Thới Bình – (VNTB) – Điều 117, Bộ luật hình sự chưa xác định đầy đủ khách thể trực tiếp của tội phạm?
Ông Trần Văn Hậu, giảng viên khoa Luật – Học viện An ninh, đã phân tích về điều luật số 117 của Bộ luật hình sự hiện hành, qua đó cho rằng nếu như ai đó có hành vi “ngờ vực”, thậm chí cả ra mặt “chống đối” Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện qua những bài viết đăng báo, thì pháp luật hình sự của Việt Nam trên thực tế vẫn chưa có điều luật nào điều chỉnh.
Theo giảng viên Trần Văn Hậu, thì trong quá trình nghiên cứu về việc thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng phạm tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, ông nhận thấy ngoài việc thực hiện các hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây chiến tranh tâm lý nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thì các đối tượng này còn thực hiện các hành vi trên nhằm chống Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Để thực hiện được ý đồ trên các đối tượng đã tiến hành tuyên truyền, phát tán các luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, “bóp méo”, “pha loãng” thông tin hướng lái quần chúng xem xét lại lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, bôi nhọ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước với mong muốn tác động xấu đến tư tưởng làm giảm sút ý chí, niềm tin của quần chúng nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Chính vì vậy, việc cấu thành tội phạm này nhưng không mô tả Đảng cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp được bảo vệ của điều luật đã tạo nên khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm trong thực tiễn.
Vì vậy, Bộ luật hình sự hiện hành cần quy định Đảng cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là một điều hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được quy định tại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 2013.
Đồng thời đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của điều luật nhằm không bỏ lọt tội phạm, không tạo sơ hở cho các thế lực thù địch và bọn phản động ở nước ngoài có cơ hội lợi dụng thực hiện các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội” – giảng viên Trần Văn Hậu, nhận định.
Một tình tiết đáng lưu ý nữa, vẫn theo góc nhìn của giảng viên Trần Văn Hậu, đó là về quy định cấu thành tội phạm tăng nặng của tội phạm, đó là tại khoản 2 Điều 117 Bộ luật hình sự hiện hành, quy định “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm” – nhà báo Phạm Chí Dũng đang bị cáo buộc về trường hợp gọi là “đặc biệt nghiêm trọng” này.
Về mặt lý luận, khoản 2 của điều luật kể trên được xác định là cấu thành tội phạm tăng nặng, với các hành vi phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trên thực tế lại chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết về việc áp dụng xử lý tội phạm “trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” đối với tội phạm này.
Trong một số tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, các nhà làm luật đã có những kỹ thuật lập pháp để mô tả một cách cụ thể các cấu thành tội phạm tăng nặng, hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ của tội phạm.
Chẳng hạn trong một số tội như: Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108), Tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116)… các nhà làm luật không quy định là “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”, mà quy định là “phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ”, hoặc “phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng”.
Như vậy, tình tiết giảm nhẹ hay tình tiết tăng nặng ở đây có thể dẫn chiếu theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành tại Điều 51 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tội phạm, và Điều 52 về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội phạm, và rõ ràng đây là căn cứ quan trọng để áp dụng giải quyết trong các trường hợp cụ thể.
Hoặc trong một số tội phạm khác như: Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 108), Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111), Tội bạo loạn (Điều 112), thì khung hình phạt tăng nặng của các điều luật được xác định dựa vào các dấu hiệu như: người tổ chức, người hoạt động đắc lực, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ các phân tích pháp lý như trên cho thấy nguyên tắc xử lý và phân hoá trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong đấu tranh, xử lý tội phạm của pháp luật hình sự Việt Nam, liên quan về các hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý”, là chưa đầy đủ về khách thể trực tiếp.
Và một khi Điều 117, Bộ luật hình sự chưa xác định đầy đủ khách thể trực tiếp của tội phạm, thì việc cáo buộc liên quan tội danh này đối với một số hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, liệu có thuyết phục?
#dieu117
Leave a Comment