Những bài viết về môi trường lâu nay khiến không ít người phải lắc đầu thở dài – tác động tiêu cực của con người đến hệ sinh thái của hành tinh ngày càng rõ ràng, và tương lai thật u ám.
Tương lai thế nào chẳng ai biết được, nhưng u ám hay không thì hoàn toàn do hiện tại: những gì ta làm hôm nay sẽ quyết định ngày mai.
Vậy nên thật thích hợp khi thế hệ trẻ, những chủ nhân của tương lai, đang chính là những người đi đầu trong các phong trào vận động bảo vệ môi trường trên toàn cầu.
Nổi bật nhất trong số đó không ai khác hơn là nhà hoạt động trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg, người đã khuấy động các cuộc thảo luận về tác động biến đổi khí hậu trong những năm gần đây. Nhưng trái đất không thuộc về riêng ai, và tương lai không phụ thuộc vào một người. Thế hệ trẻ không chỉ có Greta. Rất nhiều người trẻ cũng đang dấn thân, đi đầu trong các hoạt động sáng tạo bảo vệ hành tinh xanh.
Chúng ta sẽ gặp một vài gương mặt trẻ tuổi khác qua ba câu chuyện đầy cảm hứng dưới đây.
Cô bé năm tuổi cứu bãi biển thành phố khỏi rác nhựa
Suzette Head sống tại thành phố Isle of Palms của bang South Carolina, Mỹ.
Vài năm trước đó, lúc còn học mẫu giáo, trong một lần đi tham quan công viên hải dương gần nhà, Suzette cùng các bé khác được người hướng dẫn chỉ cho một chiếc hũ, trong đó có chứa một thứ cuộn xoắn màu xám bơi bên trong. Khi được hỏi đoán xem thứ trong hũ là gì, Suzette đáp nhanh đó là con sứa.
Người hướng dẫn trả lời, đó là một túi nylon vớt từ đại dương. Một con rùa nếu lầm đó là con sứa như cách cô bé đã tưởng, nuốt phải chiếc túi này, có thể sẽ chết ngạt.
Suzette buồn thiu nghĩ mãi về cái túi nylon và con rùa. Trên đường về, cô bé hỏi mẹ mình làm thế nào để người ta không vứt túi nylon ra biển nữa. Người mẹ trả lời, “con không thay đổi được người khác đâu”, để rồi ngay lập tức xấu hổ, “trời, mình đang nói gì với đứa trẻ vậy nè!”.
Mẹ cô bé chữa lời, hứa rằng hai mẹ con sẽ cùng làm điều gì đó để các túi nylon không còn bị vứt ra ngoài biển, dù rằng cô vẫn chưa biết mình sẽ làm gì.
Sau đó, mẹ Suzette bàn cùng với mẹ của các bé khác, tổ chức các buổi đi dạo ngoài bờ biển mỗi chiều, vừa nhặt rác vừa nghĩ cách. Họ quyết định cùng soạn thảo một bản kiến nghị (petition) cấm túi nylon, gõ cửa từng nhà, từng cửa hàng tại địa phương để nhờ ký tên ủng hộ. Tất cả mọi người đều nhanh chóng đồng ý. Ai cũng muốn có một bãi biển sạch rác.
Một năm sau, vào năm 2015, Suzette Head, khi đó mới năm tuổi, đã đứng trên một cái ghế để có thể phát biểu tại bục trước Hội đồng Thành phố (City Council), kêu gọi người lớn ủng hộ cho đạo luật cấm sử dụng túi nylon dùng một lần tại thành phố. Chỉ sau lần bỏ phiếu đầu tiên, luật cấm túi nylon đã được Hội đồng Thành phố thông qua.
Suzette Head, cùng những bạn bè trạc tuổi mình đã tích cực đi “vận động” cho phong trào bảo vệ môi trường tại thành phố, trở thành cảm hứng cho những người lớn khắp nơi, vốn luôn nghĩ rằng thay đổi là một chuyện “không thể xảy ra”.
Hai chị em khiến hai tập đoàn khổng lồ phải thay đổi
Hai chị em Ella McEwan, mười tuổi, và Caitlin, tám tuổi, sống tại Hampshire, Anh, chỉ thỉnh thoảng mới nếm các món thức ăn nhanh (fast-foods). Nhưng từ giữa năm 2019, hai cô bé đặc biệt quan tâm tới những thứ xuất hiện trên bàn ăn tại Burger King và McDonald’s: những món đồ chơi bằng nhựa được các chuỗi nhà hàng này tặng cho khách hàng trẻ em.
Từ các bài học trên lớp, Ella và Caitlin biết rằng những loại nhựa đồ chơi này rất khó phân hủy và có hại cho môi trường. Kinh nghiệm thực tế cũng cho hai cô bé biết là đa số trẻ em chỉ gắn bó với những món đồ chơi nhựa này được một thời gian ngắn, sau đó sẽ vứt bỏ chúng. Nghĩa là những thứ đồ nhựa này sớm hay muộn sẽ biến thành rác, mất rất nhiều thời gian để phân hủy, và gây hại lớn cho môi trường.
Hai chị em quyết định làm một bản kiến nghị trên trang Change.org, kêu gọi các nhà hàng thức ăn nhanh không tặng khách hàng những món đồ chơi nhựa đó nữa mà thay bằng các loại đồ dùng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường.
Chỉ sau một thời gian ngắn, kiến nghị của hai bạn nhỏ nhận được đến hơn nửa triệu chữ ký ủng hộ. Và nó khiến hai ông lớn của ngành thức ăn nhanh phải lắng nghe.
Burger King phản ứng trước tiên, thông báo không chỉ bỏ việc tặng đồ chơi nhựa mà còn cho đặt những chiếc rổ thu hồi các sản phẩm đồ chơi nhựa khác từ khách hàng. Họ sẽ đầu tư để tái chế các loại nhựa thu hồi được thành những sản phẩm dùng lâu dài như khay nhựa hoặc đồ đạc trong khu vui chơi.
McDonald’s ban đầu chần chừ, không muốn bỏ việc tặng đồ chơi nhựa mà cho khách hàng lựa chọn đổi đồ chơi lấy các quà tặng khác. Ella và Caitlin tiếp tục vận động thuyết phục ông lớn này thay đổi, và cuối cùng những người quản lý tại đây cũng lắng nghe. Họ ngưng việc tặng đồ chơi nhựa, đồng thời thu hồi đồ chơi cũ để tái chế. Vào cuối tháng 12/2020, McDonald’s mở cửa các khu vui chơi dành cho trẻ em tại Anh với các vật liệu được làm từ những sản phẩm nhựa tái chế.
Beth Hart, một quản lý cấp cao tại McDonald’s của Anh cho biết, tập đoàn này sẽ loại bỏ hoàn toàn các quà tặng đồ chơi bằng nhựa trong các suất ăn Happy Meals từ năm 2021, và điều này sẽ giúp cắt giảm 3.000 tấn nhựa trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ. Ông tự hào nói đây là “một bước đi lớn” trong hành trình phát triển bền vững của công ty.
Bước đi lớn xuất phát từ những nỗ lực của hai bạn nhỏ.
Cầu thủ trẻ ghi bàn vì môi trường
Lesein Mutunkei sống tại Nairobi, thủ đô của Kenya. Từ nhỏ cậu đã thích được trồng cây cùng gia đình trong những chuyến dã ngoại về vùng quê.
Lớn lên, khi xem tin tức trên đài, Lesein ngày càng phải nghe nhiều về chuyện rừng cây bị chặt phá thay vì được trồng lên. Cậu thấy sốc khi biết được con số 50.000 ha rừng mất đi mỗi năm tại Kenya. Một diện tích tương đương với 164 sân bóng đá bị xóa sổ, mỗi ngày.
Là một người yêu thích bóng đá, cậu bé nghĩ ra một ý tưởng: với mỗi bàn thắng ghi được, cậu sẽ trồng một cái cây. Cậu gọi dự án nhỏ của mình là “Trồng cây để ghi bàn” (Trees for Goals). Lesein nghĩ, nếu biết mỗi bàn thắng mình ghi được sẽ dẫn đến một việc tốt đẹp cho trái đất, cậu sẽ càng có động lực thi đấu tốt hơn nữa. Khi đó Lesein mới 12 tuổi.
Ý tưởng đơn giản của Lesein nhanh chóng được những bạn học khác và người lớn trong trường đón nhận. Mọi người học theo, cùng đặt ra các kế hoạch để trồng cây. Mục tiêu ban đầu được mở rộng. Thay vì mỗi bàn thắng chỉ trồng một cây, giờ đây với mỗi bàn ghi được, mọi người sẽ trồng 11 cây, đại diện cho 11 cầu thủ trong đội. Và thay vì chỉ có đội bóng đá ở trường áp dụng, các đội bóng bầu dục, bóng rổ cũng tham gia. Rất nhanh sau đó, Lesein cùng những bạn học đã trồng được gần 1.000 cây xung quanh Nairobi.
Lesein không chỉ muốn cây xanh được trồng ở nơi mình sống. Cậu muốn thấy cây được trồng khắp Kenya, và cả khắp châu Phi. Dự án của cậu bắt đầu gây được nhiều chú ý. Bộ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp của Kenya mời Lesein đến gặp mặt, cùng trao đổi các giải pháp để khuyến khích sự tham gia của nhiều người trẻ tuổi hơn nữa. Chính quyền đồng ý hỗ trợ cho dự án của Lesein.
Lesein Mutunkei còn được cử làm đại diện tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu dành cho Thanh niên, được Liên Hiệp Quốc lần đầu tổ chức vào năm 2019. Cậu là một trong những người trẻ tuổi nhất tại hội nghị.
Mục tiêu tiếp theo của Lesein là vận động thuyết phục FIFA (Liên đoàn Bóng đá Quốc tế) tiếp nhận dự án của mình, đồng thời mong muốn những cầu thủ danh tiếng trên thế giới ủng hộ ý tưởng của cậu và bắt đầu trồng cây.
Lesein tin vào những giải pháp đơn giản, giống như môn bóng đá mà cậu ưa thích. Khủng hoảng khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng giải pháp cho nó thì rất đơn giản: trồng thêm cây.
Leave a Comment