Quảng Cáo

Liệu đại hội XIII có thể khai mạc vào tháng Giêng 2021?

Quảng Cáo

Trung Điền – Việt Tân

Trung Ương Đảng CSVN khóa XII đã khai mạc hội nghị trung ương lần thứ 14 từ ngày 14 đến 20 tháng Mười Hai, 2020. Trọng tâm chính của hội nghị lần này là công bố danh sách tân trung ương đảng cho khóa XIII (2021-2026) mà hội nghị trung ương lần thứ 13 hôm đầu tháng Mười, 2020 đã bỏ phiếu chọn 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên trung ương dự khuyết.

Nếu hội nghị này chốt được danh sách tân trung ương cho đại hội XIII thì kế tiếp sẽ chọn tân bộ chính trị và thành phần tứ trụ (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội) cũng như thông qua nội dung những đề nghị góp ý tu sửa các văn kiện như báo cáo chính trị, dự thảo kế hoạch kinh tế – xã hội cho năm năm tới. Hai vấn đề gai gcc nhất của hội nghị 14 lần này là:

– Trung ương sẽ chọn ai ở lại trong 4 nhân vật đã quá tuổi hưu gồm ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thị Kim Ngân cho ghế tổng bí thư;

– Ai sẽ là thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội từ 6 nhân sự ở lại Bộ Chính Trị cho khóa XIII gồm: Phạm Bình Minh (1959), Phạm Minh Chính (1958), Vương Đình Huệ (1957), Tô Lâm (1957), Trương Thị Mai (1958), Võ Văn Thưởng (1970).

Trước hết là tân trung ương đảng khóa XIII (2021-2026)

So với việc chuẩn bị nhân sự trung ương đảng ở đại hội XI (2011) và đại hội XII (2016) thì phải nói là sự chuẩn bị đại hội XIII tiến triển khá chậm. Thông thường, vấn đề nhân sự là khâu chuẩn bị kéo dài khoảng 2 năm, đi qua nhiều thủ tục và khoảng hội nghị trung ương 13 là hoàn tất. Nhưng sở dĩ lần này tiến hành chậm vì ông Nguyễn Phú Trọng đã kiểm soát việc đề cử và tuyển chọn danh sách tân ứng viên trung ương đảng khóa XIII quá chặt với lý do là không cho “con lươn, con chạch” chen vào trong thành phần trung ương.

Trong hai năm qua (2018-2020), ông Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là trưởng ban nhân sự đại hội XIII, đã điều hướng việc chọn nhân sự qua ba giai đoạn.

GIAI ĐOẠN I: Quyết định tổng số tân trung ương đảng chính thức và tân trung ương đảng dự khuyết. Đại hội XI (2011) chọn 175 tân ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết, tổng cộng 200 người và khi thiết lập danh sách ứng viên phải có số dư là 14%. Tức là phải có 200 ứng viên trung ương đảng để chọn ra 175 ủy viên tân trung ương và 30 ứng viên dự khuyết để chọn ra 25 ủy viên tân trung ương dự khuyết. Đại hội XIII  chọn giống đại hội XII (2016) với tân ủy viên trung ương chính thức là 180 người và tân ủy viên trung ương dự khuyết là 20 người và quy định số dư là 21%. Nói cách khác ứng viên trung ương đảng cho đại hội XIII phải chọn là 226 người và ứng viên tân trung ương dự khuyết là 25 người.

GIAI ĐOẠN II: Dựa vào những con số ấn định nói trên, Tiểu Ban Nhân Sự và Bộ Chính Trị quyết định về tỷ lệ, tức quota để cho các cơ quan đề cử ứng viên. Có 9 cơ quan được đề cử theo số quota được phân bố cho đại hội XIII như sau: 1/ Các cơ quan trực thuộc Trung Ương Đảng (Văn phòng Trung Ương Đảng, Ban Dân Vận, Ban Đối Ngoại, Ban Tổ Chức, Ban Tuyên Giáo…) đề cử 14,4% số ứng viên; 2/ Các bí thư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề cử 39,4% ứng viên; 3/ Đảng bộ Quân Đội đề cử 10,6% ứng viên; 4/ Đảng bộ Công An Trung Ương đề cử 4,4% ứng viên; 5/ Các tổ chức quần chúng (Mặt Trận Tổ Quốc, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, Tổng Liên Đoàn Lao Động, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM) đề cử 4,4% ứng viên; 6/ Các cơ quan chính phủ (Văn phòng Chủ Tịch Nước, Văn phòng Thủ Tướng, các Bộ, Tổng công ty, Ngân hàng) đề cử 16,4% ứng viên; 7/ Các cơ quan Quốc Hội đề cử 7% ứng viên; 8/ Cơ quan truyền thông (Thông Tấn Xã, đài truyền hình, báo Nhân Dân, tạp chí Cộng Sản) đề cử 1,7% ứng viên; 9/ Các viện nghiên cứu (Đại Học Hà Nội, Sài Gòn, viện nghiên cứu) đề cử 1,7% ứng viên.

Nhìn vào con số quota, những đơn vị sau đây chiếm ưu thế trong Trung Ương Đảng: Các bí thư cấp tỉnh, thành phố là đông nhất (39,4%); kế đến là các cơ quan nhà nước, chính phủ chiếm 16,4%; các cơ quan trực thuộc Trung Ương Đảng chiếm 14,4%; các đại diện bên quân đội và cả Bộ Quốc Phòng chiếm 10,6%; Các cơ quan Quốc Hội chiếm 7%. Còn lại những bộ phận như công an, tổ chức quần chúng, truyền thông, giáo dục chiếm khoảng 12,2%.

GIAI ĐOẠN III: Các đảng bộ và cơ quan tổ chức các sinh hoạt theo 9 nhóm nói trên để giới thiệu ứng viên dựa trên số quota đã quy định. Theo ông Nguyễn Phú Trọng báo cáo trong hội nghị 13 vào tháng Mười vừa qua, đã có 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu 226 ứng viên gồm 119 ủy viên trung ương khoá XII (cả chính thức và dự khuyết) tái cử ban chấp hành trung ương khoá XIII; 107 người lần đầu tham gia ủy viên chính thức và 44 người tham gia ủy viên dự khuyết ban chấp hành trung ương khoá XIII.

Hội nghị trung ương 13 vào tháng Mười đã bỏ phiếu chọn 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết từ danh sách ứng viên nói trên. Nếu không có gì thay đổi về quota đã ấn định thì danh sách tân trung ương khóa XIII dự kiến:

– 26 ủy viên từ những cơ quan trực thuộc Trung Ương Đảng (Văn phòng Trung Ương Đảng, Ban Dân Vận, Ban Đối Ngoại, Ban Tổ Chức, Ban Tuyên Giáo…);

– 71 ủy viên là các bí thư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và một số phó bí thư các những đảng bộ thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…;

– 19 ủy viên đại diện binh chủng Hải Quân, Không Quân, một số quân khu, Bộ Tổng Tham Mưu và Bộ Quốc Phòng;

– 8 ủy viên trực thuộc Bộ Công An (bộ trưởng và các thứ trưởng);

– 8 ủy viên từ các tổ chức quần chúng như Mặt Trận Tổ Quốc, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, Tổng Liên Đoàn Lao Động, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM;

– 29 ủy viên từ Văn phòng Chủ Tịch Nước, Văn phòng Thủ Tướng, các Bộ, Tổng công ty, Ngân hàng;

– 13 ủy viên từ Văn phòng Quốc Hội;

-6 ủy viên từ các cơ quan truyền thông (báo Nhân Dân, Đài Truyền Hình Việt Nam, Hội Nhà Báo) và các viện nghiên cứu, đại học quốc gia.

Kế đến là chọn danh sách bộ chính trị

Cũng như giống việc ấn định số thành viên tân trung ương đảng khóa XIII, Tiểu Ban Nhân Sự và Bộ Chính Trị cũng phải ấn định số thành viên bộ chính trị khóa XIII là 19 người và những người này phải có trên quá bán số ủy viên trung ương bỏ phiếu.

Nếu những ủy viên nào chưa đủ túc số quá bán thì được bầu lại cho đến khi đạt quá bán thì mới được đưa vào danh sách tân bộ chính trị. Chính vì thế mà việc chọn thành viên bộ chính trị phải đi qua nhiều đợt bầu mới đủ túc số 19 và đôi khi chỉ đạt con số 17 hay 18 sau nhiều lần bầu. Ví dụ tại đại hội XII (2016) mặc dù số ủy viên bộ chính trị quy định là 19 người nhưng khi bầu ở đợt đầu chỉ có 15 người đạt số phiếu bầu quá bán. Phải bầu lại 3 lần nhưng cũng chỉ có thêm 3 người đạt số phiếu quá bán. Do đó số ủy viên bộ chính trị khóa XII chỉ có 18 người.

Người ta dự kiến rằng, danh sách tân ủy viên bộ chính trị khóa XIII (2021-2026) sẽ gồm 6 người tiếp tục ở lại từ khóa XII gồm :1/ Tô Lâm; 2/ Phạm Minh Chính; 3/ Vương Đình Huệ; 4/Phạm Bình Minh; 5/Trương Thị Mai; 6/Võ Văn Thưởng.

Những người mới được bầu vào gồm: 1/Nguyễn Văn Nên (Bí Thư Thành Ủy HCM); 2/Lương Cường (Ban Bí Thư – Chủ Nhiệm Tổng Cục Chính Trị); 3/Phạm Đình Trạc (Trưởng Ban Nội Chính); 4/Trần Cẩm Tú (Chủ Nhiệm Ủy Ban  Kiểm Tra Trung Ương); 5/Nguyễn Xuân Thắng (Ban Bí Thư); 6/Lê Thị Thu Nga (Chủ Nhiệm Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội); 7/Vũ Đức Đan (Phó Thủ Tướng); 8/Lê Minh Hưng (Chánh Văn Phòng Trung Ương Đảng); 9/Lê Quý Vương  (Thứ Trưởng Công An); 10/Nguyễn Thanh Bình (Phó Trưởng Ban Tổ Chức); 11/Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Ban Tuyên Giáo – Bộ Trưởng Bộ Thông Tin – Truyền Thông); 12/Mai Tiến Dũng (Chủ Nhiệm Văn phòng Chính Phủ).

Sau cùng là chọn Tứ trụ

Vì lý do sức khỏe, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ về hưu sau đại hội XIII. Hai nhân vật cho nhiều tiềm năng tranh nhau ghế tổng bí thư là ông Trần Quốc Vượng (do chính ông Trọng giới thiệu) và ông Nguyễn Xuân Phúc (có nhóm Nguyễn Tấn Dũng hỗ trợ).

Cho đến thời điểm hiện nay, sự chọn lựa giữa ông Phúc và ông Vượng lệ thuộc rất nhiều vào hướng đi chung của đảng CSVN trong 10 năm tới.

Ông Trần Quốc Vượng giống như ông Trọng là muốn củng cố quyền lực đảng và chú trọng vào nhu cầu xây dựng nội bộ là chính. Theo quan điểm của ông Trọng thì nội bộ đảng CSVN có giữ được kỷ cương và kiên định đường lối Mác – Lênin thì đảng mới có thể tồn tại.

Ngược lại, phe ông Nguyễn Xuân Phúc thì cho rằng đây là lúc Việt Nam phải mở rộng cửa, hội nhập vào nền kinh tế thế giới thì Việt Nam mới có hy vọng phát triển thành một quốc gia công nghiệp hiện đại.

Hiện có hai phương án cho nhân sự tứ trụ:

Phương án một: Nguyễn Xuân Phúc (tổng bí thư), Tô Lâm (chủ tịch nước), Vương Đình Huệ (thủ tướng), Trương Thị Mai (chủ tịch quốc hội), Phạm Minh Chính (thường trực ban bí thư);

Phương án hai: Trần Quốc Vượng (tổng bí thư), Phạm Bình Minh (chủ tịch nước), Vương Đình Huệ (thủ tướng); Trương Thị Mai (chủ tịch quốc hội), Tô Lâm (thường trực ban bí thư).

Sự khác biệt quan điểm giữa hai khuynh hướng chọn lựa  vai trò của người tổng bí thư cho 5 năm tới đã khiến cho việc chuẩn bị nhân sự của đại hội XIII tốn khá nhiều thời gian. Nếu trong hội nghị 14 này, Trung Ương Đảng không chốt được nhân sự tứ trụ thì đại hội XIII khó có thể khai mạc vào tuần lễ thứ ba của tháng Giêng, 2021.

Trung Điền

#daihoí13

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux