Huy Cương – (VNTB) – Thái độ của cán bộ là yếu tố quyết định hàn gắn phần nào vết rạn nứt trong quan hệ giữa cán bộ và nhân dân.
***
Thực trạng cho thấy phần rất đông dân chúng hả hê khi thấy bất kỳ anh cán bộ nào bị kỷ luật hay bị phanh phui những lùm xùm cá nhân… Nói tóm lại, rất rất ít người bênh cán bộ.
Bênh dân mà không bênh cán bộ là câu chuyện đạo đức bình thường, vì dân yếu thế hơn cán bộ. Bất cứ ở nơi đâu trong thế giới này, bênh kẻ mạnh hay nịnh kẻ mạnh để chèn ép kẻ yếu đều bị xem là hèn hạ, bẩn thỉu.
Thế nhưng cũng có một giai đoạn, thật sự ở nước ta, cán bộ được chính nhân dân che chở, nuôi dưỡng và bênh vực. Lý giải câu chuyện này không khó. Người dân cần độc lập, tự do cho dân tộc, và cần thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Cán bộ hiểu và hy sinh cho mục tiêu cao cả đó của dân tộc. Cán bộ sống trong dân và dựa vào dân.
Nay câu chuyện mục tiêu của cả dân tộc đó được diễn giải lại mà dân chưa hiểu và chưa thông cảm, trong khi đó cán bộ lại ngày càng xa dân và sống trên dân.
Ngay bạn bè với nhau, biết tỏng về nhau rồi nhưng khi một kẻ có tí chức quyền là nhìn bạn mình với con mắt kẻ cả. Cách có mấy bước chân thôi, quanh năm nhiều người cũng chẳng nhìn thấy thủ trưởng.
Đầu xuân thủ trưởng có thể bố thí cho một cuộc viếng thăm chúc tết toàn thể đơn vị. Thủ trưởng nói mấy câu chung chung như nghị quyết, rồi thưởng cho mỗi đồng chí một cái bắt tay hững hờ, loãng toẹt mà người được bắt tay có cảm giác như chưa được chạm vào tay thủ trưởng. Có những thủ trưởng nghỉ quản lý, lủi thủi một mình, không dám gặp mặt ai.
Đại hội Đảng lần này, có lẽ sẽ không được xem là thành công để đợi Đại hội tới, nếu không đấu tranh và cải thiện được thái độ của cán bộ đối với dân, và nếu không loại bỏ được những kẻ có thái độ xấu đối với dân.
Nên nhớ Việt Nam có truyền thống làng xã. Thử xem ai đó vào làng mà kinh già, bắt nạt trẻ, trêu ghẹo phụ nữ thì sẽ nhận được hậu quả gì?
Người Việt Nam có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.
Để tránh chuyện suy diễn rồi quy chụp về ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’ cho toàn bộ những ý ở phần trên của bài viết cho thực thi về quyền Hiến định ghi tại Điều 28.1 “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”, tiếp theo đây là việc nhắc lại đôi chút liên quan ở những nội dung của tiết học Tư tưởng Hồ Chí Minh rất quen thuộc ở các khóa bồi dưỡng chính trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề cán bộ và công tác cán bộ, coi đây là một trong những vấn đề then chốt quyết định sự thành bại của cách mạng. Người khẳng định “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” (1). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (2); “Cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể. Có vốn thì mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn” (3).
Nhìn nhận vị trí, vai trò quan trọng của cán bộ trong toàn bộ sự vận hành của một guồng máy xã hội, trong tổng hòa các mối quan hệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng” (4), Người nhấn mạnh: “Cán bộ tốt, việc gì cũng xong” (5).
Như vậy từ những gì mà những công bộc của Đảng vẫn được yêu cầu thường xuyên trau dồi qua các chương trình bồi dưỡng chính trị định kỳ hàng năm, cần thiết những ‘ông bà chủ’ Nhân dân được cái quyền dân chủ trong thể hiện quyền lực đối với ‘đầy tớ’, như nội dung ở phần đầu bài viết này đã đặt ra trước thềm Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 sắp diễn ra.
_____________
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, trang 280.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sách đã dẫn, tập 5, trang 309.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sách đã dẫn, tập 6, trang 356.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sách đã dẫn, tập 5, trang 309.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sách đã dẫn, tập 5, trang 280.
Leave a Comment