Ông Trọng nằm mơ

Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng CSVN. Ảnh: Internet
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Những tháng cuối nhiệm kỳ 12, dù đang trong tình trạng được Ban Bảo Vệ, Chăm Sóc Sức Khỏe Cán Bộ Trung Ương kèm từng bước, nhưng Tổng Chủ Nguyễn Phú Trọng lại xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết.

Ngày 30 tháng Mười Một, ông Trọng chủ trì Hội nghị Quân Ủy Trung Ương tại Bộ Quốc Phòng. Ngày 1 tháng Mười Hai tham dự và chỉ đạo Hội nghị Đảng Ủy Công an Trung Ương. Một tuần sau, ngày 7 tháng Mười Hai ông Trọng tham dự và chỉ đạo Hội nghị Quân Chính Toàn Quân năm 2020 của Bộ Quốc Phòng.

Mới đây nhất trong cương vị tổng bí thư, ông Trọng đã chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị trung ương 14 Khóa XII. Và trong hội nghị này, trung ương sẽ có hai biểu quyết rất quan trọng. Đó là danh sách tân bộ chính trị vì ở trong biểu quyết này, trung ương lần này sẽ đưa ra quyết định chính thức ngày giờ tổ chức đại hội 13, sẽ bàn thảo và bỏ phiếu giới thiệu những nhân vật tham gia Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư cho khóa XIII.

- Quảng Cáo -

Với sự xuất hiện liên tục như thế, rõ ràng ông Trọng muốn nhắn gởi với toàn đảng trước thềm đại hội 13, ông vẫn còn có vai trò quyết định trong vấn đề bố trí nhân sự cấp cao.

Đặc biệt trước đó hôm 12 tháng Mười Hai, ông Trọng đã đến chủ tọa cái gọi là Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Trên thực tế, phải nói đây là hội nghị ăn mừng 7 năm ông Trọng cầm quyền với vai trò tổng bí thư đúng nghĩa. Năm 2013 chính là năm mà ông Trọng giành được chức trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng từ tay Nguyễn Tấn Dũng sau những thất bại nặng nề về kinh tế của ông này trong tình trạng tham nhũng lan tràn.

Nguyên do là từ năm 2006, khi Nguyễn Tấn Dũng thay thế Phan Văn Khải làm thủ tướng, đó là lúc tư thế chính trị của Dũng lên cao nhất trong thành phần lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước. Ngoài chức thủ tướng ông Dũng còn được giao thêm 4 lãnh vực trách nhiệm quan trọng trong tứ trụ: ngoại giao, công an, kinh tế, chống tham nhũng.

Với quyền lực rộng rãi như một thủ tướng toàn quyền, Dũng có rất nhiều đàn em thân tín được bổ nhiệm thành lập những tập đoàn kinh tế, tổng công ty kinh doanh đủ mọi ngành nghề. Nhưng do trình độ quản lý kém cỏi, dẫn đến tình trạng kinh doanh lời giả lỗ thật, mất vốn, nợ vay hết khả năng thanh toán. Kinh tế thị trường đã đầy lùi tư duy kinh tế chỉ huy “quốc doanh là chủ đạo” xuống hố. Hàng loạt tổng công ty của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lần lượt sập tiệm hay sống lây lất nhờ được ngân sách nhà nước cung cấp dồi dào. Thời kỳ này chính là thời kỳ mà tham nhũng sinh sôi như những bầy sâu ở khắp các cơ quan, trở thành một hệ thống song hành với hệ thống đảng.

Năm 2011 Nguyễn Phú Trọng lên làm tổng bí thư đảng, nhưng hoàn toàn lép vế trước phe nhóm của Dũng. Ông Trọng xoay ra liên kết với Trương Tấn Sang, tính nhờ trung ương khoá XI kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng nhưng thất bại. Tuy không kỷ luật được ông Dũng năm 2012, nhưng đến năm 2013 cũng nhờ sự hợp tác của Trương Tấn Sang, Trọng lấy lại chức được chức chủ tịch Ủy Ban Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương. Kể từ đó ông Trọng cùng một số đàn em dùng chiến dịch đốt lò để triệt hạ phe Dũng và củng cố quyền lực trong 7 năm qua.

Như thế, hội nghị lần này được cho là tổng kết chống tham nhũng nhưng nó chỉ là một bản báo cáo khoe thành tích của tổng bí thư, vì sang năm ông Trọng phải về hưu. Nếu nhìn vào con số chống tham nhũng mà ông Trọng khoe trong 7 năm vừa qua thì người ta thấy gì?

–  Đã kỷ luật hơn 131 ngàn đảng viên các cấp.  Riêng trong 4 năm từ năm 2016 khi chiến dịch đốt lò thực sự tiến hành, đã kỷ luật 87 ngàn đảng viên tham nhũng các loại.

– Thi hành kỷ luật 110 cán bộ thuộc trung ương quản lý, trong số đó bao gồm 27 ủy viên trung ương và 4 ủy viên Bộ Chính Trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng. Trong số 4 ủy viên Bộ Chính Trị được nói là bị kỷ luật có Hoàng Trung Hải nhận kỷ luật cảnh cáo, Nguyễn Văn Bình cảnh cáo, Lê Thanh Hải cách chức bí thư thành ủy, chỉ có Đinh La Thăng đang ngồi tù. Và mới đây nhất Tất Thành Cang, một cựu ủy viên trung ương được góp mặt làm củi đốt lò.

Bản báo cáo cho rằng đây là những con số ấn tượng nhưng người ta thấy nó rất nghèo nàn, nếu đem so sánh với hơn 4 triệu đảng viên đảng CSVN. Do đó những con số này không phản ảnh được quyết tâm mà ông Trọng rêu rao rằng: “Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào. Hay như từ trước đến hiện nay, đảng CSVN có ít nhất 5.000 ủy viên và cựu ủy viên trung ương đảng thì những con số 31 người mà ông Trọng đưa ra làm thành tích tự hào trong thực tế là quá ít, không ăn thua gì đến bầy sâu chúa nằm ngay tại trung ương. Đó là chưa kể cựu bí thư Thành Hồ Lê Thanh Hải với những tội lỗi tày trời  trong vụ án Thủ Thiêm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thách thức Ban Kiểm Tra Trung Uơng lẫn Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng của ông Trọng.

Nói cách khác, những vụ án tham nhũng mà ông Trọng đòi phải điều tra hay mang ra xét xử chỉ là những vụ án không thể nào che giấu hoặc dùng những biện pháp răn đe, trong thực tế tham nhũng lan tràn khắp mọi cơ quan và trở thành một “dịch vụ” ở trong đảng. Vì thế mà ông Trọng với tham vọng ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng chỉ là nằm mơ, một giấc mơ giữa ban ngày.

Chính guồng máy độc tài toàn trị của đảng chứ không ai khác là nguyên nhân tạo ra tham ô, nhũng lạm. Còn đảng còn tham nhũng, và Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương trong thực tế chỉ là phương tiện cho những phe nhóm cầm quyền dùng để triệt hạ những phe nhóm khác.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -