Ít ai ngờ câu “mây đen phủ kín toàn cầu, mặt trời toả sáng trên đầu Việt Nam” lại có những điểm đúng trong năm Covid 2020.
Trong những ngày cuối năm, hãng chuyên khảo sát giá trị thương hiệu toàn cầu có trụ sở ở Anh, Brand Finance, cho rằng thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng tới 29% lên 319 tỷ đô la Mỹ trong 12 tháng qua. Brand Finance nói Việt Nam, với số ca nhiễm và số tử vong vì Covid cực thấp, đã trở thành điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á cho các nhà sản xuất và đầu tư, nhất là các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Họ cũng nói hiệp định thương mại với EU càng hỗ trợ cho sự tăng trưởng của Việt Nam.
Để so sánh, Brand Finance cũng dẫn ví dụ Ác-hen-ti-na (Argentina), nước bị giảm giá trị thương hiệu tới 57% xuống còn 175 tỷ đô la do số ca lây nhiễm Covid vượt quá một triệu trong khi bạo loạn nổ ra khắp đất nước để phản đối tình trạng tham nhũng, đòi cải cách tư pháp và thể hiện sự bất bình trước cách kiểm soát dịnh bệnh của chính quyền.
Năm 2021, Việt Nam cũng có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong đó có đại hội 13 của Đảng Cộng sản vào đầu năm và bầu cử Quốc hội vào giữa năm. Đây là bảy điều ước của tôi và tôi tin cũng là điều ước của nhiều người Việt Nam ở trong và ngoài nước cho năm mới:
1. Điều ước đầu tiên là Việt Nam tiếp tục là điểm sáng toàn cầu trong lĩnh vực phòng chống Covid. Sống tại Anh, đất nước với hơn 2,3 triệu người nhiễm và trên 70.000 người đã chết vì Covid, tôi hiểu kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nói thì dễ nhưng làm rất khó. Quyền không bị chết vì Covid cũng là một quyền con người quan trọng và Việt Nam đã thành công trong việc giảm thiểu tối đa số ca tử vong. Xem ra điều ước này dễ trở thành hiện thực nhất.
2. Điều ước thứ hai, khả năng khó xảy ra, là đại hội 13 sẽ bầu ra những nhà lãnh đạo táo bạo. Sự táo bạo là cần thiết để rũ bỏ những thứ giáo điều mang tính ý thức hệ đang cản trở sự phát triển của Việt Nam. Việt Nam có dân số đang tiến gần tới 100 triệu với diện tích trên 330.000 km2 nhưng về thương hiệu quốc gia chỉ đạt giá trị 319 tỷ đô la, theo Brand Finance. Trong khi đó Ai-len (Irland) với năm triệu dân, diện tích trên 70.000 km2 lại có giá trị thương hiệu lại lên tới 670 tỷ. Lãnh đạo Việt Nam phải luôn đặt câu hỏi vì sao gần 100 triệu người Việt lại xây dựng thương hiệu chưa bằng nửa thành tích của năm triệu người Ai-len chứ đừng tự mãn “Việt Nam đã bao giờ được như thế này chưa?”. Và đây cũng là lý do cho điều ước thứ ba.
3. Điều ước thứ ba là các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ bao dung hơn trong năm 2021 và các năm tới. Một trong những lý do khiến thương hiệu Việt Nam còn kém là sự độc đoán và có phần độc ác của giới cầm quyền. Việt Nam được cho là đang giam giữ tới trên 170 tù nhân lương tâm, những người mất tự do chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận. Hàng chục người trong đó có nhà văn Phạm Thành, blogger Nguyễn Tường Thuỵ và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang nằm trong số hàng chục tù nhân lương tâm bị trả thù trong năm 2020.
4. Điều ước thứ tư phần nào liên quan tới điều ước thứ ba là sự giảm thiếu và tiến tới huỷ bỏ sự can thiệp thô bạo của các cơ quan nhà nước vào hoạt động báo chí. Chỉ có những nước lạc hậu mới còn ngành gọi là tuyên giáo và nhà nước giữ quyền cấp phép cho các cơ quan báo chí và thậm chí thẻ báo chí. Để thương hiệu Việt Nam tốt hơn nữa, Việt Nam không nên phí tiền nuôi những người làm công việc bịt miệng người dân.
5. Điều ước thứ năm là cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam dần chuyển sang phòng cháy thay vì chữa cháy. Khi bí thư của thủ đô thương mại và chủ tịch của thủ đô chính trị cùng bị án tù về tham nhũng, người ta cần tìm về cái gốc của vấn đề. Nó phần nào liên quan tới tình trạng bịt miệng báo chí nói riêng và người dân nói chung khiến vai trò cảnh báo và phát hiện của người dân và báo chí bị giảm thiểu đáng kể. Rộng hơn nữa, đó là tình trạng thiếu sự giám sát của một đảng đối lập sẵn sàng chấp chính nếu đảng đương quyền “ăn của dân không từ thứ gì”.
6. Điều ước thứ sáu là lực lượng cảnh sát Việt Nam văn minh thêm nhiều và hoạt động dựa trên sự đồng thuận của người dân thay vì đè đầu cưỡi cổ họ. Tôi từng theo dõi nhiều vụ cảnh sát, hay đầu gấu được họ hậu thuẫn, thượng cẳng chận, hạ cẳng tay với người dân, nhất là những người bất đồng chính kiến. Nhiệm vụ của cảnh sát là đảm bảo an ninh trật tự chứ không phải gây mất an ninh trật tự khi người dân đòi quyền công dân của họ. Vụ Đồng Tâm làm nổi bật nhu cầu phải có sự đồng thuận của người dân đối với hoạt động của lực lượng cảnh sát.
7. Điều ước thứ bảy thực ra là điều ước quan trọng nhất – đó là Việt Nam có một nền giáo dục tiên tiến. Trong một nền giáo dục như thế, trẻ em là trọng tâm chứ không phải là giáo viên. Các em phải được giáo dục để phát huy hết khả năng của mình bởi những nhà giáo trung thực và yêu nghề. Trẻ em không thể trở thành người tốt nếu các em thấy tấm gương ép người khác trả tiền để học thêm hay mua điểm của giáo viên. Các em khó nói không với bạo lực khi bị cô giáo tát chỉ vì không chịu ăn. Trẻ em cũng không thể có khả năng tìm hiểu thế giới xung quanh để mong có ngày đoạt giải Nobel nếu các em được dạy cách phục tùng thay vì chất vấn những gì các em thấy.
Còn quý vị nghĩ sao? Đâu là những điều ước của quý vị cho một Việt Nam thực sự đổi mới chứ không phải đổi mãi mà không mới?
#ViệtNam2021
Leave a Comment