Về các đề xuất thay đổi “bộ chủ quản” một số lĩnh vực trong thời gian gần đây

- Quảng Cáo -

Trong thời gian gần đây, vấn đề về thay đổi cơ quan chủ quản trong một số lĩnh vực đã được đề cập trên truyền thông và đề xuất đưa ra thảo luận lấy biểu quyết ở kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Có lĩnh vực mới chỉ đề cập, gợi ý mà chưa đưa ra thảo luận và biểu quyết như chuyển các cơ sở cai nghiện công lập từ bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sang bộ Công an. Có lĩnh vực đề xuất đưa ra thảo luận và biểu quyết như chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Nhìn lại Kỳ họp Quốc hội cuối năm 2019, lại có đề xuất chuyển việc quản lý các cửa khẩu từ Bộ tư lệnh Biên phòng sang bộ Công an. Như vậy, có thể hình dung, bộ Công an có nhiều đề xuất để quản lý một số lĩnh vực của các bộ ngành khác. Nhưng Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, việc đề xuất và thảo luận, lấy biểu quyết của đại biểu Quốc hội đã không thành công. Các đề xuất của bộ Công an dã không được thông qua.

Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, bộ Công an lại đề xuất nhiều thay đổi với mục đích muốn quản lý các lĩnh vực mà các bộ ngành khác đang nắm giữ như vậy? Tại sao cuối cùng bộ Công an cũng không đạt được mục đích của mình kể cả việc đề xuất xây dựng lực lượng Bảo vệ an ninh trật tự cơ sở bằng việc đề xuất Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở?

Trước đây thời bao cấp, các lĩnh vực dân sự được chính trị hóa và thường được giao cho bộ Nội vụ, hay bộ Công an bây giờ quản lý, làm chủ quản. Nhưng thời kỳ đổi mới, việc dân sự hóa các quan hệ dân sự đã diễn ra phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thị trường và xã hội hóa đất nước. Một số lĩnh vực thuộc bộ Nội vụ (bộ Công an hiện nay) đã được chuyển cho các bộ, ngành dân sự quản lý. Nhưng thời gian gần đây, bộ Công an dưới thời ông Tô Lâm đã và đang có nhiều kế hoạch muốn quản lý trở lại các lĩnh vực đó. Nếu việc quản lý các lĩnh vực dân sự được các bộ ngành dân sự quản lý là xu thế, và thông lệ của nhiều nước thì việc đòi hỏi quản lý trở lại các lĩnh vực này chắc chắn không xuất phát từ yêu cầu khách quan, mà là từ mong muốn chủ quan của bộ công an. Mong muốn đó có lẽ xuất phát từ những lợi ích to lớn nếu như được quản lý các lĩnh vực này. Đầu tiên, đó là việc đầu tư cơ sở, trang thiết bị để quản lý. Tiếp đến là các đầu mối nhân sự và một loạt các vấn đề kéo theo. Tóm lại, đó là những mối lợi khổng lồ đối với các cơ quan, lãnh đạo các cơ quan chủ quản. Có lẽ không chỉ dừng ở đó, bộ công an còn muốn trở thành một siêu bộ nhằm hợp thức hóa mô hình công an trị toàn xã hội. Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện, thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra đã không thông qua bất cứ đề xuất nào của bộ công an trong các đề xuất và gợi ý nói trên.

- Quảng Cáo -

Lý giải nguyên nhân cho việc không thành công với các đề xuất của bộ công an có thể có nhiều. Nhưng tựu trung lại có mấy nguyên nhân sau đây.

Trước hết, đây là vấn đề lợi ích. Bộ công an thấy được lợi ích thì các bộ ngành đang là chủ quản các lĩnh vực đó cũng đang hưởng lợi ích. Bộ công an vận động các cấp thì các bộ ngành kia cũng có quan hệ và cũng có lợi ích đan xen từ trên xuống dưới. Điều thuận lợi của các bộ ngành đang làm chủ quản đó là việc quản lý của họ phù hợp với xu thế phát triển, và thông lệ các quốc gia khác trên thế giới.

Hai là, việc thảo luận công khai ở Quốc hội hiện nay được sự theo dõi sát sao của người dân thông qua mạng xã hội. Những vấn đề đúng sai được mạng xã hội phân tích, bàn thảo có tác động rất lớn tới các ý kiến biểu quyết của các đại biểu. Mặt khác, các đại biểu có sự ủng hộ của mạng xã hội cũng không còn quá lo sợ sự trù dập của bộ công an nữa, nên họ thường cất lên những lời công chính, những ý kiến có thể gọi là đúng đắn trong phạm vi của chế độ này.

Ba là, bộ công an trong thời gian gần đây đã mất rất nhiều uy tín. Điển hình là vụ tấn công vào xã Đồng Tâm giết hại ông Lê Đình Kình và rất nhiều những vụ việc lùm xùm khác. Với các đại biểu quốc hội, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng, họ có được thông tin nhiều chiều và biết những gì đang xảy ra. Tuy ngoài mặt ủng hộ việc khủng bố người dân nhưng trong lòng họ không khỏi ghê sợ. Khi có cơ hội và có lẽ phải thì họ thể hiện sự bất bình thông qua các lá phiếu của mình.

Như vậy, mặc dù có được sự ưu ái rất lớn, quyền lực không hề nhỏ nhưng trước xu thế vận động của xã hội, trước bối cảnh công khai hóa hiện nay, bộ công an không thể thực hiện được những tham vọng của mình, không thể dùng bàn tay che hết được mặt trời cũng là điều dễ hiểu./.

Hà Nội, ngày 17/11/2020

N.V.B

- Quảng Cáo -