Ngày 9/12, trả lời chất vấn cử tri về các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh rà soát các doanh nghiệp gặp khó khăn để tháo gỡ, từ tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Phong cũng cho biết thêm rằng trước đó, chính quyền thành phố đã thực hiện gói hỗ trợ một lần cho các doanh nghiệp. Trong đó, đã hỗ trợ 100% các doanh nghiệp với số tiền 611 tỉ đồng, xử lý gia hạn 8.800 tỉ đồng tiền thuế, 218 tỉ đồng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất cho các hộ kinh doanh…
Dù lãnh đạo thành phố tuyên bố rằng 100% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã được nhận hỗ trợ, những chủ doanh nghiệp mà Đài Á châu Tự do phỏng vấn trong bài viết này xác nhận rằng từ khi dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, họ không hề hưởng được một đồng nào hỗ trợ từ chính quyền.
Ông T (muốn giấu tên vì lí do an toàn), là chủ một doanh nghiệp chuyên thi công, lắp ráp hệ thống điện cho các công trình, hãng xưởng lớn, nói với RFA rằng doanh nghiệp của ông chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch COVID-19:
“Ảnh hưởng thứ nhất là việc mình không có để làm. Liên quan đến yếu tố nước ngoài thì lại càng không có. Bởi vì người nước ngoài không qua đây được, cho nên mình không làm được. Chẳng ai hỗ trợ cho mình.
Còn trong nước thì gần như là đóng băng. Đại khái là tỷ lệ công việc mọi năm ví dụ 100% thì năm nay chỉ còn khoảng 30% đổ lại. Có doanh nghiệp không có việc luôn.”
Từ tháng 1 năm nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị quyết về gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, bao gồm cả các doanh nghiệp.
Tuy vậy, doanh nghiệp của ông T vẫn không nhận được sự hỗ trợ. Thậm chí, ông này còn nghi ngờ gói 62.000 tỷ chỉ là cái cớ để quan chức chia chác với nhau mà thôi:
“Lúc đó cũng có thông báo là làm gói 62.000 tỷ, nhưng mà cái gói 62.000 tỷ này thì các doanh nghiệp chưa ai nhận được một đồng xu nào cả. Nghe đâu trong giới doanh nghiệp tư nhân bạn tôi cũng không ai nhận được một đồng nào.
Nếu muốn nhận được thì phải làm một bộ hồ sơ gửi lên sở thuế và đợi nó giải quyết, nhưng nó im ru. Cũng có nhiều bạn của tôi làm rồi để đó cho vui thôi, để xem tiến trình thực hiện như thế nào thôi, chứ còn chả bao giờ tới tay của doanh nghiệp được đâu.
Tôi có nghe phong phanh đại khái là cũng có những doanh nghiệp nhà nước được nhận, dạng như là công ty con của nhà nước, có dây mơ rễ má thôi.
Tôi nghĩ là nó đề xuất ra cái gói đó 62.000 tỷ chẳng qua là để tụi nó chia chác với nhau thôi. Bản thân người dân với doanh nghiệp làm gì có cái gì. Chắc chắn là không có cái gì rồi.”
Bà M, (cũng muốn giấu tên vì lí do an toàn) cho biết tình cảnh kinh doanh trong mùa dịch cũng rất khó khăn, giảm đến 50% doanh thu:
“Mình đang hoạt động ảnh bên lĩnh vực mua bán phân bón. Năm nay ảnh hưởng cũng nhiều. Năm nay thời tiết cũng không thuận nên là họ mất mùa.
Cái thứ hai là bây giờ không thể xuất đi được. Sản xuất ra không xuất đi được thì họ không có tiền trả ngân hàng thì tiền đâu mà họ trả cho mình tiền vật tư, phân bón, cây giống… Có thể là tôi cho họ nợ 6 tháng luôn nhưng họ vẫn không có tiền trả và lượng tiêu thụ giảm bớt xuống.
Nói chung là ảnh hưởng rất là nhiều, doanh thu giảm đến 50%.”
Vì tình hình khó khăn, chị M phải cắt giảm bớt nhân sự của công ty hoặc là buộc phải giải quyết cho nhân viên theo chế độ “nghỉ chờ việc”. Dù vậy bà vẫn không được hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ của chính phủ vì không đủ điều kiện:
“Gói 62.000 tỷ bên chị không hưởng được. Lý do là vì có rất nhiều điều kiện, các điều kiện “cần và đủ” kèm theo thì mới đủ điều kiện để vay tiền trong gói 62.000 đó. Nhưng mà mình không đạt được một số chỉ tiêu cho nên mình không có hưởng được chính sách đó.”
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào ngày 8/12 cho biết, hiện có tới 80% số doanh nghiệp được khảo sát xác nhận chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của chính phủ dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tỷ lệ số doanh nghiệp không biết thông tin về được hỗ trợ cũng khá cao.
Không còn mong chờ được Chính phủ hỗ trợ
Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong cho biết sắp tới, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai gói hỗ trợ thứ 2 với kinh phí dự tính là hơn 4.000 tỷ đồng.
Theo đó, TP.HCM sẽ hỗ trợ vay tín dụng với mức lãi suất 0% cho các doanh nghiệp khó khăn tại các nhóm ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, ngành công nghiệp như dệt may, giày da, trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực thực phẩm và doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm lớn. Đồng thời sẽ cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi phí.
Ông T, nói mình đã không còn tin hay kỳ vọng gì ở các gói hỗ trợ của chính phủ. Trong mùa dịch bệnh, chỉ có người dân là tự cứu nhau thôi:
“Chắc chắn là sẽ không được giảm thuế, chỉ được trả chậm. Nhưng mình phải làm đơn gửi lên để xin trả chậm. Hình như là chỉ được trong vòng 6 tháng là cũng phải đóng lại rồi. Chỉ vậy thôi chứ không được giảm đồng thuế nào đâu, đừng có hy vọng.
Tôi thì không có hi vọng gì hết. Lúc trước, ngoài cái gói 62.000 tỷ, đã có nói tới một gói tiếp tục là khoảng 90.000 tỷ nữa rồi.
Bản thân người dân thì chỉ nghĩ rằng “chắc mấy thằng cha đó chia chưa đủ giờ muốn chia thêm nữa thôi”, chứ họ không có hi vọng gì nhiều đâu.
Trong mùa dịch này là người dân tự cứu người dân thôi, chẳng có nhà nước nào mà lo cho dân đâu. Chẳng qua lâu lâu làm màu một cái làm chụp hình cho vui thôi.”
Bà M, hy vọng nếu có gói hỗ trợ lần thứ hai, lãnh đạo nên xem xét giảm bớt các điều kiện, thủ tục để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được:
“Về cái gói 4.000 tỷ thì tôi sẽ nhờ bên bộ phận công ty coi lại để xem mình có đạt được hay không. Còn trước mắt thì bên mình đang ráng thúc đẩy để được hỗ trợ.
Ai cũng muốn mở rộng ra, tháo dỡ bớt những điều kiện. Nói chung bây giờ ai cũng đang khát vốn. Các cơ sở tư nhân cũng đang khát vốn, nếu bây giờ họ đổi chính sách thì các doanh nghiệp cũng đỡ hơn.”
Lao động phổ thông mất việc tăng nhanh, cần được hỗ trợ
Là người kinh doanh lâu năm, Ông T dự đoán số người thất nghiệp sẽ tăng nhanh do nhiều doanh nghiệp phá sản, nhưng thực tế diễn ra tệ hơn ông nghĩ nhiều:
“Mình hình dung ra sắp tới đây sẽ có một lượng công nhân thất nghiệp rất đông, thì đúng là như vậy. Khoảng tháng 6 tháng 7, tôi bắt đầu tuyển thêm nhân lực. Tôi không ngờ rằng mọi năm mình đăng một bài tuyển dụng thì chắc giỏi lắm là 20 lượt xem và 3, 4 bộ hồ sơ.
Năm nay, tôi cũng đăng một bài như vậy thì có tới 2.000 lượt đọc mà hồ sơ nộp cho tôi là một trăm mấy chục bộ. Tôi hết hồn luôn. Tức là nó rất nhiều, gấp đến mười mấy lần.”
Theo bà M, năm nay, người lao động không chỉ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà còn phải chịu thiên tai, bão lũ dồn dập. Do vậy, không chỉ có doanh nghiệp, lực lượng lao động phổ thông cũng cần được hỗ trợ vượt qua khó khăn:
“Một số xí nghiệp may xuất khẩu hoặc giày da đã giảm biên chế rất là nhiều. Rồi cái lượng nhân sự đó họ về quê để canh tác nhưng lại không bán được.
Nếu như họ làm nghề đánh bắt thủy hải sản thì vừa rồi nước mình bão lũ liên tục thì cũng đâu có làm gì được.”
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tính đến tháng 11/2020, số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường đã lên tới 44.000, tăng đến 60 % so với cùng kỳ năm 2019. Trung bình mỗi tháng, Việt Nam có trên 5.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Đây là con số lớn nhất từ trước tới nay và kéo theo nhiều hệ luỵ./.
#coronavirus #góihỗtrợ #doanhnghiệpVN
Leave a Comment