính phủ Việt Nam khẳng định họ không bị biệt giam.

Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tội phạm an ninh quốc gia chỉ cho phép bị cáo và luật sư bào chữa tiếp cận, sao chép tài liệu trong hồ sơ vụ án và sẽ không có giới hạn về số lần, thời gian gặp gỡ giữa bị cáo và luật sư bào chữa… sau khi giai đoạn điều tra kết thúc.

Sự thật: Từ khi bị giam giữ ngày 21/11/2019 đối với ông Phạm Chí Dũng, ngày 23/5/2020 đối với ông Nguyễn Tường Thuỵ, và ngày 12/6/2020 đối với ông Lê Hữu Minh Tuấn, cả ba ông đều không được gặp luật sư và thân nhân mãi cho đến ngày 10/11/2020.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng đã được tiếp xúc với các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy vào các ngày 10/11/2020, 18/12/2020 và 4/1/2020; Luật sư Đặng Đình Mạnh đã tiếp xúc ông Phạm Chí Dũng và ông Lê Hữu Minh Tuấn lần lượt từ ngày 12/11/2020, 30/12/2020 và 2/1/2020. Tức việc tiếp xúc bào chữa chỉ diễn ra gần 4 tuần sau khi kết thúc điều tra và 8 tuần trước phiên xử phúc thẩm.

Chính Phủ Việt Nam: Luật chỉ cho phép gia đình tiếp tế cho bị cáo; yêu cầu gặp mặt gia đình trong giai đoạn điều tra không được đáp ứng để đảm bảo bí mật điều tra.

Sự thật: Cho đến nay, ngày 12/1/2021, tức 2 tháng sau khi kết thúc điều tra gia đình các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn vẫn chưa được phép thăm gặp thân nhân.

Gia đình các nhà báo đã hi vọng được gặp thân nhân vào ngày 6/11/2020 nhưng với lý do diễn biến của dịch bệnh COVID-19 nên việc thăm viếng đã bị hoãn lại cho đến ngày nay và chưa có dấu hiệu sẽ được phép gặp mặt thân nhân trước phiên xử phúc thẩm nếu có.

Chính Phủ Việt Nam: Hiện tại, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Chí Hòa; với tình trạng sức khỏe bình thường. Họ được cung cấp đầy đủ thực phẩm, chỗ ở và chăm sóc sức khỏe theo quy định của Luật Tạm giữ và Tạm giam.

Sự thật: Mỗi tháng gia đình được tiếp tế cho các thân nhân tối đa 2 lần, mỗi lần không quá 1,5 kilogram thực phẩm khô (chà bông, các loại khô đã chế biến sẵn, các loại thực phẩm đóng gói hút chân không, bánh ngọt hay cuộn gói đều không được đưa vào).

Ngoài ra thân nhân còn chuyển tiền lưu ký trực tiếp tại trại hay gửi theo bưu điện nếu không có điều kiện gửi trực tiếp để người bị giam giữ mua thêm thức ăn trong căn tin của trại giam với mức tiêu không được quá 1,6 triệu đồng mỗi tháng. Lượng thực phẩm khô cũng phải nằm trong khung giá quy định. Ngoài ra vào ngày thăm gặp gia đình thường làm thêm các món ăn liền trong ngày như các món kho, nướng.

Các loại rau củ quả và vật dụng thường ngày như bàn chải đánh răng, xà bông tắm gội đều do căn tin của trại giam Chí Hoà cung cấp qua hình thức phiếu mua hàng. Những người bị giam giữ sử dụng tiền lưu ký để mua phiếu. Có gia đình chọn mua đồ uống, bánh kẹo theo dạng lưu ký để căn tin trại giam chuyển đến cho thân nhân trong trại.

Tuy nhiên không ai có thể theo dõi được liệu tất cả các thực phẩm và vật dụng có đến được tay của những người bị giam giữ hay không và nguồn tiền lưu ký hay phiếu mua hàng lưu ký được quản lý và giao nhận ra sao.

*****

Bài viết này chỉ tổng kết lại sự kiện đã diễn ra và được công bố công khai trên Facebook của các luật sư bào chữa hay trên báo chính thống, phán quyết xin để lại cho người đọc!

#IJAVN #PhamChiDung #NguyenTuongThuy #LeHuuMinhTuan

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux