Hãy tử tế với Lịch Sử

Vua Thành Thái từng bị Pháp bắt đi lưu đày 31 năm ở châu Phi. Ảnh: nhacxua
- Quảng Cáo -

Tân Phong – Việt Tân

Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ai nhớ người chăng? Ôi, Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang

Nhớ Bắc, Huỳnh Văn Nghệ, 1945

- Quảng Cáo -

Cái chết trong nghèo đói cùng cực của người cháu nội vua Thành Thái, ông Nguyễn Phúc Bảo Tài vừa qua khiến nhiều người có lòng yêu mến một vương triều đã có công đức to lớn mở mang bờ cõi nước nhà không khỏi đau xót trước số phận bi thảm của những hậu duệ của các bậc đế vương được dân chúng yêu kính gọi là bậc Chúa Tiên, Chúa Hiền khi xưa. Nhiều báo chí trong nước đã đăng lại tin này và nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc. Ý kiến của một bạn đọc báo Pháp Luật, tên Minh, được nhiều người tán đồng:

“Mỗi năm di tích cố đô Huế thu cả ngàn tỷ từ bán vé tham quan đại nội, lăng tẩm các vua triều Nguyễn. Sao không trích ra một khoản để giúp đỡ các hậu duệ của các vua Nguyễn? Họ cũng là công dân Việt nam, xứng đáng được trợ giúp của xã hội mà. Nếu không trích ra được từ khoản tiền trên, thì cũng nên lập 1 quỹ giúp đỡ của dòng họ Nguyễn Phước. Một dòng họ nổi tiếng trong lịch sử, đã thống nhất được đất nước cùng với Hoàng Sa, Trường Sa.” 

Vẫn biết rằng lịch sử hiếm khi khoan dung, thế cuộc đổi thay, “bãi bể nương dâu” là điều khó tránh. Xong, với một quốc gia đã có hòa bình gần nửa thế kỷ, vẫn luôn tự hào là một dân tộc có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thì những bi kịch, bất công mà dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn phải chịu đựng là điều châm biếm, đáng hổ thẹn. Từ cuộc đời của hoàng tử Vĩnh Giu và hậu duệ của ông cho chúng ta một cái nhìn về cách thức đối xử với lịch sử, tiền nhân và thứ son phấn rẻ tiền mà người cộng sản bôi trát lên bộ mặt nham nhở của họ, như lời ông Nguyễn Phú Trọng tô vẽ một cách vô sỉ rằng “chúng ta rất rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình…”

Với tuyệt đại đa số những người sinh ra sau 1975 hoặc lớn lên ở ngoài miền Bắc hẳn những gì mà họ được nhồi nhét vào trí óc là những câu chuyện về “Gia Long Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà, nhà Nguyễn đớn hèn cắt nhượng dâng đất cho Pháp, vua Bảo Đại ăn chơi, không màng vận nước, bán nước cầu vinh

Cả một giai đoạn lịch sử liên quan tới việc mở rộng bờ cõi qua cuộc Nam tiến vĩ đại của dân tộc Việt kéo dài ngót 700 năm kể từ vương triều Lý (Lý Thánh Tôn sát nhập Quảng Bình và Bắc Quảng Trị, 1069) cho tới cuối cùng là nhà Nguyễn (Nguyễn Phúc Khoát sát nhập vùng Châu Đốc, Sa Đéc, Sóc Trăng, Trà Vinh năm 1757) để có được một hình hài đất nước như hôm nay, hầu như không hề được nhắc đến trong “lịch sử chính thống” và sách giáo khoa. Tất cả những mảnh chắp vá được gọi là “lịch sử” chỉ để ngụy tạo, định hướng rằng đảng CSVN mới là người thống nhất, xây dựng quốc gia Việt Nam. Ông tổng tịch Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần tự sướng rằng “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay”. Có lẽ, trong đầu óc của một Maoist như ông Trọng thì lịch sử “giống Lạc Hồng” chỉ có từ khi thành lập cái đảng cộng sản của ông ta mà thôi.

Dẫu nỗ lực đáng ngợi khen của những nhà nghiên cứu lịch sử độc lập, các dịch giả công tâm đã dịch chuyển các thư tịch, mộc bản quí giá của Nguyễn triều mà được người thủ thư đồng thời là thiên tài chính trị Ngô Đình Nhu cố công hệ thống lúc sinh thời, đã phổ biến những kiến thức về một giai đoạn lịch sử quan trọng, liên quan tới tiến trình mở rộng cương vực Việt Nam, cùng vô vàn những biến động, sự hưng vong lịch sử… trên nền tảng internet như từ điển bách khoa Wikipedia Việt ngữ, các trang blog nghiên cứu lịch sử nghiêm túc,… Tuy vậy, số lượng bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu, truy cầu sự thực lịch sử dân tộc còn khiêm tốn. Khoảng cách giữa tri thức lịch sử, sự thực lịch sử với những định kiến, tuyên truyền chính trị theo đầu óc thiển cận của giới cầm quyền vẫn còn là một vực thẳm.

Trong bài viết ngắn này không thể cung cấp được hết những tri thức cần thiết và đầy đủ cả một tiến trình Nam tiến vĩ đại của dân tộc Việt. Nhưng người viết muốn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Nguyễn triều và các Chúa Nguyễn trong công cuộc mở rộng bờ cõi kể từ khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhập Phú Yên năm 1611. Trong 146 năm, các chúa từ Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu đến Nguyễn Phúc Khoát đã mở rộng cương vực, bao trùm toàn bộ Nam Trung Bộ và miền Nam Việt Nam, cả lãnh hải rộng lớn gồm Trường Sa và Hoàng Sa, định đặt hệ thống hành chính trên toàn cõi, thống nhất một dải giang sơn. Nếu không tính phần mở rộng sau này trên đất Cambodia, Lào trong Minh Mạng, thì các Chúa Nguyễn đã mở rộng lãnh thổ Việt Nam gấp 1,5 lần so với tất cả các vương triều trước đó cộng lại, xây dựng nên một “Đại Nam đế quốc” bên bờ Biển Đông với quyền lực quân sự, kinh tế – xã hội cường thịnh nhất trong khu vực khi đó.

Biểu đồ dưới đây đươc trích ra từ một nghiên cứu của tác giả Nguyễn Bê có tựa đề “700 năm mở cõi Phương Nam,, trong đó nêu bật thành tựu to lớn trong việc bình định đất Phương Nam của Nguyễn triều.

Phần đất mở cõi gần 150 năm, tất cả sự kiện của một triều đại.
Tại sao những triều đại trước như Đinh, Lý, Trần, Hồ, Lê sơ được “chính sử” ngợi ca mà Nguyễn triều lại bị người cộng sản thâm thù, phỉ báng đến thế? Tại sao người CS lại suy tôn Tây Sơn, coi Nguyễn triều là ngụy triều trong khi các chúa Nguyễn là người thực sự thống nhất, mở mang bờ cõi mà chưa từng một triều đại nào trước đó làm được? Người cộng sản coi Nguyễn Ánh Gia Long là “cõng rắn cắn gà nhà” trong khi chính họ đưa 300.000 quân Tàu vào Việt Nam, nhận tiền bạc, vũ khí của Trung Cộng và Liên Xô để tiến hành cuộc chiến tranh tương tàn với VNCH suốt 20 năm? Sâu xa cái “lý lẽ” của “bên thắng cuộc” chỉ đơn thuần là cảm giác “đồng khí tương cầu” về gốc gác “nông dân áo vải dựng cờ đào” mơ hồ (mà thực ra là một lũ cướp bóc), để phục vụ cho tuyên truyền, khơi gợi chủ nghĩa dân túy mông muội ở người dân để tập hợp quần chúng mà thôi.

Khi người Cộng sản giương ngọn cờ “đánh đổ phong kiến, thực dân”, họ cần có lý do để chính danh việc làm đó. Họ xóa bỏ công lao và bôi nhọ Nguyễn triều một cách có hệ thống, thủ tiêu các quan lại cũ… và thực hiện những cuộc khủng bố trên qui mô toàn quốc nhằm “đào tận gốc, trốc tận rễ” các “tàn dư phong kiến”. Giờ đây, họ muốn xóa bỏ lịch sử đen tối đó để viết ra những “lịch sử khác” tự ca ngợi “công đức” chế độ. Sự hưng vong của một triều đại thiết nghĩ là một bài học quí giá của các thế hệ sau. Việc xóa bỏ lịch sử và phủ nhận công lao tiền nhân là một điều ngu xuẩn. Độc quyền “lịch sử” nhưng liên tục ngụy tạo ra những thứ “ngụy sử” với mục đích tuyên truyền, tự ca ngợi công đức cho chế độ chỉ dẫn đến con đường cụt. Ở đó, những kẻ hoang tưởng quyền lực không thể tìm thấy những bài học lịch sử để giải quyết những vấn đề thực tại và hậu quả là chúng sẽ dẫm lại đúng những vết xe đổ trong quá khứ.

Còn nhớ, có một vài lần người viết có dịp đến tư gia của một “đại gia” kín tiếng ở Huế, khu nhà là một quần thể kiến trúc giống như của bậc hoàng thân quốc thích trong những bộ phim Tàu, đầy ngập các món đồ cổ quí giá có nguồn gốc Đại nội Huế. Nghe nói, bố của “đại gia” lúc trước chỉ là một quan chức cấp Sở của tỉnh Thừa Thiên Huế cũ. Số cổ vật được gia chủ huênh hoang khoe về nguồn gốc có giá trị hàng triệu Mỹ kim. Lê Nin đã đúng khi nói rằng “Vô sản làm cách mạng nếu có mất thì chỉ mất nô lệ xiềng xích, nếu được thì được cả thế giới”. Những kể bần cố nông sau một cuộc can qua đã trở thành những “thượng lưu tôn quí”. Còn con cháu, dòng dõi các bậc đế vương đã có công mở cõi thì bị đày đọa tận cùng.

Nhưng hãy nhớ, qui luật ngàn đời rằng không một triều đại nào có thể “muôn năm”. Không một chủ thuyết nào có thể đứng vững mãi mãi. Không điều gì có thể đảm bảo rằng chế độ tham tàn CSVN sẽ không có kết cục như Liên Xô, Rumani, Lybia.. Có lẽ, nên chăng người cộng sản hãy dành cho mình một đường lui an toàn trước sự phán xét của lịch sử bằng cách hãy tôn trọng lịch sử theo đúng sự thực, công bằng với công lao các bậc tiền nhân. Dù có thể chỉ là thao tác chính trị mị dân muộn màng, thì nhà cầm quyền CSVN rất nên đối xử tử tế với những hậu duệ hoàng tộc triều Nguyễn. Ý kiến của bạn đọc Minh trên tờ Pháp Luật có thể là một gợi ý tốt. Đó chính là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” có ý nghĩa thực sự chứ không phải những tượng đài ngàn tỷ vô tri.

Đất nước không phải của riêng ai nhưng nếu không có dòng họ Nguyễn Phước với những bậc tiền nhân hiệt kiệt, có lẽ biên giới phía Nam Việt Nam vẫn còn dừng lại ở đèo Hải Vân. Hãy tử tế với lịch sử hôm qua và với người dân của mình trước khi nói đến xây dựng một quốc gia hùng cường.

Tân Phong

- Quảng Cáo -