CTMM
Hôm 5/1/2021, ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị Tòa án Nhân nhân Tp. Hồ Chí Minh kết án tổng cộng 37 năm tù và 9 năm quản chế trong vụ án gọi là “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015:
– Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội, bị tuyên án 15 năm tù và 3 năm quản chế.
– Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó chủ tịch Hội, bị 11 năm tù và 3 năm quản chế
– Ông Lê Hữu Minh Tuấn, quản trị trang Việt Nam Thời Báo của Hội, 11 năm tù và 3 năm quản chế.
Theo cáo trạng, thì ông Dũng viết khoảng 1.530 tin bài trong đó có 25 bài được cho là xâm phạm uy tín đảng, chống nhà nước; ông Thụy chỉ có 05 bài và ôngTuấn 06 bài.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng và ông Nguyễn Tường Thụy cho biết: “Ba người này đã thể hiện quyền tự do báo chí và cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền nhưng đã bị tòa án kết án “tuyên truyền chống nhà nước,” “cổ xúy cho việc thay đổi thể chế chính trị thành tam quyền phân lập”. Điều này đã bị các bị cáo bác bỏ.”
“Đây là một mức án rất nặng nề trong giai đoạn hiện nay khi mà Việt Nam đang tranh thủ sự quan tâm của quốc tế.
Cũng theo Luật sư Miếng thì cuối phiên tòa ông Phạm Chí Dũng nói rằng nếu ông bị kết án với mức án nặng nề là việc vi phạm trắng trợn quyền tự do về báo chí, cũng như các quyền về dân chủ và nhân quyền khác ở Việt Nam, và sẽ bất lợi cho mối bang giao giữa Việt Nam và các nước khác trong giai đoạn hiện nay.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) hôm 5/1 cho VOA biết rằng RSF “thực sự kinh hãi trước những bản án rất nặng nề này.”
Ông Daniel Bastard, Trưởng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của RSF nhận định: “Càng kinh ngạc hơn khi biết rằng phiên xử chỉ kéo dài chưa đầy nửa ngày. Phiên tòa cho thấy giới lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện nay coi thường hoàn toàn Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và điều 25 của Hiếp pháp này, trong đó tuyên bố quyền tự do báo chí,” “Phiên tòa này một lần nữa thể hiện sự kém cỏi của nền công lý Việt Nam”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho biết các bản án này cho thấy sự khinh thường của chính phủ Việt Nam đối với truyền thông tự do, đặc biệt là trước thềm Đại hội Đảng XIII. Bà Emerlynne Gil, Phó giám đốc khu vực của AI cho Reuters biết: “Mức độ nghiêm trọng của các bản án cho thấy mức độ sâu sắc của các cơ quan kiểm duyệt của Việt Nam.”
Trước phiên xử, ngày 4/1, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đã đưa ra thông cáo và cho rằng “tuyên bố tôn trọng dân chủ của chính phủ Việt Nam chỉ là lời nói dối. Nền dân chủ sẽ chết nếu không có tự do ngôn luận và tự do báo chí. Việc làm của các phóng viên công dân độc lập tương tự như ba người trên, là dám chỉ ra những sai trái và yêu cầu cải cách để chấm dứt tình trạng lạm quyền”.
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc hôm nay 5/1/2021, Dân biểu liên bang Đức Renate Künast, Chủ tịch Nhóm Dân biểu về Quan hệ với Khối ASEAN của Quốc hội Liên bang Đức lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và các ông Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn.
Dân biểu Künast, trước đó đã chính thức bảo trợ cho ông Phạm Chí Dũng, cho biết rằng ngay trước khi bị bắt Ts. Dũng đã nhiều lần và mạnh mẽ kêu gọi Nghị Viện Âu Châu không bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) nếu Việt Nam không trả tự do cho các tù nhân chính trị và không cải thiện tình trạng.
Trong một thông cáo gửi cho VOA bà viết: “Các quốc gia thành viên của Liên minh Âu Châu (EU) có bổn phận đấu tranh cho ông được tự do và cho tự do báo chí ở Việt Nam với tất cả các phương tiện của EVFTA và Hiệp định Đối tác và Hợp tác giữa EU và Việt Nam (PCA),” và nhấn mạnh rằng “Những hứa hẹn cải thiện nhân quyền trong tiến trình phê chuẩn EVFTA là chưa đủ mà cần chứng minh bằng hành động thực tế. Thương mại tự do với khối EU không thể diễn ra mà không bảo vệ nhân quyền.”./.
Leave a Comment