Phạm Minh Hoàng – Việt Tân
Tôi gặp Lượng lần đầu tiên vào một buổi trưa hè của năm 2015. Sau một quãng đường dài từ Yên Thành đến thành phố Vinh, tôi ngồi đợi Lượng ở quán nước. Tích tụ kinh nghiệm “trốn tìm” với an ninh, tôi đã quá quen với những lần gặp gỡ anh em đấu tranh suốt 3 miền đất nước. Thường thì ở những lần gặp gỡ ấy, tôi đóng vai “chim mồi,” nghĩa là người đến điểm hẹn, còn bạn bè địa phương thì cho dù đã có mặt trước từ rất sớm nhưng anh em đi rảo chung quanh xem có “cái đuôi” nào đi theo chim mồi hay không.
Lần gặp gỡ này cũng vậy, ngồi uống nước mà tôi có cảm tưởng nong nóng sau gáy. Xem phim trinh thám họ nói rằng lúc ấy có những cặp mắt đang ngầm theo dõi mình. Tôi mong sao cho đó là cặp mắt của Lượng chứ không phải của an ninh, vì nếu là họ thì hai giả thuyết sẽ xảy ra: Nhẹ thì họ lôi ra ga tống về Sàigòn, còn nặng hơn thì có thể bị giữ vài tiếng để thẩm vấn.
May quá, gáy tôi nóng lên vì cặp mắt của Lượng. Em tới sát bên tôi mới biết:
– Sao lâu thế. Anh đợi nửa tiếng rồi.
– Em biết. Từ nãy giờ em quan sát anh. Lượng chỉ sang ngã tư bên kia đường. Dưới gốc cây có một chiếc xe gắn máy và một thanh niên đợi sẵn.
– À! thằng em út. Nó đi cùng với em.
Lượng chở tôi đi theo thằng em út. Đường ở Vinh rộng rãi và vắng vẻ chứ không như Sàigòn. Ờ chỉ quẹo 2 cái là “đứt đuôi,” còn ở đây thì coi bộ khó. Lượng đưa tôi đến một ngôi nhà nằm trong một con đường yên tĩnh.
– Đây là nhà của anh em mình. Mọi người đang làm bếp đợi anh.
Chữ “anh em mình” (AEM) đã theo đuổi tôi ngay từ những ngày còn sống và hoạt động ở Paris. Cụm từ AEM chỉ cho những anh em chiến hữu cùng chí hướng. Ở Paris nghe AEM rất thường, nhưng ở những địa danh trên quê hương, cho dù ở Sàigòn, Trà Vinh, Đà Lạt, Huế, Hà Nội, hay ngày hôm nay ở Vinh thì chữ AEM mang một tình cảm thắm thiết.
Xuống chào AEM dưới bếp, tôi trợn tròn con mắt ra khi thấy món “truyền thống” đang đợi tôi… Tôi biết anh em quý lắm mới tiếp đãi món địa phương.
Hỏi thăm về sinh hoạt của anh em địa phương, Lượng đã làm cho tôi trợn tròn con mắt lần thứ hai khi nghe em “báo cáo” về vài nét chính. Tôi đã từng lặn lội và sống hàng tháng trong các giáo xứ thuộc giáo phận Vinh để đánh giá được cái khó khăn của người dân địa phương. Nói đến miền Trung là phải nói đến cái nóng của gió Lào. Mẹ ơi! Nó nóng tưởng chín cả da lẫn thịt. Tôi đứng giữa một nhà thờ, nhìn ngang nhìn ngửa không một bóng người. Có lẽ mọi người đang ngoài đồng. Mùi bọ xít xông lên tưởng ngạt thở. Vậy mà trong cái khó khăn của đời sống nhà nông, Lượng đã cố gắng kiên nhẫn từng bước từng bước đến với họ để rồi em đã trở nên khuôn mặt tin tưởng của bà con giáo dân. Nghe đến đấy sự cảm phục của tôi bỗng trở nên lo lắng. Một người có ảnh hưởng trong quần chúng chắc chắn là một cái gai trong mắt nhà cầm quyền cộng sản.
– Em không sợ nguy hiểm à?
Thường khi hỏi câu này, đối tượng được hỏi thường phá lên cười và trả lời bằng những điều vô cùng khí phách. Nhưng ở Lượng thì khác. Lượng yên lặng nhìn ra sân một hồi rồi trả lời sang bên cạnh câu hỏi:
– Có lũ nhỏ này thay thế em mà.
Bây giờ tôi lại cảm thấy lạnh gáy. Tôi cảm tưởng như Lượng vừa đọc cho tôi lời di chúc vì câu trả lời gián tiếp này khiến cho tôi có cảm giác là Lượng cũng ý thức được hiểm nguy nhưng em vẫn tiếp tục chọn lựa chông gai.
Và cái ngày chông gai đó đến 3 tháng sau đó, ngày 27/8/2015. Hôm ấy, sau khi đi thăm em Trần Minh Nhật ở Lâm Đồng về. “Côn đồ” vây đánh hai xe các anh em bằng hữu. Xe của tôi có Thúy Nga, Chu Mạnh Sơn, Trương Minh Tam và Nguyễn Văn Oai. Lúc mọi người thoát được về đến Đà Lạt thì cũng nghe tin xe bên Lượng cũng bị bầm vập. Lượng được mọi người dìu trở vào nhà của Nhật, mặt mũi thâm tím, áo quần thì đầy máu. “Côn đồ” gồm những tên đánh mướn chuyên nghiệp và bao nhiêu căm hờn đã dồn lên Lượng.
Và cái ngày chông gai đó lại xảy ra lần nữa vào ngày 24/7/2017 khi em bị bắt trên đường đi thăm Oai. Ngày 16/8/2018, tòa án tỉnh Nghệ An tuyên án Lượng 20 năm tù giam, 5 năm quản chế, mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Rồi đến hôm nay 18/10/2018, cho dù không trông mong gì nhưng khi nghe tòa phúc thẩm y án, ai cũng thấy xót xa cho gia đình em. Hình ảnh người mẹ già vuốt ve tấm hình anh trước phiên tòa làm mọi người thực sự xúc động, và tôi còn xúc động hơn cả trăm lần khi đọc lời tường thuật của Luật Sư Mạnh, người bào chữa cho em:
“Nhớ những trang viết về hào khí Đông A chất ngất trời Nam một thời từ sử cũ, trong đó, trai tráng, người rèn đao, kẻ mài kiếm, nghiến răng chịu đau để thích lên trán nhau hai chữ Sát Thát đến tóe máu… Đã khiến trong một thời gian dài, tôi lầm tưởng khí phách anh hùng của người đàn ông là cứ phải cương thường như thế.
Nhưng không! Sống đến quá nửa đời người thì tôi mới may mắn được ngộ ra sự lầm của mình. Khi chứng kiến ông ấy, người đứng giữa một rừng cảnh phục, đáp lại những lời cật vấn đanh thép buộc tội, những tập hồ sơ chứng cứ dày cộp đầy những bẫy rập liên tục trưng ra, những thủ đoạn tinh vi, xảo thuật vô lường… của những bậc thầy chốn pháp đình! Thì ông vẫn cứ giữ nguyên nụ cười hiền lành, chất phác để khẳng định mình vô tội trong phiên tòa xét xử ông!
Ông ấy không cao giọng, không oán trách, không hoa tay chém vào thinh không… Lời ông bình thản, khoan thai, từ tốn! Nhưng thật kỳ lạ, uy lực từ đó lại vô song. Vụ án hình sự, cứ nhìn sự chuẩn bị của chính quyền để bảo đảm an ninh trật tự thì biết nó đã được nâng mức độ nghiêm trọng đến như thế nào, nhưng với ông, vụ án hơn bảy ngàn ngày tù lại cứ nhẹ nhàng như mây bồng bềnh trôi dạt về phía sau cuộc đời vậy.
Về ông, có một cậu thanh niên đã từng nài nỉ tôi ‘để được biết ÂN NHÂN đã từng nói gì?’ Cậu trai ạ, quà của cậu đây: Ân nhân của cậu, trong lời nói sau cùng trước khi tòa vào nghị án ‘Việc của tôi sẽ do lịch sử phán xét. Tôi sẽ vui khi phải ở lao tù nếu dân tộc này được lớn mạnh trong tự do dân chủ.’
Ông ấy đã tặng cho tha nhân cuộc đời của ông ấy!
Như bước chân trần của tiền nhân bước trên Đồi Sọ thuở trước, ông đang sống trọn vẹn theo hình ảnh người Thầy đã vác thập giá để cứu chuộc cho quê hương ông, cho cả những người đã phán quyết ông hôm nay.
Vậy đấy, ông Lượng, ‘tội’ của ông quá lớn khi muốn cứu chuộc cho xứ sở khốn khổ này và… cho cả tôi nữa.”
Tôi đọc đi đọc lại những giòng tâm sự của LS Mạnh. Tôi biết LS có tài tường thuật một cách chân thực và cảm động diễn biến trong những phiên tòa xử các tù nhân lương tâm. Nhưng những giòng tâm sự viết về Lượng lần này chắc chắn sẽ làm lay động những con tim sắt đá nhất, cho dù lần này LS viết rất ít về tiến trình xét xử, mà chỉ viết về con người của Lượng một cách đơn sơ, thậm chí có mang hơi hướng một triết gia, một nhà tâm lý. Nhưng chính điều ấy đã làm người đọc ruột gan như đứt ra từng đoạn.
Lượng ơi.
Nếu không có gì thay đổi, 20 năm nữa, ngày 24/7/2037, em sẽ trở về đoàn tụ với gia đình. Chắc cả giáo xứ Yên Thành và giáo phận Vinh sẽ ra đón em.
Còn nếu có gì thay đổi, mà mọi người vẫn mong điều ấy, em sẽ ra khỏi nhà tù sớm hơn.
Và lúc ấy cả nước sẽ đón em.
Tháng 10/2018
Phạm Minh Hoàng
Leave a Comment