Tân Phong – Việt Tân
Những trò bịp về cứu trợ doanh nghiệp và bữa tiệc của bầy kền kền
Kết quả của việc triển khai những gói cứu trợ “trên tivi” của hệ thống quan liêu CSVN sau gần 1 năm hết sức “nỗ lực” như sau:
– Gói cứu trợ đợt đầu 62.000 tỷ đồng dành cho người dân mất việc, thất nghiệp mới chỉ giải ngân được 17.000 tỷ đồng tính đến hết tháng Mười, 2020 đạt 27% theo “kế hoạch;”
– Gói cứu trợ lần thứ 2 dự trù 16.000 tỷ đồng cho khối doanh nghiệp chưa hề giải ngân được một đồng nào.
Không bàn đến việc một lượng lớn những đồng tiền cứu trợ này thay vì tới tay những người lao động thất nghiệp, người nghèo thực sự cần cứu trợ khẩn cấp mà lại chui vào nhà giới chức cộng sản như ở các tỉnh có “truyền thống ăn bẩn, ăn bớt, ăn cướp” như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang, Thái Bình… mà báo chí đã đưa tin, con số giải ngân chỉ đạt 27%, thấp một cách mỉa mai, đối ngịch với với những phát biểu nổ tung trời của đám quan chức.
Dân chúng ví von những đồng tiền cứu trợ của ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc như “thóc bỏ vào chai” nên không có “con gà” nào ăn được cả. Các chuyên gia thì nói rằng những người lập chính sách đã tự tạo ra những cái “bẫy” để chính sách không bao giờ có thể thực hiện. Người viết thì cho rằng khoản tiền cứu trợ này thực sự là khoản “tiền hơi” không có thực, đó hoàn toàn chỉ là một trò bịp không hơn không kém.
Trong khi người lao động đói vàng mắt trong những đợt giãn cách xã hội và hàng triệu người lao động bị mất việc làm do dịch bệnh, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao chưa từng có thì khối ngân hàng chứng kiến tình trạng thừa mứa tiền gửi. Việc khối ngân hàng không những nới lỏng mà còn xiết chặt hơn qui định cho vay khiến cho giới doanh nghiệp dân doanh chỉ biết “chết mòn” cùng với các khoản nợ và chi phí chồng chất.
Một nghịch lý trớ trêu là khi doanh nghiệp xếp hàng chờ… chôn (nộp đơn xin phá sản và ngừng hoạt động) thì khối ngân hàng thương mại lại có được một năm lãi khủng. Đây cũng có thể là một đặc điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam với cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa,” khi khối doanh nghiệp càng “chết” thì khối ngân hàng càng “sống khỏe.”
Một số chuyên gia ngân hàng phân tích cơ cấu Nợ và cách can thiệp hành chính gần đây trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cho biết:
“Thực tế, tác động của Covid-19 tới lợi nhuận của nhiều nhà băng sẽ có độ trễ, đặc biệt với những đơn vị chưa chủ động tăng trích lập dự phòng cho vay.
Theo quy định của Thông Tư 01, các khoản nợ được cơ cấu do ảnh hưởng của dịch sẽ được giữ nguyên nhóm nợ (chưa thành nợ xấu) với thời hạn tối đa 12 tháng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu thực chất của hệ thống ngân hàng sẽ cao hơn nhiều so với hai quý đầu năm. Chưa xếp vào diện nợ xấu, nhưng nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày ở nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng hàng chục đến hàng trăm phần trăm.
Các ngân hàng hiện đang sử dụng phần lớn khoản dự phòng trích lập trong kỳ để xóa các khoản Nợ xấu hiện hữu.”
Giới chuyên gia tài chính đánh giá tình hình đáng lo ngại nhưng giới chức CSVN thì “tỉnh queo.” Yên tâm đi, mọi thứ đều trong tầm kiểm soát, mọi chỉ số đều tốt, mọi việc đều đúng qui định và trong giới hạn cho phép… bla bla. Trong thực tế, khối ngân hàng thương mại ở Việt Nam là những kho tiền của giới chóp bu. Nó không bao giờ sụp đổ mà chỉ có người dân sẽ mất tiền mà thôi.
Định luật “tiền chỉ chạy từ túi người dân vào… túi của quan”
Ở Việt Nam, Nợ xấu ngân hàng sẽ luôn được khoanh lại, được “tái cơ cấu” hay “được mua lại” với giá… 0 đồng, chỉ bằng một mệnh lệnh hành chính. Những “núi” tiền sẽ được in mới và “bơm” vào hệ thống ngân hàng để lấp đầy những cái hang chuột không đáy. Thiệt hại cuối cùng luôn là người dân và nền kinh tế quốc gia.
Khoảng 2% trong khối doanh nghiệp tư nhân nội địa là những “cá mập,” có mối quan hệ thân hữu với đám quan chức và giới ngân hàng tạo ra một tầng lớp “thương lưu tôn quí” ĐỎ đầy quyền lực, thống trị xã hội Việt Nam. Tiền cứu trợ doanh nghiệp và người dân không bao giờ đến được nơi cần đến mà đích tới luôn là những doanh nghiệp này. Dịch bệnh không những là cơ hội vàng để chúng tha hồ đục khoét ngân khố thông qua các khoản “cứu trợ,” “vốn vay ưu đãi”… trong khi “hút máu, hút mủ” dân đen theo đúng nghĩa đen, dưới danh nghĩa “giải cứu,” “cứu trợ.”
Ví dụ điển hình vừa qua là Vietnam Airlines, một doanh nghiệp nhà nước có đặc quyền đặc lợi lớn nhất trong các doanh nghiệp nhà nước, được tiếp cận nguồn vốn vay tới 12.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi vì lý do đảm bảo “nhiệm vụ chính trị” – một khái niệm mơ hồ mà chỉ giới chức CSVN mới biết là gì. Tiếp nối sau cái tên Vietnam Airlines là những “cá mập” khác như VietJet Air và BamBoo Airways với những đề xuất các khoản “vốn ưu đãi” hàng ngàn tỷ. Để bù đắp doanh thu giảm mạnh, các hãng hàng không nhân cơ hội đưa người lao động Việt đang bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước với giá cắt cổ. Khó có thể tin nổi giá vé “giải cứu” người lao động về nước đang được các đại lý vé đưa ra:
Đài – Việt: 32 triệu; Hàn – Việt: 35 triệu; Nhật – Việt: 34 triệu… với số tiền cọc lên tới 25 triệu mỗi người.
Có vô số những ví dụ về “tình thương mến thương” của người cộng sản như thế này và cơn khốn cùng của người dân đang thực sự là bữa tiệc của bầy kền kền Đỏ đang thỏa thuê lạc thú, sằng sặc máu thịt và gào lên điệp khúc “do dân, vì dân.”
Thu không đủ chi, tăng thuế điên cuồng và cơn hoảng loạn của giới chức CSVN
Với tình trạng ngân sách luôn trong tình trạng “bóc ngắn, cắn dài,” mức bội chi hàng năm khoảng 320.000 tỷ, nguồn thu ngân sách đã giảm mạnh (chỉ đạt 75,2% sau 10 tháng đầu năm 2020 và dự đoán sẽ giảm 189,2 ngàn tỷ so với dự toán) vốn đã không “gánh” nổi mức chi thường xuyên của bộ máy quan liêu khổng lồ và áp lực trả nợ công từ lâu, những tuyên bố khoác lác kiểu như “30 tỷ USD có sẵn, chỉ chờ giải ngân” của ông Phúc chỉ đơn thuần là một chiêu trò tâm lý, thủ thuật chính trị gian trá mà thôi.
Mới đây, báo chí cũng đưa tin việc Quảng Ngãi – một tỉnh có mức tăng trưởng cao và đầu tư công lớn trong nhiều năm qua – đã mất khả năng cân đối thu chi năm 2020 và “xin” trung ương “cứu” khẩn cấp 2.667 tỷ đồng để đảm bảo các hoạt động thường xuyên. Trước đó, sau cơn bão số 9, tỉnh này cũng đề xuất “hỗ trợ” 3.000 tỷ đồng để “khắc phục thiệt hại.” Quảng Ngãi chỉ là một trong số hơn 50 tỉnh thành luôn nằm trong danh sách “vác rá đi xin gạo” hàng năm. Điều đó, cho thấy bức tranh kinh tế của Việt Nam thực chất là một màu xám xịt.
Trong khi đó, hệ thống truyền thông ra rả về chương trình đảm bảo mục tiêu kép “khôi phục kinh tế nhanh chóng, phòng chống dịch bệnh thành công” với niềm tin hoang tưởng của các chóp bu rằng nền kinh tế sẽ phục hồi hình chữ V ngay khi dịch bệnh được khống chế. Khảo sát của Ban Kinh Tế Tư Nhân cho thấy 98% khối doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ không cân đối được thu chi, mất khả năng thanh toán các chi phí cơ bản như lương, bảo hiểm lao động, sụt giảm hơn 50% doanh thu… cho tới mức phải tạm ngừng hoạt động và phá sản cũng không khiến cho những “chóp bu” CSVN mảy may quan tâm.
Được “bơm thổi” bởi những bài báo của các “chuyên gia salon” nước ngoài ca ngợi mức tăng trưởng GDP và xuất cảng lớn, những thiên tài AQ của đảng CSVN như đang ở trạng thái “ngáo đá” và đặt mục tiêu tăng trưởng ở trên…Giời. Ông Bộ Trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng – người có lẽ biết rõ nhất tình hình sức khỏe nền kinh tế – đã phải phát biểu rằng đừng mong phục hồi kinh tế hình chữ V hay “cất cánh” mà phải xác định “thắt lưng buộc bụng trong nhiều năm tới đây.”
Mặc dù là quốc gia bị thiệt hại ít nhất về nhân mạng trong dịch cúm Tàu vừa qua xong ảnh hưởng suy giảm kinh tế thì vô cùng nghiêm trọng. Một khung cảnh đìu hiu thê thảm dễ nhận thấy nếu như đi qua những trung tâm thương mại truyền thống nổi tiếng ở mọi miền trên dải đất hình chữ S này. Từ chợ Bến Thành của Saigon, chợ Hàn của Đà Nẵng, chợ Đầm của Nha Trang… tất cả đều trong một tình cảnh ảm đạm khi hơn 60% lượng sạp hàng vẫn đóng cửa. Những dãy phố thương mại mới đây còn sầm uất 24/7 cũng treo biển cho thuê, sang tiệm hàng loạt.
Giá mặt bằng cho thuê kinh doanh ở các thành phố lớn khu vực phía Nam như thành Hồ, Đà Nẵng đã rớt thảm hại hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019… Thống kê vừa qua đối với ngành du lịch Việt Nam cho hay mức thiệt hại của ngành này đã vượt qua con số 23 tỷ Mỹ Kim và tương lai phục hồi còn rất tùy thuộc vào việc phổ biến vắc-xin và kiểm soát dịch bệnh trong tương lai.
Con số xuất cảng và tăng trưởng GDP dương thực sự không phản ánh đúng thực chất sức khỏe của nền kinh tế khi hơn 70% xuất cảng phụ thuộc hoàn toàn vào khối doanh nghiệp FDI và Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa “tạm nhập, tái xuất” cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Giới chức cộng sản luôn sẵn sàng trả một cái giá đắt hơn rất nhiều để có được những chỉ số kinh tế “chỉ đẹp trên giấy” trong nhiệm kỳ, bất chấp hậu quả lâu dài. Tuy vậy, những cơn “phê pha” tự sướng thì ngắn ngủi, trong khi nền kinh tế đang như “trứng đẳng đầu gậy” và các nguồn thu quốc gia đang nhanh chóng cạn kiệt. Cơn bấn loạn thực sự đã bắt đầu khi mới đây hàng loạt các qui định, thông tư của ngành thuế ban hành đã thể hiện chính sách “vặt tới cái lông cuối cùng” của đàn vịt hơn 90 triệu con.
Tăng thuế đánh vào tầng lớp “cùng đinh”
Xe ôm công nghệ là một nghề hạ bạc, cực nhọc, môi trường làm việc ô nhiễm nặng và đối mặt với rất nhiều rủi ro mà không có bảo hiểm. Các tờ báo “lề phải” trong nước cũng phản ánh tình trạng lạm thu, tới mức “truy cùng diệt tận” với người lao động nghèo như trường hợp lái xe ôm công nghệ. Hơn 420.000 lái xe công nghệ đang run rẩy với cách tính thuế mới của nhà nước CSVN. Với cách tính thuế mới, họ phải trả thuế VAT bằng 3% doanh thu, thuế thu nhập cá nhân bằng 1% doanh thu và thuế các loại tiền thưởng 1,5% doanh thu. Trong khi đó, chi phí xăng, nhớt, sửa chữa xe, điện thoại, quần áo đồng phục đã chiếm tới 30% doanh thu và phần lớn các lái xe đều là người lao động nghèo, gia cảnh khó khăn nhưng không được miễn trừ gia cảnh…
Nếu trừ đi chi phí trả nhà mạng, chi phí xăng nhớt, điện thoại, sữa chữa, khấu hao xe cộ… còn phải đóng tới 4,5% doanh thu các loại thuế, thu nhập thực sự người lái xe được nhận chỉ khoảng 4-5 triệu/tháng. Đó là một thu nhập chết đói không thể nuôi nổi con cái. Có thể nói đây là một mức thuế tàn nhẫn của nhà cầm quyền CSVN, một chính sách bần cùng hóa người dân tới mức không thể khốn nạn hơn.
Thu khống thuế thu nhập doanh nghiệp và người dân
Nghị Định 126 của Tổng Cục Thuế mới đây gây ra sự bất bình tới phẫn nộ của giới kinh doanh và các các chuyên gia kinh tế. Quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp từ quý 1 – 3 trong năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm, trường hợp nộp thiếu sẽ bị phạt ở Nghị Định 126 hướng dẫn thi hành luật Quản lý thuế (gọi tắt NĐ 126).
Một qui định khác nữa là việc ngân hàng sẽ cung cấp thông tin tài khoản cá nhân có các “phát sinh giao dịch đáng ngờ” cho cục thuế và khấu trừ mức thuế 10% doanh thu gọi là “thuế thương mại điện tử.” Điều này dấy lên lo lắng có cơ sở rằng mọi giao dịch cá nhân bị kiểm soát và có thể bị khấu trừ vô tội vạ bởi ngân hàng với rất nhiều lý do khác nhau sẽ xảy ra.
Đây rõ ràng là một kiểu “cướp cạn,” thu hụi chết doanh nghiệp và người dân trong khi phần lớn các doanh nghiệp đang trong tình trạng “thở oxy.” Như vậy, sau khi được “ngửi” các gói cứu trợ trên tivi thì bây giờ “90 triệu con vịt” đã phải giơ cổ ra để “đảng và nhà nước” vặt tới cái lông cuối cùng.
Với những ví dụ và căn cứ trên đây, có thể thấy rõ một cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế xã hội đã hiện diện và nhà cầm quyền CSVN hoàn toàn bất lực trong các giải pháp cứu cánh. Các chính sách tận thu, tận diệt mọi nguồn lực xã hội chỉ duy nhất mục đích kéo dài sự tồn tại của cơ thể thể chế khổng lồ đang thối rữa. Điều gì sẽ xảy ra khi “miếng da lừa” cuối cùng đã hết? Có lẽ chúng ta không cần phải có tài tiên tri cũng có thể dễ dàng hình dung ra kết cục đó.
Tân Phong
Leave a Comment