Thục Quyên dịch
Dân Biểu Đức Renate Künast ủng hộ nhà báo Việt Nam Phạm Chí Dũng
Bà Renate Künast, dân biểu Quốc hội Liên Bang Đức, thuộc Liên minh 90/ Đảng Xanh, coi mình có bổn phận phải can thiệp khi các Quyền Cơ bản bị vi phạm tại một quốc gia như Việt Nam, nơi Đức có quan hệ hữu nghị và sâu rộng.
Với tư cách là Chủ tịch Nhóm Dân biểu về Quan hệ với Khối ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) tại Quốc hội Đức, bà Künast theo dõi tình hình chính trị và xã hội của các nước trong khu vực, đặc biệt là mức độ tự do ngôn luận và tự do báo chí tại Việt Nam.
Kể từ tháng 8 năm 2020, DB Künast đã vận động cho nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền đang bị giam giữ là TS Phạm Chí Dũng.
DB Künast giải thích: “Chương trình ‘Dân biểu bảo vệ Dân biểu’của Quốc hội Đức cung cấp một khuôn khổ tuyệt vời để giúp các nhà hoạt động nhân quyền. Tôi rất vui vì ông Phạm Chí Dũng đã được nhận vào chương trình theo đề nghị của tôi và tôi hân hạnh được bảo trợ cho ông”.
Hơn 100 dân biểu Đức đang ủng hộ các dân biểu và các nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới, những người đang bị ngăn cấm thực thi nhiệm vụ hoặc hoạt động nghề nghiệp của họ, cũng như những người đang bị đàn áp hoặc bỏ tù vì lý do chính trị.
Không hy sinh Nhân quyền cho Thương mại
Việt Nam và Liên minh châu Âu đang nỗ lực hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn. Một hiệp định thương mại tự do vừa bắt đầu có hiệu lực vào tháng Tám. “Không bỏ quên và không hy sinh Nhân quyền cho Thương mại” DB Künast cảnh báo.
Những quyền cơ bản này đang không theo chiều hướng tốt ở Việt Nam, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và báo chí. Trong khuôn khổ Hiệp định thương mại, nhiều điểm đã được đề nghị giải quyết nhưng chủ yếu chỉ là việc tuân thủ các quyền của người lao động trong lĩnh vực dệt may.
Chính trị gia thuộc Đảng Xanh nói: “Đúng vậy. Việt Nam không thể có đặc quyền tiếp cận thị trường nội địa Âu châu và chúng ta, tại Âu châu, lại mặc quần áo ‘made in Việt Nam’ được sản xuất nơi đó, trong những điều kiện vi phạm cả những quyền cơ bản lẫn những tiêu chuẩn của chúng ta. Chúng ta không được phép đơn giản đưa tay bịt mắt”
Quyền tự do ngôn luận không thể bị phân chia
Nhưng nhân quyền không thể chỉ được xem là quan trọng đối với các cơ sở sản xuất của ngành dệt may, DB Künast nói. Bà đòi hỏi nhân quyền phải luôn được nhìn như là một tổng thể. “Quyền tự do ngôn luận không thể bị phân chia. Người ta không thể nói rằng các công nhân thì có quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là khi họ tự tổ chức thành các nghiệp đoàn, còn các nhà báo thì lại không có quyền này khi viết bài phê phán tình hình trong nước”.
Là dân biểu của một quốc gia thành viên của Liên minh Âu châu hiện đang tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế với Việt Nam, bà càng không muốn tách rời các khía cạnh khác nhau của quyền cơ bản này. “Trong bối cảnh này, vai trò của tôi là nói cho rõ rằng: một nền báo chí độc lập và không bị nhà nước chi phối, những người làm báo tự do và quyền tự do ngôn luận cho mọi người cũng đều thuộc về quyền tự do ngôn luận“.
Phải luôn luôn theo dõi tình hình nhân quyền
Tình hình tại Việt Nam rất nghiêm trọng. Những người chỉ trích chính phủ bị bắt bớ, đe dọa, bỏ tù, gia đình họ bị sách nhiễu, họ không được trợ giúp pháp lý và các điều kiện giam giữ họ trái với những tiêu chuẩn quốc tế.
Trong bảng xếp hạng tự do báo chí trên toàn thế giới của tổ chức “Phóng viên không biên giới”, Việt Nam đứng thứ 175 (trên 180 nước). Phạm Chí Dũng đang phải trải nghiệm hoàn cảnh này, và cùng với ông ta là nhiều thành viên khác của ngành truyền thông và văn hóa. Nhà báo tự do và nhà hoạt động nhân quyền Phạm Chí Dũng là Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam (IJAVN).
Phạm Chí Dũng bị bắt cách đây một năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội chủ nghĩa”. Người đàn ông 54 tuổi đã bị giam giữ kể từ đó.
DB Künast kể lại, cách đây vài ngày, bà được tổ chức nhân quyền Veto! báo tin đã có bản cáo trạng, và nhà báo Phạm chí Dũng thật sự bị cáo buộc theo Điều 117, Khoản 2 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
“Chỉ trích một nhà nước” luôn luôn nhanh chóng và dễ dàng bị cho là “tuyên truyền chống” và là một cách “buộc tội rẻ tiền” của chính phủ và các cơ quan chức năng nhằm “loại những người chỉ trích ra khỏi vòng chiến”.
Bà nói: “Chuyện một người Việt bị bắt cóc từ Đức đem về Việt Nam để giam cầm đã từng xảy ra. Đây là những điều mà chúng ta không thể dung thứ. Chúng ta phải luôn luôn theo dõi tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Đơn giản vì ở đó không có sự thực thi các nhân quyền và dân quyền cơ bản”.
#PhạmChíDũng #dânbiểuĐứcRenatekünast
Nguồn: Báo Tiếng Dân
Leave a Comment