J.B Nguyễn Hữu Vinh – RFA
Tôi muốn viết ít điều về anh Nguyễn Tường Thụy từ lâu. Nhưng, mỗi lần nói đến anh, nghĩ về anh những ngày này đang ở trong lao tù, tự nhiên lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả vì nhiều điều, nhiều kỷ niệm cứ hiện lên trong tôi như mới hôm qua.
Ở những cuộc biểu tình ấy, chúng tôi đã khá vất vả bởi sự rình rập, ngăn chặn và trấn áp của nhà cầm quyền CSVN vốn thờ giặc hơn thờ cha, coi nhân dân là “thế lực thù địch” để phân biệt với chính quyền là “thế lực thân địch”. Ở đó, họ bất chấp tất cả những gì là luật pháp, là quy định, là lương tâm của con người và khí phách của con người Việt Nam.
Những cuộc biểu tình đó, chúng tôi cùng nhau bị bắt vào đồn cảnh sát, vào trại “Phục hồi nhân phẩm” ở Lộc Hà, hoặc trụ sở công an Tp tại Số 6, Quang Trung, Hà Nội… Ở đó, chúng tôi cùng nhau đấu tranh, kiên quyết buộc lực lượng công an phải làm theo luật pháp để rồi cuối cùng phải thả chúng tôi ra mà không thể hành xử với tất cả những người bị bắt chúng tôi như những cuộc bắt bớ trước đó.
Chúng tôi cũng đã từng bị đánh đập bởi lực lượng công an giả danh côn đồ tại Thái Bình khi cũng những người đấu tranh đến thăm ông Trần Anh Kim mới mãn hạn tù. Ở đó, chúng tôi bị kéo vào đồn công an Phường Trần Hưng Đạo và đã kiên quyết phản đối vạch trần những thủ đoạn đê hèn của công an Thái Bình. Cuồi cùng, họ phải để chúng tôi ra về với lời hứa bảo đảm an toàn cho chúng tôi ra khỏi địa phận Thái Bình an toàn.
Chúng tôi đã cùng nhau đi khá nhiều nơi trên đất nước từ Nam đến Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược qua khá nhiều năm tháng.
Chúng tôi cũng đã đến những nơi, mà nạn trấn lột, cướp bóc tài sản của người dân mang danh nghĩa “Chính quyền” “Công vụ” “thực hiện giải phóng mặt bằng”… mà thực chất là những cuộc cướp trắng trợn với tài sản, đất đai của người dân đã bao đời gây dựng.
Những chuyến đi ấy, đã để lại nhiều kỷ niệm và sự hiểu biết về nhau hơn trong cuộc sống.
Ở anh, tôi cảm nhận được một điều: Sự thấu hiểu sâu sắc về chế độ Cộng sản ở Việt Nam, những năm tháng anh phục vụ trong quân đội, làm việc ở các cơ quan nhà nước đã làm cho anh nhận thức sâu sắc hơn về một chế độ bất nhân, bất nghĩa và bất chấp mọi điều đơn giản mà ai cũng bảo vệ, đó là lương tâm của con người. Và chính vì vậy mà anh bước vào trận chiến không khoan nhượng với cái ác, cái giả dối và cái vô đạo đức.
Trong những chuyến đi, những cuộc tiếp xúc, hẳn nhiên không phải khi nào chúng tôi cũng có thể nhất trí với nhau mọi điều. Và không thiếu những cuộc tranh luận, thậm chí cãi vã nhau kịch liệt khi không cùng một quan điểm, nhận định về một vấn đề nào đó cụ thể. Để rồi sau đó, mỗi người nhìn nhận lại mình và hiểu nhau hơn, quý trọng nhau hơn ở tính thẳng thắn và cương trực.
Anh là người nhiệt huyết và xông pha, không ngại khó, không ngại gian khổ và nguy hiểm. Anh tham gia những việc mà anh thấy rằng điều đó có thể làm giảm đi nỗi đau của những người cùng khổ, có thể góp phần đem lại chút công bằng,công lý cho những người bị oan ức, những người dân thấp cổ bé họng.
Đặc biệt, trước những hành động xâm lấn và xâm lược của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh đối với đất nước, với dân tộc Việt Nam, luôn luôn trong anh sự thao thức và căm phẫm, sẵn sàng bất chấp mọi nguy nan chính từ nhà cầm quyền CSVN, những kẻ đang tự xưng là của dân, do dân, vì dân nhưng lại lấy cơ đồ của cha ông làm mồi cho giặc.
Có lẽ bản chất của người lính trong anh luôn luôn cháy bỏng, dù anh đã ra khỏi môi trường quân đội khá lâu và đoạn tuyệt với cái gọi là “Hội Cựu chiến binh”. Đó là một tổ chức của đảng lập ra chỉ để vẽ thêm cho đảng rằng đó là sự quan tâm đến những người lính, phụ họa cho chính sách bán nước của nhà cầm quyền mà không có chút nhuệ khí nào của những người đã từng mặc bộ quần áo lính.
Năm 2014, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một đảng viên cộng sản, một cán bộ thuộc hàng quan trọng trong một cơ quan “quan trọng” của đảng và nhà nước. Ông được ưu ái bởi là con của một cán bộ cộng sản nòi, được học hành và có nhiều cơ hội để thăng quan, tiến chức một cách vững chắc trong cái chiến trường quan chức cộng sản quyền ít thì lợi cũng nhiều.
Thế nhưng, trong mớ quan trường mua bán đó, trong số hàng loạt những kẻ bằng mọi cách để được chui vào đảng nhằm kiếm chút quyền lợi mà cái hẻ đảng đem lại, Phạm Chí Dũng đã bước ra, xé bỏ cái thẻ đảng và tuyên bố trở thành một nhà báo Độc Lập.
Rồi cùng với những tiếng nói độc lập, thao thức về dân tộc, về đất nước và tương lai của Việt Nam, những người cầm bút đã cùng nhau tập hợp thành một Hội để cất lên tiếng nói độc lập của mình. Đó là những tiếng nói không chịu “sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản” nghĩa là không chấp nhận chỉ làm cái loa, cái máy ghi âm cho đám tuyên giáo nhà nước, sẵn sàng bóp méo và bịa đặt mọi thứ để bảo đảm sự tồn tại và cai trị của đảng.
Anh Nguyễn Tường Thụy tham gia ban lãnh đạo Hội với chức danh Phó Chủ tịch Hội.
Tờ báo của Hội mang tên Việt Nam Thời Báo (www.vietnamthoibao.org) đã ra đời, là tiếng nói của Hội Nhà báo Độc lập. Nội dung của tờ báo theo tính chất ôn hòa, bất bạo động và đúng luật pháp Việt Nam hiện hành.
Nhưng, ở đó là tiếng nói của người dân.
Ở đó, chỉ rõ những nguồn gốc của sự bất công, của sự nghèo đói và tư duy nô lệ, của những thủ đoạn gian dối và tàn bạo từ nhà cầm quyền đối với người dân Việt Nam.
Ở đó, chỉ rõ những ai đang là kẻ thù của nhân dân Việt Nam, ai là những kẻ đang bán nước, cầu vinh, đang đục khoét người dân đến tận xương tủy để cung phụng cho cá nhân, đảng phái của mình có cuộc sống phè phỡn và phá phách không giới hạn.
Ở đó, cũng là nơi cất lên tiếng nói của những người dân cùng khổ, không lối thoát trong cuộc sống với mọi môi trường bị ngộ độc từ Chính trị, Kinh tế, văn hóa cũng như môi trường tự nhiên, xã hội.
Qua đó, người dân dần dần nhận thức được những điều gì đã và đang xảy ra với họ, điều gì họ đã bị ngộ độc và nhầm lẫn trong nhận thức mấy chục năm qua.
Kể từ đó, những đòn thù nhắm vào anh ngày càng nhiều và càng nặng nề.
Nhà cầm quyền CSVN vốn được xây dựng, tồn tại tên trụ cột của sự dối trá, của bạo lực. Muốn được vậy, thì trước hết phải bịt miệng người dân, phải ngu dân hóa toàn bộ đất nước, đồng thời thi thố mọi trò bạo lực nhằm đe dọa, kiềm chế người dân nói lên bản chất chế độ cộng sản là tàn bạo và rừng rú.
Để bịt miệng người dân, nhà cầm quyền đã bất chấp chính cái gọi là Hiến pháp và pháp luật quy định rõ ràng về quyền tự do của người dân, nhất là những điều căn bản như: Tự do tư tưởng, tự do lập hội, hội họp, biểu tình và đủ các thứ có trên giấy tờ. Bằng cách cấm tuyệt đối mọi báo chí tư nhân, mọi tiếng nói độc lập, chế độ cộng sản đã tồn tại được một thời gian dài bằng sự dối trá của mình, tạo nên một dân tộc, một lớp người chỉ biết kiếm ăn, lầm lũi làm việc để cống nộp cho đảng mặc sức phá, đồng thời tự nguyện bị đầu độc bởi hệ thống truyền thông một chiều và man trá.
Thế nhưng, ở thời đại Internet, khi mà cả thế giới đang tiến những bước thần kỳ vào văn minh, hiện đại, nhà cầm quyền CSVN không thể đứng ngoài thế giới để một mình một bóng như xưa. Cuộc hội nhập đã mang lại cho họ những điều họ muốn có, thì cũng đồng thời mang lại chọ họ những điều khó chịu, nhất là mạng Internet.
Những tiếng nói độc lập được cất lên trên báo chí, trên mạng xã hội, trên các phương tiện thông tin và đến với người dân Việt Nam từ già đến trẻ qua chiếc máy điện thoại nhỏ bé, đã vượt qua sự ngăn chặn của nhà cầm quyền.
Và điều đó đem lại cho nhà cầm quyền sự hậm hực, tức tối và đủ mọi điều khó chịu.
Và cũng vì vậy, những mưu hèn, kế bẩn lại được đem ra thi thố.
Việc bắt giữ Ts Phạm Chí Dũng hơn một năm qua, rồi sau đó là màn khủng bố dai dẳng với các thành viên của Hội, đặc biệt là những thành viên đã tham gia và có đóng góp cho Hội bằng tiếng nói của mình, đã bị nhà cầm quyền CSVN coi là cần phải loại bỏ và xử lý.
Chỉ bởi họ lo sợ một điều: Khi những tiếng nói sự thật được cất lên, thì những sự dối trá sẽ bị vạch trần, cũng như ánh sáng sẽ đẩy lùi bóng tối.
Và rồi tiếp theo tội ác khủng bố của mình với những tiếng nói độc lập, nhà cầm quyền CSVN tiếp tục bắt anh Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội và Lê Hữu Minh Tuấn, thành viên của Hội cũng như sách nhiễu rất nhiều thành viên khác của Hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam.
Những người can đảm cất lên tiếng nói của người dân đã phải vào tù.
Họ bị buộc những cái tội mà nghĩ cho kỹ, thì chẳng hề có những cái tội đó ở đất nước này. Bởi ở Việt Nam làm gì có “Chính quyền Nhân dân” để mà chống, để mà lật đổ, xuyên tạc hay nói xấu. Ở Việt Nam, chỉ có cái gọi là chính quyền, nhưng là của đảng mà thôi.
Cũng như ở Việt Nam, làm gì có cái “Xã hội Chủ nghĩa”. Bởi chính Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rằng đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã nhìn thấy CNXH. Vậy lấy đâu Nước CHXNCN Việt Nam để mà chống?
Vì thế, những cái gọi là “vụ án” ở đây, chỉ là sự trả thù hèn hạ và bất nhân của cái gọi là nhà nước Việt Nam.
Nhà cầm quyền CSVN có thể thi thố đủ mọi thứ để giam cầm thân xác của họ, nhưng không có ai có thể ngăn cản được những khát vọng tự do và độc lập trong họ.
Nhà cầm quyền CSVN có thể trả thù họ bằng việc giam cầm, khủng bố và dùng mọi đòn bẩn thỉu, bịa đặt và bêu xấu họ, coi họ là “thế lực thù địch”. Nhưng điều mà nhà cầm quyền CSVN không thể làm là dập tắt tấm lòng yêu nước trong mỗi con người họ dù ở đâu, dù làm gì và bằng bất cứ thủ đoạn nào của “thế lực thân địch”.
Có thể thời gian tới, nhà cầm quyền CSVN sẽ diễn lại cái trò đem họ ra để “Công khai xử kín một phiên tòa công khai” như những cái gọi là phiên tòa cộng sản nhằm trả thù những người bất đồng chính kiến, những người yêu nước thương nòi.
Có thể nhà cầm quyền CSVN sẽ trả thù họ bằng những cái gọi là “bản án” hết sức nặng nề.
Nhưng, tinh thần bất khuất, những đóng góp của họ, là những viên đá tảng ban đầu, lót dưới những con đường đi lên tiến bộ, văn minh và để dân tộc trường tồn, người dân được làm người chủ đất nước… mãi mãi sẽ ghi tên và mang ơn những người đã đi trước, đã chấp nhận tù đày hay cả thiệt mạng cho dân tộc được trường tồn và tiến bộ.
Trong số đó, có anh Nguyễn Tường Thụy, một người anh, một người bạn của tôi.
Ngày 25/11/2020
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Leave a Comment