Quảng Cáo

Phúc thẩm vụ án “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” sẽ như thế nào?

Quảng Cáo

Hoài Nguyễn

Liệu các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn có quyết định ‘chống án’ bằng yêu cầu phúc thẩm, từ ít nhất cũng là loạt vấn đề còn chưa được làm rõ như biện giải ở trên?

Hội đồng xét xử nhận định, tại phiên tòa mặc dù các bị cáo không thừa nhận hành vi của mình là phạm tội nhưng đã khai nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng truy tố. Vì vậy, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Thế nào là ‘đúng tội’ khi đương sự không cho rằng đây là ‘tội’?

Bản tin trên báo Thanh Niên cho biết:

“Theo cáo trạng, từ năm 2014, 3 bị cáo trên thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng, tổ chức có tư tưởng bất mãn về chính trị trong và ngoài nước. Từ đó nảy sinh tư tưởng bất mãn với chính quyền nên bị cáo Phạm Chí Dũng khởi xướng thành lập “hội nhà báo độc lập Việt Nam”, do bị cáo làm Chủ tịch, Thụy giữ vai trò Phó chủ tịch.

Mục đích, quan điểm hoạt động của hội là đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay thành thể chế chính trị tam quyền phân lập(1).

Bản tin trên báo Phụ nữ TP.HCM tường thuật về vụ án này, có đoạn tường thuật về nhận định của Hội đồng xét xử(2):

“Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng, gây chia rẽ mối đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước, cần phải bị xử lý nghiêm minh mới có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung”.

Theo tường thuật của báo chí thì các bị cáo không cho rằng hành vi viết báo nhằm “đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay thành thể chế chính trị tam quyền phân lập” là vi phạm pháp luật. Điều này có căn cứ, từ việc ở Việt Nam cho đến nay chưa có một văn bản pháp quy nào phủ nhận thể chế chính trị tam quyền phân lập; và cũng chưa có văn bản pháp quy nào điều chỉnh hành vi hình sự về kêu gọi thực thi tam quyền phân lập.

Một vấn đề cần bàn luận tiếp theo: cáo trạng ghi kể từ thời gian năm 2014 là bắt đầu dấu hiệu cho chuẩn bị vi phạm pháp luật hình sự. Đến cuối tháng 11-2019, người đứng đầu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam mới bị ‘bắt giữ hình sự’.

Theo tường thuật đăng trên báo Thanh Niên:

“Tính từ ngày 4-7-2014 đến 21-11-2019, hai trang web và blog “Việt Nam Thời Báo” đã đăng tải hơn 23.500 bài viết, trong đó Dũng viết và đăng tải khoảng 1.530 tin bài, Nguyễn Tường Thụy 245 tin bài và Minh Tuấn 534 tin bài.

Qua giám định, cơ quan chức năng xác định có 25 bài viết của Phạm Chí Dũng, 5 bài viết của Nguyễn Tường Thụy và 6 bài viết của Lê Hữu Minh Tuấn có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Mức án 15 năm tù cho 25 bài báo, và 11 năm tù cho 5 và 6 bài báo: những con số đó cho thấy ‘sự nặng ký’ của nội dung cụ thể từng bài báo kéo dài suốt hơn 5 năm. Bởi xét về so sánh số lượng thì 25 bài/1.530 tin, bài; 5 bài/245 tin, bài; và 6 bài/534 bài, quả là khó thể đủ sức gọi là “gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng, gây chia rẽ mối đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước” như tường thuật của báo Phụ nữ TP.HCM.

Giả dụ như yêu cầu đặt ra của các đương sự về phiên phúc thẩm, là cần những biện chứng khoa học về nghiệp vụ gọi là ‘giám định’ bài viết đăng báo, liệu có được cơ quan tố tụng chấp nhận? Điều này thể hiện ở ngay phiên sơ thẩm – như tường thuật của luật sư Đặng Đình Mạnh:

“Trong phiên tòa, cả ba ông đều thừa nhận toàn bộ việc thành lập, tham gia Hội Nhà báo độc lập, việc viết báo với mục đích cổ súy cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, dân chủ và nhân quyền là những quyền theo hiến pháp quy định. Nhưng không cho rằng những hành vi ấy vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Báo Thanh Niên cũng nhắc điều tương tự lời thuật của luật sư Đặng Đình Mạnh: “Hội đồng xét xử nhận định, tại phiên tòa mặc dù các bị cáo không thừa nhận hành vi của mình là phạm tội nhưng đã khai nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng truy tố”.

Liệu các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn có quyết định ‘chống án’ bằng yêu cầu phúc thẩm, từ ít nhất cũng là loạt vấn đề còn chưa được làm rõ như biện giải ở trên?

***

Lời nói sau cùng

Phiên tòa sơ thẩm xét xử ba nhà báo thuộc Hội Nhà báo độc lập Việt Nam ngày 05/01/2021

PHẠM CHÍ DŨNG

Tôi xin cám ơn các cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, các đại sứ quán đã quan tâm đến nền báo chí Việt Nam.

Một bản án quá nặng đối với các nhà báo thuộc Hội nhà báo độc lập Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới biết đến nền “tự do báo chí” của Việt Nam.

Tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại, vì nếu có một mức án nặng nề đối với chúng tôi, sẽ rất bất lợi cho bang giao quốc tế trong giai đoạn khó khăn này.

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tất cả những bài báo của tôi đều là những trăn trở đối với đất nước và dân tộc.

Trong tương lai, những việc chúng tôi làm hôm nay sẽ là những chuyện bình thường.

LÊ HỮU MINH TUẤN

Đề nghị Tòa xem xét lại mục đích của chúng tôi.

Tôi có niềm tin nhà nước sẽ thực tâm đối với các quyền dân sự.

Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội. Chúng tôi chẳng những không làm suy yếu nhà nước mà còn làm cho nhà nước mạnh lên.

Ls Nguyễn Văn Miếng (ghi)

H.N.

VNTB gửi BVN.

#HộiNhàBáoĐộcLậpVN  #PhạmChíDũng

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux