Ngày 2.12 tôi đến viếng đám tang nhà báo Trần Quang Thành. Ông qua đời ngày 19.11.2020 tại Bệnh viện ở thành phố Leeds, UK vì bị nhiễm COVID-19 cộng thêm các bệnh lý nền lâu nay như tiểu đường, suy thận…
(Đọc thêm: Một vài thông tin về tiểu sử của nhà báo Trần Quang Thành: “Nhà báo Trần Quang Thành qua đời”, Đàn Chim Việt online.
Về lý do tại sao ông bị tạt acid và tâm sự của ông về nghề báo ở VN: “Ngày Báo chí VN: Gặp lại ký giả chống tham nhũng bị tạt acid hơn 20 năm trước”, VOA…)
Vì muốn làm một nhà báo trung thực,“một nhà báo của dân, do dân và vì dân chứ không phải của đảng, do đảng và vì đảng” như tâm sự của ông khi trả lời phỏng vấn đài VOA, nhà báo Trần Quang Thành đã phải trả giá đắt, bị tạt acid đến hủy hoại cả khuôn mặt và một phần sức khỏe, phải rời nước lưu vong, sống đạm bạc cho đến cuối đời. Nhưng ông vẫn tiếp tục viết, tiếp tục dùng ngòi bút đấu tranh cho đến khi không còn sức khỏe để viết nữa. Trong khi nếu chịu uốn cong ngòi bút, ông thừa sức có một cuộc sống sung túc, có “danh phận” do đảng ban cho.
Lại nghĩ đến những người khác, những cái tin không vui khác, gần đây.
Nhà văn Phạm Thành tức blogger Bà Đầm Xòe, tác giả những cuốn “Hậu Chí Phèo”, “Nền Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN Xuống hố cả lũ”, “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo”, bị bắt tháng 5.2020, đã bị nhà cầm quyền VN chuyển qua Viện pháp y Tâm thần Trung ương kể từ ngày 25.11. Theo lời người nhà cũng như một số bạn bè, nhà báo từng tiếp xúc với nhà văn Phạm Thành thì ông hoàn toàn minh mẫn, không có vấn đề gì về tâm thần.
Đây không phải là lần đầu tiên người bất đồng chính kiến ở VN bị tống vào bệnh viện Tâm thần. (Đọc thêm: “Thêm người bất đồng chính kiến tại Việt Nam bị thành bệnh nhân tâm thần”, RFA). Một trong những trường hợp rất đáng quan ngại khác là blogger/dịch giả/nhà báo độc lập Lê Anh Hùng, thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ và Hội Nhà báo độc lập. đồng thời là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA, bị bắt tháng 5.2018, sau đó bị đưa vào BV Tâm thần từ tháng 4.2019. Ai đã từng đọc những bài báo của Lê Anh Hùng thì biết đầu óc anh minh mẫn, sắc sảo như thế nào.
Việc đưa người bất đồng chính kiến vào BV Tâm thần, cưỡng bức uống thuốc điều trị là một trò hết sức thâm độc của nhà cầm quyền VN, nhằm hủy hoại đầu óc, sức khỏe của họ.
Qua hai trường hợp nhà văn Phạm Thành hay nhà báo Lê Anh Hùng thì có vẻ như những người nào tố cáo, chỉ trích đích danh một vài nhân vật quan chức, lãnh đạo CS nào đó thiì bị họ chơi cái trò trả thù này. Với nhà văn Phạm Thành là ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với nhà báo Lê Anh Hùng là Nông Đức Mạnh, Cựu Tổng Bí thư Đảng CSVN từ 2001-2011, Hoàng Trung Hải, Cựu Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam (2007-2016), và hàng loạt các quan chức cao cấp của chính quyền.
Đã có nhiều người lên tiếng kêu gọi vận động đưa Lê Anh Hùng ra khỏi bệnh viện tâm thần, nhưng rồi mọi chuyện lại rơi vào sự im lặng. Trường hợp nhà báo Lê Anh Hùng càng đáng lo vì anh bị đưa vào BV Tâm thần khá lâu, hoàn cảnh riêng lại nhiều nỗi buồn, gia đình tan nát, chỉ có mỗi bà mẹ già lâu lâu cố gắng đến thăm con, tình trạng đó kéo dài cộng với việc bị cưỡng bức điều trị rất dễ có nguy cơ bị tâm thần thật sự.
Kỹ sư, doanh nhân, tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt 5.2009, bị kết án 16 năm tù và đã trải qua 11 năm tù, đang tuyệt thực. Ngày 30.11 khi gia đình đến thăm thì anh đã tuyệt thực được 7 ngày, sức khỏe yếu, với tính cách can trường, ý chí mạnh mẽ của Trần Huỳnh Duy Thức anh sẽ quyết tâm tuyệt thực đến cùng. Anh còn căn dặn gia đình phải tính đến trường hợp xấu nhất và nhờ gia đình gửi lời nhắn nhủ đến mọi người “hãy tận dụng sự ra đi của tôi để đẩy cuộc đấu tranh này đến cuối cùng”.
Gia đình đang rất lo lắng cho sức khỏe của anh. Đây không phải là lần đầu tiên anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, nhưng theo người thân cũng như bạn bè gần xa, thời điểm này phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ ở VN đã xuống rất thấp, một phần do sự chia rẽ gay gắt giữa người Việt trong ngoài nước vì tình hình chính trị Mỹ trong thời gian qua, phần khác Hoa Kỳ và thế giới đều đang phải đối phó với đại dịch COVID-19 và những vấn đề khác nên khó mà lên tiếng mạnh trước hồ sơ nhân quyền của VN nói chung và về một tù nhân chính trị nói riêng. (Đọc thêm: “Lần tuyệt thực này của Trần Huỳnh Duy Thức xấu hơn những lần trước” (đài SBS)
Có lẽ bị giam lâu trong tù, bị thiếu thông tin, anh Trần Huỳnh Duy Thức không biết được tình hình đó và vẫn hy vọng vào phong trào đầu tranh dân chủ của VN?
Và còn bao nhiêu người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động dân chủ khác đang ở trong tù, từ những người chưa bị đưa ra xét xử, trong đó có 3 thành viên Hội Nhà báo Độc lập VN như nhà báo, tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng bị bắt vào tháng 11.2019, nhà báo Nguyễn Tường Thụy bị bắt vào tháng 5.2020, Lê Hữu Minh Tuấn bị bắt vào tháng 6.2020, nhà báo Phạm Đoan Trang, một trong những người thành lập trang web Luật khoa tạp chí và đã từng xuất bản một số sách về chính trị, bị bắt vào tháng 10.2020, cựu tù nhân lương tâm, nhà thơ bất đồng chính kiến, tác giả hồi ký “Hố chôn người ám ảnh” Trần Đức Thạch bị bắt lần thứ hai vào tháng 4.2020…Cho tới những người đã bị kết án trong đó có nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị bắt 7.2017, và bị kết án 20 năm tù, mức án cao nhất cho đến nay dành cho một người bất đồng chính kiến hay hoạt động dân sự, mục sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt 7.2017 và bị kết án 12 năm tù, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất bị bắt 1.2019, bị kết án 10 năm tù, các nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Viết Dũng, Phan Kim Khánh, Nguyễn Thanh Tùng v.v…
Trong bài báo vào tháng 11.2019 “Free Vietnam’s Political Prisoners!” (Hãy trả tự do cho tù nhân chính trị ở VN”của tổ chức Human Rights Watch, cho biết:
Ở Việt Nam, hiện có hơn 100 tù nhân chính trị bị giam giữ chỉ vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình. Các blogger và nhà hoạt động nhân quyền hàng ngày phải đối mặt với nạn sách nhiễu, đe dọa, theo dõi và thẩm vấn của công an. Trong một chế độ độc đảng công an trị không chấp nhận bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động bị tạm giam trong thời gian dài mà không được tiếp xúc với luật sư hay gia đình. .
Còn theo “Số liệu thống kê mới nhất của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền: Việt Nam đang giam giữ 276 tù nhân lương tâm”, (Defend the Defender- DTD), tháng 7.2020.
Trong năm 2020, Tổ chức Phóng viên Không biên giới, Reporters Sans Frontiers (RSF), xếp VN đứng thứ hạng 175 trên 180 quốc gia toàn thế giới về Chỉ Số Tự Do Báo Chí, tăng một bậc so với năm 2019 là 176, nhưng vẫn luôn luôn nằm gần chót bảng trong nhiều năm. Hiện Việt Nam chỉ đứng trên hai nước cộng sản khác là Trung Quốc và Bắc Hàn; nhưng xếp dưới Lào và Cuba.
RSF đánh giá Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có số tù nhân là nhà báo và bloggers cao nhất tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. VN còn bị tổ chức này xếp vào danh sách 20 nước bị coi như kẻ thù của tự do báo chí trên mạng năm 2020.
Nghĩ đến sự hy sinh của mọi người mà buồn đến xót xa.
Bao nhiêu năm qua số người can đảm lên tiếng vì sự thật, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho VN vẫn quá nhỏ nhoi trên tổng số 95, 96 triệu người Việt trong nước.
Đã ít, phong trào đấu tranh dân chủ VN lại còn không sao lớn mạnh nổi vì những thủ đoạn tàn bạo, tinh vi, thâm độc của một nhà cầm quyền độc tài đã có quá đủ kinh nghiệm đối phó, từ đàn áp, bắt bớ, kết án tù dài hạn, tống vào bệnh viện tâm thần…cho tới tìm cách bôi nhọ, vu khống làm giảm uy tín người đấu tranh, gây chia rẽ trong ngoài nước…
Một ví dụ điển hình là nhân sự chia rẽ trong người Việt trong cũng như ngoài nước trước tình hình chính trị Mỹ, có rất nhiều tin giả, tin vịt (fake news) đã được tung ra tràn lan, mà khá nhiều trong số đó có địa chỉ máy chủ là nằm ở VN. Khiến người ta phải đặt câu hỏi có hay không có bàn tay của nhà cầm quyền VN đứng phía sau, nhằm lôi kéo sự quan tâm của người Việt vào chính trị Mỹ mà quên đi bao nhiêu vấn đề nghiêm trọng khác ở VN, đồng thời làm giảm niềm tin của người Việt vào hệ thống chính trị, luật pháp, bầu cử Mỹ, tạo nên một bức tranh nước Mỹ cũng xô bồ, bạo lực, gian lận bầu cử không hơn gì các quốc gia độc tài vv…
Nhưng điều đáng nói nhất vẫn là do chính người Việt chúng ta đã không tỉnh táo, để cho cảm tính, niềm hy vọng cá nhân lấn át khi quan sát, nhận định tình hình chính trị quốc tế nói chung hay nước Mỹ nói riêng, dễ dàng bị cuốn đi bởi tin giả, tin vịt mà không chịu fact-check, đã không có tinh thần dân chủ trong đối thoại với nhau, và trên hết, đã không thực sự đặt vấn đề gì mới thực là cấp bách, ưu tiên đối với VN, người VN: đó là số phận của đất nước, dân tộc hay chuyện chính trường Mỹ, phương pháp đấu tranh là như thế nào, làm thế nào để giữ được sự đoàn kết, lửa đấu tranh…
Và khi phong trào đấu tranh còn quá yếu, khi người Việt đa số còn im lặng thờ ơ vì nhiều lý do thì những người dám lên tiếng sẽ bị trả giá vô cùng đắt./.
Leave a Comment