Không ai có thể giết chết Sự Thật
Chiều 17/12/2020, nhiều tờ báo nhà nước đồng loạt đưa tin nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị bắt theo điều luật 331 Bộ luật Hình sự, tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Điều luật này dùng để làm gì, có lẽ trừ trẻ con vừa sinh ra và những ai cố tình bịt mắt bưng tai dưới chế độ này, tất cả đều hiểu rõ. Nó là công cụ đe dọa và trấn áp bất kỳ ai dám lên tiếng trái ý nhà cầm quyền.
Nhiều người ngạc nhiên trước tin nhà báo Hữu Danh bị bắt, nhất là theo một điều luật vốn dĩ xưa nay được “đặc chế” dành cho những ai bị chụp mũ “phản động”. Họ bất ngờ vì những thông tin Hữu Danh đưa ra xưa nay về các vụ tiêu cực trong xã hội đều khá chừng mực, không hề đi ngược lại “chủ trương đường lối chính sách của nhà nước”.
Điều đó lại càng chứng tỏ chiếc mũ “phản động” của những chế độ độc tài không hề có size – ai cũng có thể bị chụp nó lên đầu bất kỳ lúc nào.
Lại cũng có không ít người vỗ tay háo hức trước tin này. Nhiều nhất đương nhiên vẫn là lực lượng dư luận viên “vừa hồng vừa chuyên”, cùng các cảm tình viên sống dựa vào bổng lộc của chế độ. Những người này khi gió đảo chiều sẽ lập tức lột áo trở cờ thờ chủ mới. Chúng ta không có lý do gì để phí thời gian cho họ.
Điều đáng nói là trong số những tiếng cười hả hê, có những người vẫn tự cho mình là đấu tranh cho dân chủ, chống lại độc tài.
Họ không ưa Hữu Danh vì đủ thứ lý do, từ những vụ “đánh” nhân vật này mà không “bóc” nhân vật nọ, từ những tin đồn “ăn tiền” để viết bài hay là “lính” của quan chức chính quyền nào đó, hoặc chỉ đơn giản là chưa bao giờ “dám” công khai lên tiếng “chửi chế độ”.
Đó là thứ suy nghĩ kỳ lạ của những người có mối quan hệ không lành mạnh với “dân chủ”.
Nguyên tắc cơ bản của “dân chủ” là ai cũng có quyền của riêng mình, và mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ cái quyền đó, bất kể chủ thể là ai.
Nguyên tắc này được minh họa trong câu nói nổi tiếng: “Tôi có thể không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền của anh được nói những điều đó”.
Nói cách khác, “dân chủ” là một thứ luật chơi công bằng, do số đông đồng ý lập ra (thay vì là thiểu số muốn có đặc quyền như “độc tài”), áp dụng giống nhau cho tất cả (thay vì là “người phe mình” thì nhè nhẹ nhớ đánh khẽ, “người phe nó” thì phần phật quất thẳng tay).
Với những ai chỉ vì bất đồng ý kiến mà muốn bịt miệng người khác, thậm chí mở cờ trong bụng khi thấy người đó bị hãm hại, điều tốt đẹp nhất họ có thể làm cho đời là đừng nhân danh bất kỳ thứ gì, khỏi làm bẩn ý nghĩa của nó.
Tôi chưa được may mắn gặp trực tiếp nhà báo Hữu Danh. Như rất nhiều người khác, tôi chỉ biết về anh từ xa, qua các bài viết, hình ảnh và đoạn phim, về đủ những vấn đề tiêu cực nhức nhối của xã hội. Tôi chưa bao giờ thắc mắc vì sao anh không nói chuyện này, không bàn chuyện kia, không đề cập vấn đề nọ… Tôi hiểu rõ ở vị thế đó, với những việc làm đó, anh phải chịu rủi ro gấp trăm gấp ngàn lần những người khác, trong đó có tôi.
Tôi cũng hiểu rõ mỗi người đều có cuộc sống riêng, với những mối bận tâm, những lo lắng, những sợ hãi chỉ có họ mới phải chịu đựng. Sẽ thật là quái gở bệnh hoạn khi muốn người khác phải giống mình, hoặc làm giúp những thứ bản thân không dám làm, hay chưa làm được.
Tôi lựa chọn học hỏi những thứ Hữu Danh đã làm được. Tôi không lựa chọn soi mói những thứ anh chưa làm được – đó là việc mà tôi phải làm. Và cũng không có bất kỳ ai có tư cách đòi hỏi những gì cả Hữu Danh, tôi hay ai đó khác chưa làm được – đó là việc họ phải làm. Có gan đòi hỏi thì phải có gan tự đi mà làm lấy. Không ai sống giùm người khác.
Một chi tiết đáng chú ý cần được nhắc đến: trong khi tất cả những tờ báo quốc doanh đều đăng cùng một tông giọng, gọi Trương Châu Hữu Danh là “facebooker”, thì những người theo dõi Hữu Danh xưa nay trên Facebook vẫn luôn gọi anh là “nhà báo”.
Một cách chính thức, Hữu Danh là “cựu nhà báo”, đã từng cộng tác cho các tờ báo lớn của nhà nước. Mặc dù sau đó có thông tin rằng anh đã bị thu hồi thẻ nhà báo, nhưng rõ ràng sự tồn tại hay mất đi của cái thẻ ban phát đó không có ý nghĩa gì với bạn đọc. Với họ, những ai đấu tranh cho sự thật, bất chấp rủi ro đưa thông tin chính xác và hữu ích đến công chúng, đều xứng đáng được gọi là “nhà báo”. Ngược lại, nếu chỉ là cái loa tuyên truyền cho dối trá, cho dù nhét túi hàng trăm cái thẻ hay đeo kín vài trăm huy chương trên người, cũng đều là thứ vô nghĩa trong mắt người dân.
Những cái đầu độc tài khi bắt nhà báo Hữu Danh chắc chắn nghĩ rằng có thể khiến những người khác sợ hãi mà ngoan ngoãn im miệng. Họ hiểu lầm.
Không khó hiểu gì cho cái lầm đó của họ, những kẻ luôn có quan hệ bất thường với hiện thực. Họ tưởng rằng trên đời này tất cả đều giống mình: chìm trong dối trá, trốn trong sợ hãi, và sống trọn vẹn một cuộc đời hèn nhát.
Họ bắt nhà báo Đoan Trang, những quyển sách và tư tưởng của cô lại càng được nhắc đến nhiều hơn.
Họ bắt một Hữu Danh, ngày mai sẽ lại tiếp tục có thêm hàng ngàn những Vô Danh khác cùng lên tiếng.
Tôi chính là một Vô Danh như vậy.
Và khi họ bắt, hay giết một kẻ vô danh như tôi, sẽ lại có thêm hàng ngàn tiểu tốt khác nữa xuất hiện.
“Các người không thể giết chết Sự Thật”.
***
#TrươngChâuHữuDanh
Leave a Comment