Trong vụ án tạm gọi là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam sẽ được xét xử phiên hình sự sơ thẩm vào ngày 5-1-2021, thì nhà báo Phạm Chí Dũng bị cáo buộc về việc đã cổ súy cho ‘tam quyền phân lập’.
VÙNG CẤM CỦA TƯ TƯỞNG
‘Tam quyền phân lập’ lâu nay vẫn là ‘vùng cấm’ trong phản biện ở Việt Nam. Vì sao lại trái khoáy như vậy, điều đó không dễ trả lời vì sẽ đối mặt với án chính trị nếu đi ngược lại với ý chí của Tổng bí thư đương nhiệm (xem thêm *).
Bởi vì khi cổ súy ‘tam quyền phân lập’ được hiểu đồng nghĩa đang ‘suy thoái tư tưởng’, nên trong bàn luận lâu nay về vấn đề tư pháp vẫn tiếp tục loay hoay về phương thức quản trị. Cụ thể, rất nhiều vấn đề cần được tiếp tục giải quyết như: Quyền tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013 có nội hàm thế nào? Quyền xét xử được giới hạn đến đâu và có mối liên hệ thế nào với quyền điều tra, quyền truy tố, quyền thi hành án?
Những cơ quan được xác định là cơ quan tư pháp theo chủ trương, đường lối của Đảng, thể hiện qua các nghị quyết của Bộ Chính trị hiện nay có còn là cơ quan tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013 hay không?
Hiện đang có các ý kiến, quan điểm khác nhau, trong đó bao gồm cả cách hiểu điều luật quy định về những vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, nhưng điều đó không khẳng định chỉ có Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, hoặc quyền tư pháp ở Việt Nam có nghĩa rất rộng, không phải chỉ là quyền xét xử mà còn những quyền khác như quyền điều tra, quyền truy tố, quyền thi hành án như đã được nêu trong các nghị quyết của Đảng.
Hoặc nếu chỉ có Tòa án nhân dân là cơ quan tư pháp, thì những cơ quan được xác định là cơ quan tư pháp trong các nghị quyết của Đảng, và trong nhận thức của cơ quan nhà nước, người dân, nay sẽ là những cơ quan gì, có vai trò thế nào trong bộ máy nhà nước?
Sự khác biệt giữa nhận thức, quan niệm về tư pháp của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới, xuất phát từ sự khác nhau giữa cách thức tổ chức và quản lý xã hội.
Nhiều nước trên thế giới tổ chức bộ máy quyền lực để quản lý xã hội theo học thuyết tam quyền phân lập, trong đó có sự phân chia quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp; các quyền này độc lập, cân bằng, có đối trọng và chế ước lẫn nhau nhằm tránh sự lạm quyền, sự độc quyền và độc tài; bảo đảm sự dân chủ, công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân được thực thi theo quy định của hiến pháp và pháp luật.
Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam không theo học thuyết này, mà tổ chức bộ máy nhà nước gọi là theo nguyên tắc tập trung dân chủ, với việc tuyên truyền rằng quyền lực nhà nước là thống nhất và tập trung trong tay nhân dân; nhân dân trao cho người đại diện là các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực của mình, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực ấy là quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Vì không có sự phân chia quyền lực, nên từ góc độ này thì ở Việt Nam không có quyền tư pháp theo nghĩa mà nhiều nước trên thế giới hiện nay đang quan niệm. Hơn nữa, khái niệm của “nhân dân” ở đây khá mơ hồ của cách dùng từ phiếm chỉ trong ngữ pháp tiếng Việt.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới (Nghị quyết số 08-NQ/TW) lần đầu tiên tiếp cận khái niệm tư pháp, và cơ quan tư pháp dưới góc độ đường lối chính sách của Đảng về công tác tư pháp. Theo đó, nội dung của công tác tư pháp và cơ quan tư pháp có phạm vi rất rộng, từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án.
Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết 49-NQ/TW) tiếp tục nói rằng hệ thống các cơ quan tư pháp mà trọng tâm là Tòa án nhân dân thực hiện quyền xét xử; Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; các cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ điều tra trong tố tụng hình sự và các cơ quan thi hành án.
Ngoài những cơ quan tư pháp kể trên, Nghị quyết 08-NQ/TW đề cập đến hoạt động luật sư, cảnh sát tư pháp, tổ chức giám định, hoạt động công chứng, thống kê tư pháp với tư cách là các hoạt động bổ trợ tư pháp; Nghị quyết số 49-NQ/TW xác định nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp này như một hoạt động quan trọng trong công tác tư pháp, và hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp là một khâu quan trọng trong công tác cải cách tư pháp.
Như vậy, theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, các cơ quan tư pháp của Việt Nam gồm cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử và cơ quan thi hành án. Theo đó công tác tư pháp hay hoạt động tư pháp gồm hoạt động điều tra, hoạt động truy tố, hoạt động xét xử và hoạt động thi hành án.
Nếu ở nhiều nước, “Tư pháp” là xét xử và cơ quan tư pháp là Tòa án, thì ở Việt Nam, “Tư pháp” được hiểu theo nghĩa là sự trộn lẫn toàn bộ hoạt động bảo vệ pháp luật, trong đó hoạt động xét xử của Tòa án là trung tâm. Ngoài ra, còn có các hoạt động bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá, giám định tư pháp.
Hiện nay, trong nhận thức của nhiều người dân các cơ quan tư pháp còn bao gồm các cơ quan trong ngành Tư pháp từ trung ương đến địa phương như Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp và các phòng tư pháp cấp huyện…
Vấn đề đặt ra cho nhiệm kỳ mới của Đảng ở lần Đại hội XIII sắp tới, là nếu ông Nguyễn Phú Trọng có tiếp tục tại vị, thì vẫn phải giải quyết cho bằng được yêu cầu sau đây:
Với đặc điểm tổ chức các cơ quan nhà nước theo nguyên tắc tập trung thống nhất, thì việc phân định một cách rõ ràng cơ quan tư pháp với các cơ quan khác liên quan đến hoạt động tư pháp, dù chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đã được quy định trong Hiến pháp, hoặc các văn bản pháp luật khác, thì thời gian cần thiết từ năm 2013 đến nay để đạt được sự thống nhất trong nhận thức, trong hoạt động của các cơ quan liên quan đến tư pháp, phù hợp với tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013, tiếp cận được với quan niệm về quyền tư pháp của nhiều quốc gia trên thế giới, cần phải được sửa đổi tương ứng.
Việc hiểu đúng về quyền tư pháp và cơ quan tư pháp trong bối cảnh Hiến pháp 2013 đã được ban hành được 8 năm, không phải chỉ là những vấn đề lý luận mà có tác động trực tiếp tới định hướng cải cách tư pháp và việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay.
Và trong cách nhìn nhận vấn đề như trên, thiết nghĩ cần thiết xem lại về cáo buộc nhà báo Phạm Chí Dũng, trong chuyện ông đã phản biện và cổ súy tinh thần pháp luật theo “tam quyền phân lập”.
_________
Chú thích:
https://www.voatiengviet.com/a/tbt-vietnam-yeu-cau-xu-ly-suy-thoai-tu-tuong-chinh-tri/1610935.html
T.L.
Leave a Comment