Sau khi bị bắt, kết án, Hồ Duy Hải bỗng hiện lên trên báo chí là một thanh niên chơi bời lêu lổng.
Tôi có hỏi các nhà báo tham gia từ đầu vụ việc, vài thanh niên ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, thì được biết Hồ Duy Hải từ nhỏ đã mê đá bóng. Không chỉ vậy, Hải còn dẫn dắt bạn bè và các em chơi môn thể thao này, vào đội bóng đá của xã, của huyện.
“Anh Hải đá sân 11 rất khéo”, Nguyễn, một người em của Hải kể lại. Ai cũng hiểu rằng dù chỉ là tuyển phong trào, Hải cũng cần phải có một thể trạng đủ tốt, một lối sống đủ lành mạnh.
Tôi cũng biết thêm, ngày Hải sắp bị thi hành án tử năm 2014, không chỉ gia đình mà còn nhiều bạn bè, bạn học của Hải đã có mặt trước trại tạm giam CA tỉnh Long An để kêu oan, kêu cứu. Sau đó, nhờ một “phép màu” bởi luật sư Trần Văn Tạo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có đề nghị hoãn thi hành án tử ngay trước giờ G.
Nhà Hồ Duy Hải bây giờ cách nhà cũ độ 500 mét, cũng ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, trong một con ngõ nhỏ, cạnh một ngôi chùa bình yên, phía trước là cánh đồng xanh ngát.
Trong ngôi nhà kiểu Nam bộ này là “tứ đại đồng đường”, gồm bà ngoại Hồ Duy Hải, mẹ Hải và các cậu, dì, em gái Hải và các em họ, cuối cùng là các cháu nhỏ con các em họ Hải.
Bà ngoại Hải đã 94 tuổi, còn khá minh mẫn nhưng khó khăn di chuyển đã 3 năm nay. Bà vẫn nói, hỏi chuyện, các con bà ghé sát tai mẹ, dạ dạ thưa thưa.
Mẹ, các cậu, dì Hải thì thương yêu, vì nhau mà hi sinh cả đời sống riêng, sự nghiệp riêng, như một biểu tượng đẹp nhất của tình ruột thịt.
Mẹ Hải hiếm phải đi kêu oan cho Hải một mình, bởi luôn có chị gái hoặc em gái theo cùng, từ Nam chí Bắc, ngày nắng ngày mưa. Khi cuộc kêu oan đằng đẵng khiến mẹ Hải khó khăn về kinh tế, anh chị em họ đã cùng nhau bán nhà, cùng về lại căn nhà thờ của cha mẹ để lại bây giờ, đùm bọc, nương tựa vào nhau. Hơn 10 năm qua, họ nắm chặt tay đi kêu oan cho con/cháu, chưa một lời nặng nhẹ nhau, chung niềm tin vào ngày Hải được minh oan và được trở về.
Em gái Hải từ khi vào 16, đã 13 năm ngơ ngác theo mẹ đi kêu oan cho anh trai, dành trọn vẹn tình yêu thương cho anh trai đã đành, các em họ Hải cũng không ngoài cuộc, cũng tất bất, lo lắng, không ngừng cố gắng và tin tưởng.
Từ trưa 13 tới sáng 14 tháng 5, mẹ, cậu, dì và các em Hồ Duy Hải lại tất bật làm cơm, làm đồ ăn để trưa 14 vào thăm Hải, sau gần 4 tháng phải “giãn cách xã hội” vì Covid-19. Họ nấu những món ăn Hải thích nhất. Họ thấy bớt trĩu nặng khi Hải hôm nay dù xanh, gầy nhưng tinh thần vẫn lạc quan.
Nhớ hôm sau phiên giám đốc thẩm, trở về từ Hà Nội, dì của Hải nói với các nhà báo tới thăm: “Mong các em nếu ngoại hỏi thì nói giùm vài bữa Hải về. Ngoại trông lắm”, bằng ánh mắt như van vỉ.
Cậu Năm của Hải thì cứ tất bật chăm sóc mẹ từ trưa tới tối. Trên lưng ông có một vết sẹo rất lớn. Hỏi mới biết do ông nhường một quả thận cho con mình…
Dưới mái nhà ắp đầy yêu thương và trách nhiệm, sự tinh tế như thế, làm sao có thể mù quáng mà tin mà yêu mà hi sinh cả tuổi đời, sức khỏe, tài sản… để kêu oan cho Hải tới tận bây giờ?
– – –
Mình viết những dòng này ngay sau phiên giám đốc thẩm ngày 8/5/2020 của hội đồng 17/17 TAND Tối cao.
Đăng lại, vì nay là 28/11/2020, tròn 01 năm ngày gia đình Hồ Duy Hải nhận thông báo của VKSND Tối cao về việc đã kháng nghị giám đốc thẩm và đề nghị hủy 2 bản án kết tội chết Hồ Duy Hải để điều tra lại vì nhiều sai sót trong điều tra, truy tố, xét xử.
Quyết định kháng nghị 22/11/2019 của Viện trưởng VKSND Tối cao, ở một góc độ nào đó, đã giúp “minh oan” cho bị án, cho tất cả chúng ta hi vọng vào một nền tư pháp luôn hướng tới văn minh, nâng niu thân phận con người.
Leave a Comment