Quảng Cáo

Độc tài, nhân quyền và tin giả

Quảng Cáo

Phạm Phú Khải|

Tin giả (bao gồm thông tin gây thất thiệt/ disinformation và thông tin tuyên truyền/ propaganda) đang là một trong các mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với nhân quyền và mọi nền dân chủ.

Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng nó không ảnh hưởng bao nhiêu lên các thể chế độc tài/cộng sản. Lý do? Một, họ kiểm soát mọi phương tiện truyền thông một cách chặt chẽ, kể cả các mạng truyền thông xã hội. Facebook đồng ý kiểm duyệt thông tin có vẻ “bất hợp pháp” tại VN (tức chống chính quyền) từ tháng Tư năm nay, và ngày càng nhượng bộ chính phủ Việt Nam trước yêu cầu phải kiểm soát nội dung nhiều hơn nữa, nếu không sẽ bị đóng cửa. Tại Thái Lan, Facebook cũng hành xử tương tự như thế. Hai, họ là chủ mưu tạo ra các thông tin một chiều và kể cả dựng chuyện. Với bản chất trí trá và thiếu chính danh/nghĩa, họ phải dồn bao nỗ lực để tuyên truyền đánh bóng cho chính mình, để người dân tiếp tục tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của họ. Vì thế, những gì được phổ biến chính thức thì đã được nhào nặn, bóp méo, hay có khi được đổi trắng thành đen, để định hình và uốn nắn tư tưởng của người dân.

Chống lại cung cách nhìn nhận và quản lý thông tin độc đoán như thế là điều mà tất cả những ai yêu chuộng lẽ phải và công lý cần phải làm. Nhưng điều nghịch lý là nhiều người có lập trường chống cộng/độc tài cũng bị rơi vào các vòng luẩn quẩn như vậy. Một, dễ tin vào các tin giả mà có khi mục tiêu sâu xa, thầm kín của nó là đi ngược lại lẽ phải và sự thật. Hai, đi phát tán tin giả mà họ tin là thật, chẳng khác gì làm cái loa tuyên truyền cho chuyên chế. Ba, chính nhiều người chống cộng/độc tài lại tạo ra bao nhiêu tin giả. Trong thâm tâm, họ nghĩ rằng để chống lại tuyên truyền thì cũng phải tuyên truyền.

Rốt cuộc tuyên truyền và phản tuyên truyền tưởng đối nghịch nhau, tưởng hai thái cực, nhưng nếu bẻ cong lại thành vòng tròn, thì gặp nhau. Chung điểm.

Tin giả đến từ chủ trương của chuyên chế như Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì đã đành. Nhưng không chỉ họ mới tung tin giả. Theo Yaqiu Wang, thì chính các nhà hoạt động bên trong Trung Quốc, khi có khả năng vượt tường lửa để ra ngoài quan sát mạng tự do, thì họ cũng không thể tưởng tượng được không gian mạng mà người Trung Quốc lại bị tràn ngập những sai lầm và tin giả. Wang cho biết, tin giả tràn ngập trên các cơ quan truyền thông bên ngoài Trung Quốc, trên các kênh YouTube và các tài khoản mạng xã hội, kể cả từ những nhà đối kháng nổi tiếng chống Bắc Kinh. Wang cho rằng, các diễn đàn này và những người theo dõi đã lan truyền những thuyết âm mưu và thông tin sai lệch về các vấn đề khác nhau: từ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cho đến người thiểu số Hồi giáo đến người nhập cư trái phép. Những người khác lại sử dụng không gian này để kích động phân biệt chủng tộc.

Vì vậy mà phong trào nhân quyền hiện nay đang gặp lắm khó khăn và thử thách. Truyền thông xã hội là một phương tiện cần thiết và là nguồn khác (alternative platform) cho tự do thông tin và biểu đạt. Nhưng nó lại đang bị tấn công và lợi dụng tối đa bởi những kẻ đứng sau tin giả. Nếu cứ để tiếp tục như tình hình hiện nay thì cái hại sẽ nhiều hơn cái lợi. Còn quy định (regulated) nó ra sao để không ảnh hưởng tiêu cực lên tự do ngôn luận và bày tỏ quả là không đơn giản chút nào.

Mã Lai đã thông qua luật chống tin giả 2018. Những ai phát tán tin giả sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Singapore và Phi Luật Tân cũng thông qua luật hoặc có chủ trương tương tự. Các chính trị gia đối lập hay các ký giả tại Singapore mà đụng đến giới cầm quyền thì sẽ bị yêu cầu xóa bỏ các ý kiến phê bình này, trên truyền thông xã hội như Facebook, hoặc Facebook bị chính quyền yêu cầu phải xóa bỏ nó. Như thế, chế độ cầm quyền độc đoán sẽ xử dụng nó như công cụ để bóp nghẹt tiếng nói đối lập.

Công bằng mà nói thì Facebook, hay các truyền thông xã hội khác, xem tự do ngôn luận và bày tỏ là một trong các mục tiêu. Nhưng nó không phải là hàng đầu. Lợi nhuận mới là ưu tiên hàng đầu. Nhưng khi phải đối diện với một bên có thẩm quyền để gây khó khăn, kể cả bắt họ ngưng hoạt động trên lãnh thổ nước đó, và một bên là phục vụ cho người tiêu dùng như là sân chơi tự do để mọi ý kiến và thông tin được phát tán, thì họ sẽ phải chọn cái ít rủi ro hơn. Do đó, dù muốn hay không, truyền thông xã hội lại rốt cuộc phục tùng chuyên chế thay vì phục vụ cho các tiếng nói khác. Vận động để áp lực lên Facebook và các mạng truyền thông xã hội khác phải có trách nhiệm để bảo vệ tiếng nói và thông tin trung thực là mục tiêu vô cùng cần thiết. Yêu cầu họ không bán đứng, không nhượng bộ, đối với chuyên chế, là điều phải làm. Nhưng cũng đừng quên rằng, kẻ gây ra vấn đề chính trong này là các chế độ chuyên chế và các thành phần âm mưu đằng sau tin giả.

Tin giả gây độc hại (disinformation) là một vấn đề nhân quyền, bởi vì sự phát tán của nó ảnh hưởng trực tiếp lên trên hàng loạt những vấn đề liên quan đến quyền cơ bản của con người, trong đó có các điều cơ bản sau đây:

– Một, điều 25 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) là quyền đối với bầu cử tự do và công bằng.

– Hai, điều 12 trong Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR) là quyền đối với sức khoẻ.

– Ba, điều 17 của ICCPR là quyền tự do từ sự tấn công phi pháp đối với danh dự và uy tín của một người.

– Bốn, điều 2(1) và 26 của ICCPR là quyền không bị phân biệt đối xử.

Tất cả các quyền này đều liên quan mật thiết đến thông tin. Hơn nữa, thông tin giả không chỉ gây nguy hại cho bầu cử, cho sức khoẻ, đến danh dự và uy tín, đến phân biệt đối xử, với một hay nhiều người, mà còn gây thêm chia rẽ, hận thù và bạo lực của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội do các ý đồ của những kẻ tạo dựng và phát tán tin giả.

Để nhân phẩm được tôn trọng, đấu tranh cho nhân quyền phải bao gồm mục tiêu tôn trọng sự thật. Mục tiêu sâu xa nhất của nhân quyền và dân chủ là tự do. Như Timothy Snyder viết trong tác phẩm “Về chế độ chuyên chế” (On Tyranny), “Từ bỏ sự thật/chứng cớ là từ bỏ tự do” (To abandon facts is to abandon freedom). Cho nên những người đấu tranh phải tôn trọng sự thật, và tất cả những câu chuyện, dữ liệu, về các vi phạm nhân quyền phải khả tín, xác thực và bắt nguồn từ chứng cớ thật. Nếu xem việc sử dụng tin giả, dựng ra các dữ kiện không thật, là để đạt được mục tiêu lật đổ chuyên chế, thì đâu khác gì những chế độ chuyên chế đã làm. Như chủ trương “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”, hay hành động đổi trắng thành đen, xuyên tạc bôi nhọ những người có uy tín, v.v… hay giết hàng nghìn người trong các mồ chôn tập thể trong Tết Mậu Thân 1968./.

#tingiả

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux