Trách nhiệm ‘dân vận’ nhìn từ bản án hình sự sơ thẩm vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”

- Quảng Cáo -

Thới Bình (VNTB)|

Tổng cộng 37 năm tù cho ba công dân vì tội viết tất cả là 36 bài báo trong 5 năm chủ đề kêu gọi tam quyền phân lập cho thể chế chính trị hiện hành.

“Tam quyền phân lập” là chủ đề bàn luận từ hồi có bản Hiến pháp 1992. Trên trang điện tử của cơ quan Tuyên giáo, trên báo chí quốc doanh vẫn thường xuyên bàn luận về học thuyết chính trị tam quyền phân lập (1)

Vậy thì vì sao các nhà báo tự do không thể được quyền viết bài về chủ đề tam quyền phân lập?

- Quảng Cáo -

Tránh việc hình sự hóa một quan hệ dân sự trong quyền chính trị công dân, rõ ràng ở đây có một công cụ mà Đảng bộ ở một số địa phương đã chưa thực sự quan tâm đúng mức: Dân vận.

Vì sao lại là “dân vận”?

Sinh tiền, chủ tịch Hồ Chí Minh có giải thích rằng: Dân vận là hoạt động thông qua hành động hoặc lời nói, chữ viết để vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào.

Từ việc vận động đó để đóng góp sức dân thành lực lượng nhân dân và từ lực lượng nhân dân thành lực lượng toàn dân, để cùng nhau tiếp sức, thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho.

Từ giải thích của chủ tịch Hồ Chí Minh về khái niệm dân vận, từ đó có thể đưa ra câu trả lời về công tác dân vận là gì? Đó là việc chính quyền, đoàn thể những người có chức trách, nhiệm vụ được nhà nước tin tưởng giao phó thực hiện các nhiệm vụ về: khi dân có vấn đề chưa hiểu phải tìm mọi cách giải thích để dân hiểu rõ, nắm được thông tin và bản chất của vấn đề.

Trước những vấn đề phải có sự bàn bạc, lắng nghe, trao đổi hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân; khi thi hành công việc, nhiệm vụ phải theo dõi, giúp đỡ, khuyến khích; khi thực hiện, thi hành xong cùng dân rút kinh nghiệm, đưa ra bài học để những lần sau cố gắng hoàn thành tốt hơn nữa.

Đơn cử, nếu quả tình đúng là có 3 công dân viết trong 5 năm được cả thảy 36 bài báo được ‘giám định’ là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, và ‘động cơ gây án’ ở đây của 36 bài báo chính là đề xuất áp dụng chính trị phân quyền với 3 nhánh lập pháp – hành pháp – tư pháp. Tuy nhiên đề xuất này được cho là ‘đi ngược lại quan điểm của Đảng’.

Trong mọi lý do, thì với chặng đường thời gian những 5 năm của 36 bài báo, cho thấy công tác dân vận đã kém hiệu quả trong thực thi yêu cầu khi dân có vấn đề chưa hiểu, phải tìm mọi cách giải thích để dân hiểu rõ, nắm được thông tin và bản chất của vấn đề. Đàng này lại chọn im lặng của ngộ nhận “cầu thị – tiếp thu” đa chiều phản biện, để rồi bất ngờ đẩy người dân vào cảnh tù tội, như vụ án vừa kết thúc phiên hình sự sơ thẩm vào trưa ngày 5-1-2021.

“Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, công tác cán bộ, nhân sự sẽ quyết định thành hay bại. Do đó, nếu làm không tốt công tác cán bộ, chúng ta sẽ tự lật đổ chứ không phải do kẻ thù” (…) “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi” – bài báo trên tờ Thanh Niên đã viết như vậy trong tường thuật Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 (2).

Củng cố thêm cho thắc mắc ở đây: phải chăng vì thiếu cán bộ cho nhiệm vụ dân vận nên mới để xảy ra vụ 37 năm tù cho ba công dân vì tội viết tất cả là 36 bài báo trong 5 năm chủ đề kêu gọi tam quyền phân lập cho thể chế chính trị hiện hành?

Tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành công tác Dân vận của Đảng, sáng 11-10-2020, theo bản tin trên báo Lao Động, “Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Những thành tựu của Đảng ta 90 năm qua, có sự đóng góp rất to lớn, quan trọng của công tác dân vận của Đảng và cả hệ thống chính trị. Chúng ta đã phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, vận động, tập hợp, tổ chức và hướng dẫn quần chúng nhân dân theo lời Bác dạy: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó” (3).

Như vậy phải chăng trong vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” nếu tiếp tục được nhìn qua lăng kính hình sự ở Điều 117, xem ra có phần trách nhiệm không hề nhỏ của cơ quan dân vận Đảng. Liệu điều này có được cơ quan tố tụng xem xét để kháng nghị ở phiên tòa phúc thẩm?

________________

Chú thích:

(1) http://tuyengiao.vn/…/co-nen-van-dung-mo-hinh-tam-quyen…;

http://tapchiqptd.vn/…/tam-quyen-phan-lap…/10566.html;

https://anninhthudo.vn/tam-quyen-phan-lap-khong-phu-hop…;

https://www.tapchicongsan.org.vn/…/nhap-khau-thuyet-tam…;

https://thanhnien.vn/…/khong-co-tam-quyen-phan-lap-nen…;

http://hvctcand.edu.vn/…/co-phai-chi-thuc-hanh-kinh-te…;

https://baoquocte.vn/bau-cu-my-2020-mo-hinh-tam-quyen…

(2) https://thanhnien.vn/…/thuong-truc-ban-bi-thu-ta-khong…

(3) https://laodong.vn/…/khong-de-cac-the-luc-thu-dich-gay…

#IJAVN #PhamChiDung #NguyenTuongThuy #LeHuuMinhTuan

- Quảng Cáo -