Không dám dùng danh từ Xứ Nghệ, (có người sẽ nói “Xứ Nghệ” có gì nổi trội mà hễ gặp dịp lại lạm dụng cái danh từ khiến nhớ đến câu chuyện chàng thư sinh và con cá gỗ). Nhưng suốt chuyến đi Vũ Hùng thường nói câu “Thanh Nghệ là phên dậu xã tắc” của mấy đời vua Lê trong lịch sử nên danh từ “Xứ Nghệ” luôn hiện hữu trong đầu.
Đúng! Hiện tại có vẻ “Xứ Nghệ” là phên dậu của chính quyền cộng sản vì nó là quê của ông Hồ Chí Minh. Trên chuyến ô tô khách Hà Nội-Đô Lương, khách đa phần là người xứ Nghệ chúng tôi (Trương Dũng, thầy giáo Vũ Hùng và Nghĩa tôi) nghe một o (cô gái) lẩm nhẩm bản nhạc theo điệu dân ca của cái ông cố nhạc sĩ cung đình Trần Hoàn: “Trước lúc đi xa Bác muốn nghe một câu hò ví dặm” và chiều tối đầu tiên (ngày 22/12) xuống xe ở ngã 3 Diễn Châu, ghé vào quán trên đường phố, gọi một chén trà, nhờ chủ quán giới thiệu cho nhà nghỉ nào rẻ tiền để qua đêm; khi Trương Dũng gợi chuyện, khiêu khích… chúng tôi lại nghe bản kết tội của một chị “quê choa” dành cho các giáo dân Nghệ An đã tham gia vào cuộc biểu tình chống Formosa năm 2017 mà vị trí tập trung của giáo dân là nơi chúng tôi đang ngồi. Tiếp đến, sáng 23/12, anh thanh niên (tốt nghiệp đại học xây dựng Hà Nội không tìm được job) lái taxi rao giảng cho chúng tôi nghe chủ trương, đường lối vừa cứng rắn, vừa “khéo léo” của ông giám đốc công an Nghệ An đương thời Nguyễn Hữu Cầu để đánh gục “bọn phản động” và bọn giáo dân” trong tỉnh. Ba chúng tôi vừa nghe, vừa nhìn trộm nhau, cười. (Cười và và chỉ biết cười). Chúng tôi đang gặp những cái loa phường, nhại lại những điều của cái loa truyền hình tỉnh Nghệ An và trung ương, có phóng đại, hư cấu thêm những tình tiết giật gân, tưởng sinh động mà hóa ra thô thiển hơn bản gốc.
Đêm, cả ba đều khó ngủ, Trương Dũng bảo với Vũ Hùng: “Anh không khinh họ đâu. Khi họ hiểu ra, khi đất nước có dân chủ chính họ lại là “rào dậu” của chính quyền dân chủ”.
Tuy không ở Hà Nội, ít tiếp xúc với “Trương tráng sỹ” hơn những anh em khác tôi vẫn nhận ra cái giọng trầm khàn sâu lắng bất ngờ của Trương Dũng. Chúng tôi đang đi vì những người khác: Nhà thơ Trần Đức Thạch vừa bị tòa án Nghệ An kết án 12 năm tù và 3 năm quản chế, vì chuyến thăm nhà văn viết “Linh Nghiệm”, “Câu chuyện về một ông vua lốp” ; chúng tôi đang đi trên đất đai, quê hương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, cố nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà văn Trần Huy Quang, nhà thơ Thái Bá Tân, luật sư Lê Quốc Quân … Dù trên mảnh đất này có lòi ra các nhân vật cộng sản khét tiếng như cựu giám đốc công an Nguyễn Hữu Cầu, người “giải quyết” (đàn áp) cứng rắn những cuộc biểu tình của bà con giáo dân trong vụ Formosa, và anh chị em hoạt động nhân quyền trong tỉnh; trung tướng công an Hoàng Công Tư, nhân vật từng chỉ huy đàn áp các cuộc biểu tình đòi đất đai của người Thượng và có một thời gian dài trước khi về hưu phụ trách các chuyên án an ninh chính trị nội bộ của chính quyền độc tài,.. Đến cái mảnh đất được đồn thổi rất đồ nho ngày xưa và ngày nay rất đậm hai mảnh màu tối–sáng, chúng đi tìm màu sáng.
Sáng dậy, Trương Dũng xếp tiền vào phong bì. Anh đắn đo, cân nhắc giữa số tiền của Hội bầu bí thương thân giúp thêm cho chị Chương (vợ TNLT lần 2 Trần Đức Thạch) đủ thăm nuôi chồng trong tù vài lần với số tiền còn lại đủ trở ra Hà Nội. Tôi nói: “Ít quá anh góp thêm”. Trương Dũng nói: “Đây là quà của Hội bầu bí tương thân, cá nhân anh tự anh”. Một phảng phất buồn trên khuôn mặt của Trương Dũng và thầy giáo Vũ Hùng. Quỹ 50K đã dừng hoạt động, Hội bầu bí tương thân đã vét đến tờ cuối cùng cho chuyến đi chia sẻ những khó khăn với gia đình TNLT Trần Đức Thạch lần này trong khi số TNLT ngày càng đông…
Chúng tôi đến nhà chị Chương lúc 8 h sáng. Bây giờ căn nhà lại tối mờ và cô quạnh như ngày trước khi nhà thơ Trần Đức Thạch chưa về “ở rể”. Chị Chương không thể đứng lên đón chúng tôi. Chị vẫn phải gắn chặt với chiếc giường cọt kẹt cả ngày và chiếc nạng gỗ người hàng xóm cho mượn. Chị bị tai nạn giao thông, tổn thương cả phần xương và phần mềm ở đầu gối trước một ngày chồng bị đưa ra phiên tòa sơ thẩm. Thấy bất tiện, chị với chiếc nạng gỗ và thầy giáo Vũ Hùng đỡ, dìu chị đứng lên, di chuyển khó nhọc đến ngồi xuống chiếc ghế cũ kỹ.
Dũng Trương và tôi trao hai chiếc phong bì cho chị với mấy lời úy lạo chân thành, đơn giản nhất mà chúng tôi thấy cần có vào lúc này. Chị tỏ ra cảm động. Đây là lần đầu tiên, kể từ năm anh về với chị và bị bắt trở lại chị được tiếp những đồng đội của chồng từ Bắc vào.
Đã hết một giờ thời gian theo định lượng, chúng tôi phải từ biệt chị dù chị đang sôi nổi. Chiếc taxi chở chúng tôi trở ra ngã 3 Diễn Châu. Với địa danh này tôi có nhiều kỷ niệm. Các năm 1960-1966 tôi học phổ thông ở dây, xem phim bãi và xem bóng đá phủi ở đây. Còn hiện nay, tôi có một người đồng đội đang chịu lao tù ở đây. Người đó là nhà thơ Trần Đức Thạch
(Còn tiếp)
#trầnđứcthạch
Leave a Comment