Quảng Cáo

Bẫy Thucydides và cách xử lý của người Mỹ

Quảng Cáo

Đỗ Ngà|

Trong giới xã hội đen, khi có một thế lực mới trổi dậy thách thức thế lực cũ thì thế nào đại chiến băng đảng cũng sẽ xảy ra. Những cuộc đại chiến đó sẽ dẫn đến 1 trong 2 kết quả, hoặc thế lực cũ bị thế lực mới soán ngôi, hoặc thế lực cũ chiến thắng và bảo vệ được vị thế vốn có của mình. Đây là những cuộc chiến tự nhiên, ngay cả trong cuộc sống hoang dã cũng vậy chứ không riêng gì xã hội loài người.

Trật tự thế giới, trật tự khu vực từ xưa đến nay cũng theo quy tắc đó mà thôi, nó là quy luật tự nhiên chứ chẳng phải bởi con người tạo ra nó. Bẫy Thucydides là một khái niệm mô tả về hiện tượng mâu thuẫn tất yếu giữa thế lực mới nổi và thế lực lâu đời. Năm 2015, giáo sư Graham Allison – giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính trị tại trường Kennedy thuộc Đại học Harvard – Mỹ, người từng làm trợ lý và cố vấn cho các đời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ thời Tổng thống Reagan đến thời Tổng thống Obama đã đăng bài viết “Bẫy Thucydides: Liệu Mỹ và Trung Quốc có đang hướng đến chiến tranh?” (Tên Tiếng Anh là:”The Thucydides trap: Are the US and China headed for War?”) trên tờ Atlantic. Tác giả phân tích mối quan hệ Mỹ – Tàu đang có chiều hướng rơi vào bẫy Thucydides.

Trong bài báo ấy, tác giá có dẫn ra 16 bài học về bẫy Thucydides trong lịch sử nhân loại trong 500 năm qua thì có 12 trường hợp là kết thúc bằng chiến tranh và chỉ có 4 trường hợp là kết thúc không có chiến tranh, đáng chú ý là cả 4 trường hợp đó đều trong thế kỷ 20. Những mâu thuẫn không có chiến tranh ấy là: Sự mâu thuẫn Anh – Mỹ đầu thế kỷ 20, Mỹ thay Anh Quốc nắm giữ vai trò siêu cường số 1 thế giới; mâu thuẫn Liên Xô- Nhật Bản hồi những năm 70 – 80; mâu thuẫn Mỹ – Liên Xô thời kỳ chiến tranh lạnh; và mâu thuẫn giữa Anh, Pháp – Đức từ những năm 90 cho đến nay. Như vậy qua đây chúng ta thấy, thế kỷ 20 con người biết kìm chế hơn và biết hóa giải sự mâu thuẫn ấy bằng cách lái nó sang những cuộc chiến nhỏ ít khốc liệt hơn để tránh cho nhân loại những thảm họa lớn.

Trước năm 1914 sự mâu thuẫn giữa thế lực mới nổi Đức – Áo Hung và thế lực cũ Anh- Pháp cũng đã xuất hiện âm ỉ từ nhiều năm, tư thế chiến tranh đã sẵn sàng. Chỉ cần một “tai nạn” nhỏ là hai bên nhảy bổ vào nhau mà thôi. Vụ ám sát công tước Áo – Hung Franz Ferdinand chẳng qua là nút thắt cuối cùng mở bung “cái lò chiến tranh” mà thôi. Thế kỷ 20, nếu con người không biết kìm chế thì thế giới không chỉ dừng lại ở 2 cuộc chiến tranh thế giới. Đó là bài học để con người biết cách ứng xử với nhau khi mà trật tự thế giới cũ đang bị thách thức.

Thời chiến tranh lạnh, mâu thuẫn Mỹ – Liên Xô cứ âm ỉ trong hơn 3 thập kỷ, năng lượng tàn phá của 2 phe cứ luôn hướng vào nhau. Lúc đó thế giới không một ngày nào bình yên dù không có chiến tranh. May cho thế giới là cả 2 phe không trực tiếp đánh nhau mà họ dùng biện pháp khác, họ đã dùng những con tốt trong tay để thử giò lẫn nhau mà thôi. Chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Triều Tiên thực chất nó là 2 cái van xả, Mỹ và Liên Xô dùng nó để xả nồi áp suất chiến tranh giữa 2 siêu cường. Nhờ đó mà 2 phía tuy vẫn có căng thẳng thường trực, nhưng về cường độ thì không bao giờ đẩy lên ngưỡng chiến tranh. Có thể nói, trong mối quan hệ căng thẳng Mỹ – Liên Xô của thế kỷ 20, con người đã biết tìm cách kìm chế được sự tác hại của cái bẫy Thucydides. Và bài học 2 cuộc chiến tranh thế giới trước đó đã không lặp lại.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, vị trí siêu cường số 1 của Mỹ được củng cố. Nhưng không lâu sau, thế lực khác lại lớn mạnh thay thế Liên Xô thách thức vị trí siêu cường của Mỹ. Đó chính là Trung Cộng, và lại một lần nữa bẫy Thucydides lại trở lại với nước Mỹ. Trong bài viết “Vấn đề của 2 cường quốc Mỹ Tàu” tôi đã có nói quan điểm rất rõ là “Thời kỳ Mỹ làm đối tác với Tàu đã qua, và từ nay trở đi Mỹ luôn xem Tàu là đối thủ”, và trong bài viết “Mối quan tâm của các tổng thống Mỹ và sự ảo tưởng của chúng ta” tôi đã có quan điểm rất rõ rằng “từ bây giờ trở đi, Mỹ sẽ luôn chú ý vào việc đánh Tàu cho dù đó là đời tổng thống nào”. Vâng! Đấy là quy luật tất yếu của bẫy Thucydides trong thế kỷ 21 này, khi Tàu Cộng đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ thách thức vị trí siêu cường của Mỹ. Lịch sử đã cho thấy sự mâu thuẫn ấy luôn xuất hiện bất chấp lãnh đạo đất nước của thế lực cũ là ai. Và với kinh nghiệm tránh được chiến tranh lạnh chuyển sang “chiến tranh nóng” như hơn 40 năm về trước thì tôi tin rằng, Mỹ sẽ có cách để không xảy ra chiến tranh nóng với Tàu.

Để tránh lò lửa chiến tranh bùng phát thì tất phải có van xả áp xuất. Thời chiến tranh lạnh, van xả ấy là Việt Nam và Triều Tiên thì nay van xả ấy ở đâu? Đó là lĩnh vực thương mại và công nghệ. Hiện nay giữa Mỹ và Tàu xảy ra mâu thuẫn ở cả 3 lĩnh vực: Thứ nhất là lĩnh vực thương mại; thứ nhì là lĩnh vực công nghệ; thứ ba là lĩnh vực quân sự. Trong đó lĩnh vực thương mại và lĩnh vực công nghệ chính là 2 cái van xả áp suất để không xảy ra chiến tranh vũ trang. Đây là một lựa chọn khôn ngoan của người Mỹ. Dự đoán, từ nay trở về sau thì chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Tàu vẫn tiếp diễn, nhưng chiến tranh quân sự thì sẽ vẫn không thể xảy ra. Mỹ đã xử lý bẫy Thucydides như thế đấy. Họ, xứng đáng là cường quốc lãnh đạo cả thế giới này.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://www.theatlantic.com/…/united-states…/406756/

Bài trước liên quan:

http://www.donga.blog/…/van-e-cua-2-cuong-quoc-my-va…

http://www.donga.blog/…/moi-quan-tam-cua-cac-tong-thong…

#MỹTrungđốiđầu #bẫyThucydides

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux