Nói về cái sai thì sách giáo khoa đã từng sai từ Chương trình 2000. Thời đó không có dư luận mạng ầm ĩ và quyết liệt như bây giờ, nhưng không phải không có góp ý. Trong các hội thảo về sách giáo khoa (và cả sách bài tập, tham khảo), nhiều nhà khoa học đã vạch ra những cái sai. Sai từ quan điểm khi chủ trương cải cách học và viết chữ e trước làm cho trẻ em viết một cách méo mó, sai từ ngữ như “cây rơm” (có trụ) thành “ụ rơm” (không trụ), nói ngọng như “cây nêu” thành “cây lêu”, “đám giỗ” thành “đám dỗ”, “nhành dẻ” thành “nhành giẻ”…, sai văn bản khi tuỳ tiện sửa nhiều văn bản văn học từ thơ đến truyện. Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng nổi giận khi thấy thơ mình bị chữa: “Quê hương là con diều biếc/Chiều chiều con thả trên đồng/”… Nhiều câu chữ tối nghĩa, vô duyên, ngu ngốc tương tự như sách Tiếng Việt Cánh Diều. Đặc biệt, nhiều câu hỏi đọc hiểu văn bản làm cho kẻ thông minh cũng thành ngu đần như: “Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ kể về chuyện gì?” (Kể chuyện đêm nay Bác không ngủ, he he), “Văn bản Nhà sàn thuyết minh về đối tượng nào?” (Đối tượng là nhà sàn, he he)…
Các góp ý thời đó như muối bỏ biển. Các giáo sư tiến sỹ vẫn giữ thái độ ngạo nghễ của đứa vô học có bằng cấp: “Chó cứ sủa và ngựa cứ đi!” Đó là lý do cái sai bây giờ chồng thêm cái sai, bởi kẻ làm sai thì không thể sửa sai (vì biết sai chỗ nào mà sửa?)
Sách giáo khoa đã sai, đến sách phụ tùng tham khảo, thực chất là sách mẫu, thì sai không kể xiết. Câu ca dao của dân gian: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên” thì sách bài tập chính tả viết là “Hễ nghe tiếng trống phất cờ mà lên”. Chắc là tiếng trống hợp tác xã khi ông chủ nhiệm thay trời làm mưa?
Lạ là khi báo chí phỏng vấn ông Nguyễn Minh Thuyết, ông thừa nhận làm vậy là sai, mặc dù Chương trình và Sách 2000 có ông tham gia với vai trò chính yếu. Nhưng chính ông khi làm Tổng chủ biên Chương trình kiêm Tổng chủ biên sách giáo khoa mới lại lấy sai chồng sai, sai còn thảm hại hơn sách của Chương trình 2000.
Theo tôi, căn cứ vào Luật Xuất bản, tiêu huỷ hết và làm lại từ đầu chứ không có chuyện chắp vá để cưu mang cho cái sai. Thậm chí xử phạt, bắt bồi thường và cấm tham gia hoạt động giáo dục đối với các tác giả đã tham gia biên soạn, thẩm định và xuất bản sách nguy hại cho trẻ em. Làm hư hỏng tiếng Việt, hư hỏng văn hoá dân tộc, phá nát giáo dục là loại tội phạm nguy hiểm ngang bằng cho nổ bom nguyên tử.
Lẽ ra, khi thực hiện Nghị quyết trung ương về dạy học phát triển năng lực, ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải hiểu cái chân lý tối thiểu rằng kẻ không có năng lực thì không thể xây dựng chương trình và sách dạy học phát triển năng lực được!
Chu Mộng Long
——–
Lật báo cũ mà xem về cái sai của sách 2000:
Leave a Comment