Tân Phong – Việt Tân
Hôm 16 tháng Mười Hai, Bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã chính thức đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ cùng với Thụy Sĩ. Đồng thời, Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ công bố chế tài công ty Vận Tải Khí và Hóa Chất Việt Nam cùng giám đốc điều hành vì vi phạm lệnh cấm vận Iran từ năm 2018. Những tin xấu dồn dập báo hiệu một lễ Giáng Sinh buồn thảm, trước khi năm 2020 đầy tai ương kết thúc trong khi cuộc “hồng môn yến” tranh quyền đoạt vị ở Ba Đình vẫn bất phân định đoạt. Giới chức chóp bu mải mê “phiên chợ quyền lực” cuối mùa, không còn màng gì đến muôn vàn thảm kịch khắp mọi miền đất nước, những biến động kinh tế, chính trị quốc tế có thể làm sụp đổ xã hội đã quá mức rệu rã và chồng chất áp lực dân sinh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN với một khuôn mặt tăm tối, đưa ra những lời vô nghĩa khi cho rằng thặng dư thương mại bất thường với thị trường Mỹ là “đặc thù” của nền kinh tế có cái đuôi XHCN, phản đối việc Mỹ cấm vận công ty Vận Tải Khí và Hóa Chất Việt Nam. Có lẽ, bà Hằng không hiểu bà nói gì và chắc với IQ trên dưới 50 điểm, thì việc đưa ra một lời chống chế phù hợp là thách thức ngoài khả năng chuyên môn cũng như ngôn ngữ của bà.
Đã có nhiều cảnh báo từ chính quyền Donald Trump kể từ 2019 khi Việt Nam bị chỉ mặt gọi tên là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất,” giới chức Hoa Kỳ đã cảnh cáo việc hàng hóa Trung Quốc lấy xuất xứ C/O của Việt Nam để trốn thuế và Hà Nội liên tục can thiệp tỷ giá bằng việc “bơm tiền” và theo đuổi chính sách “đồng tiền yếu” để hỗ trợ xuất khẩu.
Kể từ năm 2015 tới năm 2019, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam duy trì mức “bơm tiền” hàng năm trung bình thực tế khoảng 1,0 – 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 45 -50 tỷ Mỹ Kim) và kéo tỷ giá từ 21.200 đồng/1 USD xuống chỉ còn 23.200 đồng/1 USD để tăng mức dự trữ ngoại hối lên 79 tỷ USD năm 2019.
Riêng năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng bởi dịch bệnh, các “kênh” chủ lực mang ngoại tệ về như du lịch, xuất khẩu lao động, kiều hối và cả các ngành xuất khẩu xương sống như may mặc, dầu thô đều “nghẽn mạch, cạn dòng” thì Ngân Hàng Trung Ương Việt Nam tuyên bố đã mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ lên mức kỷ lục 92 tỷ Mỹ Kim. Đồng thời, thặng dư thương mại với Hoa kỳ tăng đột biến hơn 20 tỷ USD chỉ trong 10 tháng đầu năm 2020. “Thành tựu” này của các “thiên tài AQ” CSVN quả thực là… “vô đối.” Tuy vậy, mấy chiêu trò “bơm tiền” kéo tỷ giá trắng trợn này chẳng thể nào qua mặt được giới tài chính, ngân hàng Hoa kỳ.
Việc bị coi là quốc gia thao túng tiền tệ chắc chắn sẽ bắt đầu cho hàng loạt các chính sách thuế quan mới và rào cản thương mại theo chiều hướng bất lợi. Điều có thể nhanh chóng làm mất đi ưu thế của hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ – vốn là thị trường quan trọng nhất, đem lại thặng dư thương mại hàng chục tỷ Mỹ Kim trong nhiều năm qua.
Còn nhớ, một số mặt hàng như thép không rỉ, thép cán nguội vốn được sản xuất ở Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc được nhập về Việt Nam gia công, dập nhãn “made in Việt Nam” để xuất sang thị trường Hoa Kỳ đã bị đánh thuế tới 456% vào tháng Mười Hai, 2019 là những động thái trừng phạt đầu tiên. Quyết định áp thuế mới của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã ngay lập tức chặn đứng trào lưu “nhà nhà làm thép,” khiến hàng loạt nhà máy cán thép ở Việt Nam phải cắt giảm công suất, cũng như đối mặt với tình trạng tồn kho nghiêm trọng. Các dự án cán thép ngàn tỷ âm thầm rút tên và đại gia từng tuyên bố “ngu gì mà không làm thép” đã lên núi …tập thiền.
Những tưởng các thay đổi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đối với sản phẩm thép Việt Nam sẽ là bài học cho các ngành khác và giới chức Việt Nam cần phải có những điều chỉnh và kiểm soát hiệu quả hơn việc hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Việt. Thế nhưng, chiều hướng gian lận thương mại càng lúc càng phổ biến, diễn ra ở mọi ngành hàng trong năm 2020. Thậm chí, hàng hóa được sản xuất hoàn toàn ở Trung Quốc, đóng sẵn nhãn “made in Việt Nam” và xuất thẳng từ cảng Hải Phòng với sự thông đồng của hệ thống biên phòng cửa khẩu, hải quan, cảnh sát kinh tế và chi nhánh Phòng Thương Mại Công Nghiệp VCCI tại đây.
Quyết định áp thuế đối kháng sơ bộ của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ với mặt hàng lốp xe ô tô từ Việt Nam từ 6,23% lên 10,08% được áp dụng từ tháng Tư, năm 2021 chắc chắn sẽ đẩy các nhà sản xuất ở Việt Nam vào một cơn bĩ cực mới. Đây là động thái đầu tiên của Hoa Kỳ áp dụng việc điều chỉnh thuế để hạn chế các biến động trên thị trường khi các đơn vị tiền tệ bị định giá thấp.
Sẽ không ngạc nhiên khi những “điều chỉnh” tương tự được áp dụng hàng loạt với các mặt hàng khác có nguồn gốc từ “quốc gia thao túng tiền tệ” trong thời gian tới. Theo một đánh giá mới đây của Reuters thì Hoa Kỳ có thể tăng thuế lên tới 25% đối với những mặt hàng có nguồn gốc từ Việt Nam. Các mặt hàng Việt Nam phần lớn là gia công, lắp ráp đơn giản có lợi nhuận biên nhỏ, nếu bị áp đặt mức thuế mới này sẽ thực sự gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế thê thảm hiện nay.
Chuyến thăm “bất ngờ” của Ngoại Trưởng Pompeo vào tháng Mười, 2020 có lẽ đã đưa ra cho Hà Nội những lựa chọn và khuyến cáo cuối cùng. Tuy vậy, không có một động thái nào tích cực thể hiện rằng CSVN thực sự nghiêm túc chống gian lận và điều chỉnh cán cân thương mại trong ngắn hạn. Sự kiên nhẫn của Hoa Kỳ với giới chức Hà Nội đã cạn và cái tên Việt Nam đã được “xướng” lên trong danh sách quốc gia “thao túng tiền tệ,” báo hiệu “tuần trăng mật” Việt – Mỹ đã chấm dứt?
Cần nhìn nhận rằng đây là một hệ quả tất yếu cho kiểu làm ăn chụp giựt, “treo đầu dê Việt, bán thịt chó Tàu” quá lâu của đám doanh nghiệp “tư bản Đỏ” với sự thông đồng, bảo kê của giới chức CSVN, cũng như chiêu trò “đồng tiền yếu” mà Hà Nội học lỏm được từ Bắc Kinh nhiều năm qua.
Hà Nội đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ 1991. Tăng trưởng GDP dù được đánh giá “khả quan” trong bối cảnh hiện tại, khoảng 2,8% trong 10 tháng đầu năm. Nhưng đó chỉ là con số bề nổi, rất ít ý nghĩa với một nền kinh tế mà hơn 70% xuất cảng là thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, Việt Nam bị mất trắng hơn 50 tỷ Mỹ Kim bởi cơn dịch COVID-19 (chỉ riêng thất thu trong lĩnh vực du lịch và kiều hối đã khoảng 30 tỷ Mỹ Kim) và thu ngân sách giảm gần 20% trong khi chi tiêu lại tăng cao. Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động cao ở mức chưa từng thấy và con số thất nghiệp thực tế có thể đã vượt mức 10 triệu người.
Thế lưỡng nan ở đây là nếu không thông đồng và tiếp tay cho các doanh nghiệp “hồn Trung, xác Việt” gian lận thương mại và tiếp tục theo đuổi chính sách “bơm tiền,” định giá thấp đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu, thì “nền kinh tế rỗng” sẽ “toang” ngay trong 6 tháng chứ đừng nói là ổn định hay phát triển hình V. Việc Hoa Kỳ chính thức thổi còi và đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ sẽ có tác động sâu rộng tới nền kinh tế vốn phụ thuộc nặng nề vào xuất cảng và khối doanh nghiệp FDI như Việt Nam. Khó khăn sẽ chồng thêm khó khăn đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính và làm nản lòng những nhà đầu tư nước ngoài.
Không rõ, giới chức CSVN sẽ có đối sách gì trước thực tế là “tất cả các nguồn thu đều cạn,” áp lực dân sinh, xã hội đang ở giới hạn cuối cùng trước chính sách “vặt lông vịt” tàn nhẫn và những thay đổi thương mại mới đây của Hoa Kỳ? Nhưng chắc chắn một điều là kinh tế Việt Nam sẽ không thể hồi phục trong nhiều năm tới và cơn khốn quẫn của đại đa số “quần chúng nhân dân” sẽ đẩy xã hội Việt Nam xuống hố sâu hỗn loạn. Khả năng duy trì được sự ổn định vĩ mô là rất mong manh và tùy thuộc nhiều vào các hướng rẽ và ngã giá chính trị của giới chóp bu CSVN. Tuy vậy, “dư địa” còn lại cho các thỏa hiệp là rất ít nếu không nói là đã cạn kiệt.
Một số học giả nước ngoài đánh giá cao về vị thế chính trị của Việt Nam trong khoảng 20 năm trở lại đây. Nhưng mục tiêu trở thành quốc gia có vị thế tầm trung về địa chính trị khu vực mà Hà Nội nỗ lực đầu tư chỉ là một “tấm áo đẹp,” che đậy một thực thể xã hội quá nhiều lở loét. Nó không có ích nhiều khi nền kinh tế sụp đổ, một xã hội tan hoang. Đặc biệt trong một bối cảnh quốc tế như hôm nay, có lẽ tất cả đều nên “nằm lòng” câu nói của Joker:
“…Ba cái thứ đạo đức, luật lệ… chỉ là một tấn trò hề, vừa gặp chuyện là rơi rụng hết... chúng chỉ tốt đẹp khi sự đời còn trong tầm tay với. Khi gặp chuyện ngặt nghèo, những cái con người văn minh này …chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau.”
Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến quá nhiều những trải nghiệm đau thương khi trở thành món hàng bị “ngã giá” bởi các cường quốc trong quá khứ. Sẽ không có một “anh em tốt, láng giềng tốt, đồng chí tốt” nào cả và cũng không có một đồng minh nào mãi mãi. Sau 45 năm “giải phóng,” đất nước ngày càng trở nên bị phụ thuộc và chi phối nhiều hơn về cả kinh tế lẫn chính trị bởi ngoại quốc.
Đó là một cơn ác mộng chưa có hồi kết cho dân tộc Việt Nam khi vẫn còn bị cai trị bởi một thể chế tham nhũng, bất tài, “hèn với giặc, ác với dân” vô nhân tính CSVN.
Tân Phong
Leave a Comment