Nông sản Việt Nam từ tay người nông dân đến tay người tiêu dùng Trung Cộng phải qua 13 khâu trung gian. Thực tế khi qua mỗi khâu trung gian như vậy thì giá thành nông sản Việt Nam bị đội lên, vì chẳng ai buôn bán mà không kiếm lời cả. Như vậy có thể suy ra là, nông sản Việt Nam đến tay nhà xuất khẩu phải qua cỡ 11 khâu trung gian tại Việt Nam chứ không ít. Kinh khủng! Một bầu giòi nhung nhúc gặm nhấm mồ hôi nước mắt của bà con nông dân.
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn thì thương lái Tàu thường đến tận vườn nông dân Tàu lựa từng cành cho sản phẩm xuất khẩu. Như vậy nếu chính nhà xuất khẩu Tàu mua hàng trực tiếp từ nông dân Tàu và xuất sang Việt Nam qua chỉ đúng một khâu trung gian trên đất Tàu mà thôi. Theo tôi được biết, tại chợ Đà Lạt hoặc chợ đầu mối nông sản Tam Bình – Thủ Đức – Sài Gòn thì thương lái Tàu đến tận nơi cung cấp. Nếu cộng thêm một khâu trung gian tại Việt Nam để đến người tiêu dùng Việt thì nông sản Tàu chỉ qua 4 khâu trung gian. Trong khi đó hàng Việt Nam mà đến tay người tiêu dùng Việt Nam thì thông thường phải qua hàng chục khâu trung gian. Thế thì làm sao nông sản Việt không chết trên sân nhà?
Thực ra quy trình của người Tàu cũng giống người Thái. Khi thu hoạch, một chủ vườn người Thái kêu nhà xuất khẩu đến để bán trực tiếp cho họ. Khi ấy, nhà xuất khẩu đưa xe và bao bì đến tại vườn, tuyển chọn hàng đạt yêu cầu, đóng gói sản phẩm cũng tại vườn rồi cho lên xe chuyển về kho thực hiện kỹ thuật để giữ tươi trái cây rồi xuất sang Tàu. Loại chuối không đạt yêu cầu xuất khẩu chủ vườn bán cho những thương lái bỏ hàng cho các chợ. Nói chung trái chuối Thái qua rất ít trung gian để đến tay người tiêu thụ cuối cùng cho dù đó là bán trong nước hay xuất khẩu. Như vậy rõ ràng trái chuối xuất phát tại vườn ở Thái đến với khách hàng bên Tàu nó chỉ qua đúng một khâu trung gian, còn trái chuối tại vườn được ra đến chợ chỉ qua 2 khâu trung gian là thương lái và bán lẻ.
Ngày 15/11/2020 vừa qua, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP đã được kí kết với 10 nước ASEAN và 5 nước khác tham gia, trong đó có Trung Cộng. Với những nước như Úc, New Zealand và Nhật Bản thì nông sản của họ ở tầng cao, nó không đối đầu trực tiếp với hàng Việt Nam, nhưng Tàu, Thái, Indo vv… thì khác, sản phẩm nông nghiệp của các nước này cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam. Tất cả những nước này khi xuất nông sản họ đều qua rất ít khâu trung gian như thế thì làm sao hàng Việt Nam cạnh tranh nổi? Khi lộ trình giảm thuế của RCEP hoàn tất, thì nông sản Việt Nam chết sạch khó mà trụ nổi trên sân nhà chứ đừng nói chi “đem chuông đi đánh xứ người”.
Như vậy đến đây chúng ta hiểu nguyên nhân tại sao hàng nông sản Việt Nam bán tại vườn rất rẻ, rẻ hơn cả hàng nông sản cùng loại của Tàu bán ở chợ nhưng bà con nông dân vẫn khóc ròng xin xã hội giải cứu không? Nguyên nhân chính là phải qua hàng chục khâu trung gian mà ra hết. Chính vì vậy mà dù giá tại vườn tuy rất rẻ nhưng khi đến tay người tiêu dùng Việt Nam thì giá lại đắt hơn hàng Tàu cùng loại nên bà con nông dân Việt Nam không thể bán nổi. Đó là lí do từ năm này đến năm khác bà con nông dân cứ réo xã hội giải cứu cho họ. Quá nhiều khâu trung gian sẽ làm nghẽn đường lưu thông hàng hóa khi nó bị cạnh tranh. Đây là bài toán mà chính quyền CS không thể gỡ được đành để bà con nông dân chịu trận năm này qua năm khác.
Ở Việt Nam có một tổ chức gọi là “Hội nông dân Việt Nam”, nhìn nông sản Việt điêu đứng thì biết ngay hội này là hội vô tích sự. Năm 2021 hội này được ĐCS cấp cho 211,74 tỷ đồng để hoạt động, và kinh phí sẽ tăng hằng năm. Cũng giống như hội nhà văn, hội nông dân chỉ làm ưng khuyển cho ĐCS chứ họ chẳng lo được gì cho người nông dân cả. Như thực tế cho thấy, tính kết nối giữa người nông và nhà bán lẻ trực tiếp không có nên họ bị bọn con buôn ăn bám cứ sang tay qua nhiều trung gian đẩy giá nông sản người nông dân lên. Kết quả nông dân phá sản vì giá rẻ, người tiêu thụ Việt Nam bỏ hàng Việt phải mua hàng Tàu vì giá nông sản Việt cao hơn. Thế mới đau chứ?!
Người Tàu họ rất đoàn kết trong chuyện làm ăn, đó là truyền thống xưa nay của họ, nên tính kết nối giữa nông dân và nhà xuất khẩu của họ rất tốt. Còn Thái Lan thì sao? Người Thái không được như người Tàu nhưng họ lại có ưu thế khác. Ưu thế gì? Đó là thể chế chính trị. Tuy Thái chưa phải là nước dân chủ hoàn toàn nhưng so với Việt Nam nó vẫn dân chủ hơn rất nhiều. Người dân ở quốc gia này có quyền tự do lập hội chứ không bị cấm cản như ở Việt Nam. Chính những hội của người dân như thế họ mới hành động vì quyền lợi người dân. Và nhờ đó họ đã có những hiệp hội kết nối trực tiếp với nhau mà không cần phải qua quá nhiều trung gian.
Còn người nông dân Việt thì sao? Rõ ràng người Việt không không được đoàn kết như người Tàu, và thế chế chính trị Việt Nam thì lại đang trói tay người dân chứ không để họ tự do như người Thái. Vậy khi RCEP thực hiện xong lộ trình giảm hàng rào thuế thì người nông dân Việt sống ra sao? Sẽ không sống nổi. Nỗ lực của người nông dân Việt đã, đang và sẽ bị đảng đánh chết theo cách như thế. Vì sự an toàn cho nó, ĐCS sẵn sàng giết chết cơ hội của toàn dân. Đó là bản chất, bản chất này sẽ không bao giờ đổi./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://www.thesaigontimes.vn/…/nong-san-viet-sang…
https://thuvienphapluat.vn/…/Nghi-quyet-129-2020-QH14…
#RCEP #nôngsảnvn
Leave a Comment