Hoài Nguyễn – (VNTB) – Pháp luật hình sự luôn đặt thắc mắc về động cơ gây án, bởi nếu không có ‘động cơ’ thì khó thể áp đặt cáo buộc tội danh thích hợp.
Ngày 17/12/2020, được sự đồng ý của Viện kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trương Châu Hữu Danh (sinh năm 1982, ngụ xã An Vĩnh Ngãi, TP. Tân An, tỉnh Long An) để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, được quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015.
“Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Báo Phụ nữ TP.HCM nói rằng, “Trương Châu Hữu Danh là Facebooker khá nổi tiếng, trên trang cá nhân ông thường xuyên có những ý kiến ngược chiều với chủ trương của Nhà nước” (1).
Báo Tuổi Trẻ có nhìn nhận: “Ông Danh nổi tiếng là thành viên chủ chốt của nhóm “Bạn hữu đường xa” tích cực “chống BOT bẩn” và cũng là thành viên sáng lập nhóm “Báo sạch” khá nổi tiếng trên thế giới mạng. Gần đây lợi dụng sự nổi tiếng này, ông đã viết nhiều bài trên facebook của mình để chống phá Nhà nước” (2).
Báo Người Lao động nhận xét, “Trương Châu Hữu Danh là người có ảnh hưởng trên cộng đồng mạng (KOL), Facebook cá nhân có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội. Thời điểm chưa bị bắt, Trương Châu Hữu Danh thường bày tỏ những quan điểm cá nhân về thời sự, chính trị, kinh tế và xã hội lên mạng xã hội thu hút hàng ngàn lượt like và chia sẻ” (3).
“Ông Trương Châu Hữu Danh trước đây hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Vài năm gần đây, ông Hữu Danh nổi tiếng trên mạng xã hội” – báo Vietnam Net, viết ngắn gọn vậy trong đưa tin về vụ ông Trương Hữu Danh bị bắt (4).
Báo Long An nhận xét còn ngắn hơn: “Ông Trương Châu Hữu Danh từng công tác ở một số cơ quan báo chí” (5).
Một số báo chí chỉ đưa tin, không bình luận hay nói thêm gì về ông Trương Châu Hữu Danh.
“Ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã phát biểu như vậy tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều ngày 17-12, liên quan câu hỏi về tự do báo chí ở Việt Nam.
Như vậy thì trong vụ cáo buộc tội danh theo Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015, cho thấy động cơ gây án của ông Trương Châu Hữu Danh là nhằm tới “xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Và trong nhóm các hành vi được liệt kê đó, theo báo Tuổi Trẻ, thì “ông đã viết nhiều bài trên facebook của mình để chống phá Nhà nước” – tức ông Trương Châu Hữu Danh “xâm phạm lợi ích Nhà nước” qua việc “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”.
Vậy thì “Nhà nước là gì”?
Trước tiên, khái niệm nhà nước trong khoa học pháp lý, thì nhà nước là một tổ chức của xã hội, để quản lý xã hội, duy trì trật tự xã hội, đòi hỏi nhà nước phải thiết lập quyền lực công cộng đặc biệt. Quyền lực công cộng ấy đã tách khỏi dân cư và do một bộ máy chuyên môn nắm giữ và thực hiện.
Nhà nước một mặt là tổ chức quyền lực công đặc biệt của toàn xã hội (quốc gia), thay mặt cho xã hội quản lý các mặt khác nhau của cuộc sống, bảo đảm sự ổn định, trật tự xã hội, quyền lợi của cả cộng đồng xã hội; nhưng mặt khác, nó còn là tổ chức quyền lực của giai cấp thống trị, ở một mức độ nhất định, nó bảo vệ lợi ích và thực hiện mục đích của giai cấp cầm quyền.
Từ những phân tích trên, có thể đưa ra định nghĩa nhà nước như sau: Nhà nước là tổ chức quyền lực công cộng đặc biệt, có đủ bộ máy chuyên để cưỡng chế và thực hiện các chức năng quản lý xã hội, phục vụ lợi ích và thực hiện mục đích của giai cấp thống trị vừa của cả xã hội.
Lâu nay, tội danh ở Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015, trong hồ sơ tố tụng thường có cụm diễn giải như sau: Các bài viết, chia sẻ, đăng tải, phát tán hình ảnh và bình luận các nội dung mang tính tiêu cực, xuyên tạc, chống đối trên mạng xã hội facebook đã làm ảnh hưởng đến vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những việc này làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị quốc gia, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của địa phương…
Phần tuyên án thường có kiểu mẫu câu: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm, trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước; gây ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo, quyền và lợi ích hợp pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài ra còn gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
Từ nhìn nhận thực tế kể trên, cho thấy có lẽ “quyền và lợi ích hợp pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam” mới là vấn đề chính trong lằn ranh giữa phản biện ôn hòa thuần ‘dân sự’, đã chuyển sang ‘hình sự hóa’ với các mức độ khác nhau, mà trong đó nhẹ nhất là Điều 331, thuộc nhóm “Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính”, Chương XXII, Bộ luật Hình sự 2015.
____________
Chú thích:
(1) https://www.phunuonline.com.vn/truong-chau-huu-danh-bi-bat-a1423955.html
(2) https://tuoitre.vn/bat-facebooker-truong-chau-huu-danh-20201217160849219.htm
(3) https://nld.com.vn/phap-luat/truong-chau-huu-danh-bi-bat-20201217162143832.htm
(4) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/cong-an-tp-can-tho-bat-ong-truong-chau-huu-danh-698220.html
(5) https://baolongan.vn/bat-kham-xet-noi-o-cua-truong-chau-huu-danh-a107066.html
#truongchauhuudanh
Leave a Comment