Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Kết thúc năm 2020, lãnh đạo CSVN tưởng đâu có thể vỗ tay reo mừng và tự hào với những thành tích trong nền kinh tế nhỏ bé của mình để bước vào năm 2021 đầy phấn khởi. Vì trước đó vào tháng Mười, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đã công bố báo cáo Triển Vọng Kinh Tế Thế Giới trong đó dự báo trong năm 2020 GDP Việt Nam sẽ tăng 1,6%. Theo đó quy mô kinh tế Việt Nam ước tính 340,6 tỷ USD vượt qua Singapore và đứng hàng thứ tư khu vực ASEAN, chỉ sau Indonesia, Thái Lan và Philippines. Vượt qua Singapore, đó chẳng phải là kỳ tích đáng tự hào lắm sao?
Lãnh đạo CSVN tỏ ra đắc thắng khi một cơ quan tài chánh thế giới khen ngợi rằng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dương ngay trong mùa dịch bệnh Covid-19 hoành hành cho dù hàng chục ngàn công ty đang bế tắc, đình trệ sản xuất chưa có lối thoát. Nhưng, niềm vui chưa cầm trọn trong tay thì Việt Nam bị Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ sau nhiều tháng điều tra, theo dõi. Hậu quả của hành động này là Việt Nam có thể bị Mỹ áp thuế quan lên hàng nhập khẩu trên số tiền thặng dư hơn 50 tỷ Mỹ Kim. Theo trang asia.nikkei, thặng dư của Việt Nam đã nhanh chóng tăng lên 58 tỷ USD trong 12 tháng qua, vượt qua Nhật Bản 57 tỷ USD.
Nếu so với các đối tác thương mại khác của Hoa Kỳ như Trung Quốc, số thặng dư của Việt Nam không thấm gì; nhưng do cái vạ miệng và lợi ích chính trị, Việt Nam luôn lớn tiếng khoe khoang mình là một nền kinh tế thành công trong mọi giai đoạn, đang chuẩn bị “lót ổ đại bàng” và thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài.
Yếu tố lao động giá rẻ, thuế nhập khẩu 0% là những điều mà chính phủ Việt Nam thường trưng ra như bằng chứng để mời chào thế giới thì rõ ràng Việt Nam là nơi trung chuyển hàng hoá từ Trung Quốc để gia công kiếm ăn. Trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung kéo dài chưa biết khi nào chấm dứt, một số công ty Trung Quốc và công ty nước ngoài nhìn thấy Việt Nam là nơi ẩn mình trốn thuế lý tưởng. Trong tình trạng này chắc chắn Việt Nam còn tiếp tục xuất siêu với Mỹ dù cho Việt Nam đã tham gia thị trường CPTPP và RCEP.
Cho nên việc Hoa Kỳ đe dọa áp thuế lên hàng xuất khẩu là dịp để Việt Nam thật sự nhìn lại chính sách thu hút đầu tư và xuất khẩu hiện nay. Điều đó có nghĩa Việt Nam trong sân chơi thương mại quốc tế cần thực hiện chính sách nhất quán sao cho có lợi nhất để không bị những đòn trừng phạt sẽ xảy ra.
Chung quanh vấn đề Việt Nam thao túng tiền tệ, hôm 22 tháng Mười Hai, Việt Nam loan báo rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc điện đàm với Tổng Thống Mỹ D. Trump. Qua đó ông Phúc biện bạch rằng “việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.” Dĩ nhiên luận điệu bào chữa của Ông Phúc không ngoài luận điệu của kẻ tự cho mình khôn ngoan như câu không ai chịu cha ăn cướp. Vì nếu Hoa Kỳ không thiệt hại căn cứ trên những con số thực tế mà họ nắm được thì không thể kết án ai.
Vấn đề của Việt Nam trong thời gian này không phải là cải chính hay thanh minh mà là hành động để chứng minh mình không thao túng tiền tệ như ý kiến của một chuyên gia kinh tế. Bởi vì dù cho Việt Nam có giải thích gì đi nữa nhưng liên tục trong 20 năm qua hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ luôn luôn mang về lợi nhuận cao. Và tiền lời đó Việt Nam dùng mua hàng hóa của Trung Quốc để rồi tái sản xuất và bán sang Hoa Kỳ. Cái vòng lẩn quẩn Hoa Kỳ nhập siêu từ Việt Nam trong khi ngược lại, Việt Nam nhập siêu lớn hơn từ Trung Quốc không làm ai ngạc nhiên. Trong khi đó hiện nay Hoa Kỳ sử dụng lá bài thương chiến làm áp lực buộc Trung Quốc giảm xuất siêu.
Điều quan trọng kế tiếp là Việt Nam thu lợi rất nhiều khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhưng nhập hàng của Hoa Kỳ quá ít. Kinh tế Việt Nam chú trọng gia công, lắp ráp nên dựa vào nguyên liệu Trung Quốc, một bên né được áp thuế của Mỹ một bên hưởng lợi nhờ bán sức lao động công nhân. Nếu Việt Nam muốn tổ chức hay cải cách nền kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại thì phải nỗ lực vận động các công ty Hoa Kỳ đầu tư và sản xuất vào Việt Nam. Đó là con đường tốt nhất để học hỏi khoa học kỹ thuật Tây phương, đồng thời nâng cao khả năng nền kinh tế và quân bình được xuất nhập khẩu với Hoa Kỳ.
Từ đó não trạng thoát Trung của CSVN cần đặt ra và bài học phải áp dụng cùng lúc đó thoát Trung cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Mới đây Thứ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh khi trả lời phỏng vấn VietNamNet nói rằng chủ trương đối ngoại của Việt Nam hiện nay là “thuận hòa với Trung Quốc.” “Thuận hòa” và “thoát Trung” là hai nội dung khác nhau. Thuận hòa là không gây chiến, giữ quan hệ bình đẳng, độc lập giữa hai phía. Còn thoát Trung là sự chủ động không lệ thuộc vào bất cứ lãnh vực gì đối với Trung Quốc từ kinh tế, thương mại, quân sự, chính trị.
Việt Nam hiện nay lệ thuộc quá sâu vào Trung Quốc, kể cả chính sách về sản xuất xuất khẩu cũng bắt chước Trung Quốc. Chính vì lý do này mà CSVN đã bị Hoa Kỳ dán nhãn thao túng tiền tệ hay áp thuế trong tương lai. Đây là cơ hội để CSVN phải mạnh dạn thoát Trung.
Phạm Nhật Bình
—
Tham khảo:
https://asia.nikkei.com/Economy/Trade/Vietnam-with-larger-trade-surplus-than-Japan-draws-US-ire
Leave a Comment