Hội nghị 14 của Trung Ương Đảng CSVN họp từ ngày 14 tháng Mười Hai và dự trù kéo dài 7 ngày đến ngày 20 tháng Mười Hai mới bế mạc; nhưng chỉ sau 5 ngày họp, hội nghị đã ngưng trước 2 ngày tức bế mạc vào chiều ngày 18 tháng Mười Hai vừa qua.
Sự kết thúc sớm hai ngày của hội nghị 14 đã khiến cho giới quan sát quốc tế đặt nghi vấn là hội nghị đã có những đấu đá quyết liệt về nhân sự nên phải chấm dứt để chờ thảo luận tiếp ở hội nghị 15, dự trù sẽ diễn ra vào tuần lễ thứ hai của tháng Giêng, 2021. Như vậy đại hội 13 khó có thể triệu tập vào cuối tháng Giêng, 2021 như dự trù.
Tại sao hội nghị 14 thất bại?
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết là hội nghị 14 sẽ đặt trọng tâm vào 5 vấn đề mà trung ương đảng khóa 12 phải giải quyết trước khi tổ chức đại hội 13.
Thứ nhất là bầu chọn bộ chính trị, ban bí thư cho khóa 13. Dự trù nhân sự bộ chính trị chọn từ 17 đến 19 người và nhân sự ban bí thư chọn 13 người.
Thứ hai là cho ý kiến lần cuối thông qua các dự thảo văn kiện do trung ương khóa 12 chuẩn bị để đưa ra cho đại hội 13.
Thứ ba là thảo thuận và chung quyết về nội quy sinh hoạt, chương trình làm việc của đại hội 13.
Thứ tư là cho ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện quy chế làm việc của Ban Chấp Hành Trung Ương, Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư khóa 12.
Thứ năm là quyết định chính thức ngày tổ chức đại hội 13.
Trong 5 vấn đề mà hội nghị 14 thảo luận, việc chuẩn bị nhân sự bộ chính trị, ban bí thư cho khóa 13 là gai góc và tốn nhiều thì giờ nhất. Lý do là hội nghị 14 phải thảo luận về tiêu chuẩn, độ tuổi, trách nhiệm và sau đó mới bỏ phiếu bầu nhiều lần để những nhân sự được chọn vào bộ chính trị, ban bí thư phải có quá bán số phiếu bầu của trung ương.
Trong bài diễn văn bế mạc hội nghị 14, ông Nguyễn Phú Trọng đã dùng hai nhóm từ “nhất trí cao” và “thống nhất cao” của trung ương để nói về việc chọn nhân sự tham gia bộ chính trị, ban bí thư cho khóa 13 và tất cả các báo “lề đảng” đều dùng hai nhóm từ này cho tựa đề bài tường thuật về bế mạc hội nghị 14.
Đây là thủ thuật tuyên truyền nhằm che dấu những thất bại trong việc chuẩn bị nhân sự cấp cao của hội nghị 14. Thông thường ở các đại hội 11 (2011), đại hội 12 (2016) thì ở hội nghị trung ương 13 hay 14 đã thảo luận xong vấn đề nhân sự, từ tân ban chấp hành trung ương, tân bộ chính trị, tân ban bí thư và thành phần tứ trụ (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội ) của khóa tới. Nếu có thêm hội nghị 15 là để thông qua thủ tục, chương trình làm việc và ấn định ngày khai mạc đại hội.
Nhìn qua việc chuẩn bị nhân sự của đại hội 13, ông Trọng đã cho bắt đầu từ hội nghị trung ương 9 khoảng cuối tháng Mười Hai, 2018 và đáng lý ra hội nghị 12 (tháng Năm, 2020) đã xong danh sách tân trung ương, hội nghị 13 (tháng Mười, 2020) đã xong danh sách tân bộ chính trị, tân ban bí thư để hội nghị 14 (tháng Mười Hai, 2020) quyết định về danh sách tứ trụ và ấn định ngày tổ chức đại hội 13. Nhưng do sự khống chế quá chặt và làm theo ý riêng của ông Trọng để giành lấy ưu thế về phe nhóm của phe mình nên hội nghị 14 đã không thành công.
Thứ nhất là những nhân sự mà ông Trọng muốn đưa vào bộ chính trị, ban bí thư cho khóa 13 đã không được hội nghị chọn với số phiếu cao. Khi những nhân sự có số phiếu quá thấp thì ra đại hội để cho hơn 1.300 đại biểu bỏ phiếu chọn lần sau cùng, có thể không lọt vào danh sách bộ chính trị, ban bí thư của khóa 13. Công chuẩn bị nhân sự của ông Trọng sẽ trở thành công dã tràng.
Thứ hai là ôngTrần Quốc Vượng tuy được hội nghị chọn ở lại cùng với ông Nguyễn Xuân Phúc trong thành phần bộ chính trị khóa 13; nhưng phiếu của Vượng quá thấp không chỉ so với ông Nguyễn Xuân Phúc mà còn sau rất nhiều người mới tham gia bộ chính trị lần đầu.
Nói cách khác, ông Trọng tuy rút lui đại hội 13, nhưng muốn đưa một số nhân sự cật ruột của phe mình vào nắm giữ những vị trí then chốt trong bộ chính trị và hàng tứ trụ, nhưng kết quả đã xảy ra không như mong muốn.
Đương nhiên, kết quả bầu chọn ở hội nghị 14 chưa phải chính thức vì theo thông lệ, những kết quả này còn phải qua sự “xem xét” và “bổ sung” của Tiểu Ban Nhân Sự do ông Trọng chỉ đạo, rồi sau đó mới báo cáo lại cho trung ương ở hội nghị 15.
Tóm lại, vấn đề chuẩn bị nhân sự bộ chính trị, ban bí thư cho khóa 13 đã không diễn ra như điều mong muốn của phe ông Trọng. Nếu hội nghị 14 tiếp tục thảo luận để biểu quyết những nhân sự quá tuổi hưu trên 65 tuổi ở lại và sắp xếp tứ trụ chắc chắn sẽ gặp khủng hoảng nội bộ, nên phe ông Trọng đã phải chấm dứt hội nghị 14 sớm hơn hai ngày.
Điều này cho thấy là chính trong nội bộ trung ương CSVN đã có những làn sóng chống đối ngầm và họ không muốn phe ông Trọng khống chế, tiếp tục chiến dịch đốt lò mà trong thực chất là để thao túng quyền lực của phe Trọng.
#TrungĐiền #đảngcsvn #hộinghịTƯ14 #đạihội13
Leave a Comment