Quảng Cáo

Nhà cầm quyền CSVN đang lạc nhịp

Quảng Cáo

Những tháng cuối năm 2020 đang trôi đi thật nhanh với nhịp đập bất thường của nhà cầm quyền CSVN.

Câu chuyện rầm rộ về cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ chiếm lấy hầu hết trên mạng xã hội nhưng nó vẫn không làm người quan sát quên đi hiện tình Việt Nam, trước kỳ đại hội đảng lần thứ 13 sắp diễn ra vào tháng Giêng năm 2021.
Trang thông tin của ĐCSVN cho biết [1]: “Hướng dẫn số 151-HD/BTGTW ngày 10/9/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương, việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được tiến hành từ ngày 20/10/2020 đến hết ngày 10/11/2020”. Toàn bộ gồm có [2]:

– Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030.

– Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.

– Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Toàn bộ gồm 257 trang với hơn 146.000 từ. Trong đó, 3 chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch đề ra, gồm:

– Tốc độ tăng GDP: ước đạt 5,9%.

– Tốc độ GDP bình quân đầu người: ước 2.750 USD/người.

– Tỷ lệ thất nghiệp: ước 4,39%.

Con số quan trọng về lạm phát không được tìm thấy trong bản dự thảo, mặc dù đây là một vấn đề quan trọng của nền kinh tế.

Hậu quả của cái hư vô

Ngày 5 tháng Mười Một năm 2020, báo Vietnamnet đưa tin[3]: “Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Lấy nhân dân làm trung tâm là bản chất của kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam”.

Một điều quan trọng nhất cần nhắc lại: Trên thế giới chỉ có khái niệm “kinh tế thị trường” và “kinh tế phi thị trường”. Khái niệm “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” không tồn tại trên thế giới.

Việt Nam, về mặt hữu hình (khái niệm Triết Học) chỉ là một phần đất nhỏ bé của Trái Đất, tức nó phải phụ thuộc vào sự tồn tại của thế giới. Việt Nam, về mặt vô hình (khái niệm Triết Học), tính từ 1995 – thời điểm Hoa Kỳ bỏ cấm vận – đã hội nhập vào thế giới.

Vì vậy, xét về cặp phạm trù Hữu Hình – Vô Hình nói trên, khái niệm “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” phải được thế giới công nhận, lúc đó mới có giá trị.

Như vậy, không có cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, tức không có “bản chất của kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Suy ra, nhân dân làm sao đứng được tại vị trí “trung tâm” của cái hư vô đó?!

Điều đáng ngạc nhiên, phát ngôn phản khoa học và vô căn cứ đó lại của đảng viên Nguyễn Xuân Thắng – giáo sư – tiến sĩ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương ĐCSVN, vốn là cơ quan đầu não quan trọng nhất cho tất cả những chiến lược hàng đầu của ĐCSVN được đưa ra cho tất cả các kỳ đại hội đảng.

Nhà cầm quyền CSVN đang lạc nhịp

Không những văn kiện phản khoa học, vô căn cứ lại đang chuẩn bị cho đại hội đảng sắp tới mà nhà cầm quyền CSVN đang lạc nhịp quá rõ khi họ vừa làm lễ kỷ niệm 25 năm thiết lập bang giao với Hoa Kỳ.

Cho đến nay, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia hùng cường khác, vẫn không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, mặc dù phía nhà cầm quyền CSVN cố công thuyết phục từ nhiều năm qua.

Không dừng lại đó, những dấu hiệu lạc nhịp trong thời gian qua được thấy rõ:

– Hoa Kỳ loại Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển [4] trong tổ chức WTO vào tháng Hai năm 2020.

– Hoa Kỳ chính thức điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ [5] vào tháng Mười năm 2020. Trước đó, từ hồi đầu năm 2020, Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia bị giám sát vấn đề này [6]

Ngày 12 tháng Mười Một năm 2020, Quốc hội đã bổ nhiệm đảng viên Nguyễn Thị Hồng làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam [7] thay cho đảng viên Lê Minh Hưng chuyển về làm Chánh văn phòng Trung ương ĐCSVN.

Bốn ngày sau khi nhậm chức, động thái mới nhất của tân Thống đốc [8] có liên quan tiền tệ được nhận thấy, thông qua lãi suất được gọi là “giảm kỷ lục” do báo Vienamnet đưa tin vào ngày 16 tháng Mười Một năm 2020 và báo này cho hay lãi suất sẽ còn giảm tiếp.

Thao túng tiền tệ, một khi được gọi tên và trong trường hợp không may bị chính thức đưa vào đó, nó sẽ gây ra nhiều hậu quả toàn dân gánh lấy. Thao túng tiền tệ gây tác hại trên nhiều lãnh vực của nền kinh tế, trước hết lãnh vực xuất-nhập khẩu, chứng khoán và thị trường ngoại hối.

Bấy lâu nay, đồng Việt Nam bị xem là không có giá trị lắm, ngay tại quốc nội. Tâm lý xem nhẹ đồng nội tệ, vốn do nhà cầm quyền CSVN gây ra cho dân chúng, với biểu hiện dễ nhận thấy: Giá cả chỉ có tăng (tức là đồng nội tệ mất giá) chứ không hề giảm.

Từ tâm lý gây ra kỳ vọng lạm phát trong dân chúng, người dân luôn tìm đến các mặt hàng thông dụng nhất trên thị trường để tránh rủi ro: Vàng, bất động sản, đô la.

Ba loại tài sản nói trên, gần như nằm bất động với số vốn “tê liệt” khổng lồ mà ngay cả chuyên gia trong ngành cũng chỉ dám ước tính.

Việt Nam và 14 quốc gia thuộc Châu Á – Thái Bình Dương vừa ký hiệp định [9] RCEP hôm 15 tháng Mười Một năm 2020. Hiệp định này do Trung Quốc hậu thuẫn và được kỳ vọng thành công với khái niệm “chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do” – vốn là một trong những mấu chốt chính yếu gây ra thương chiến Hoa Kỳ – Trung Quốc vào tháng Ba năm 2018.

Phản ứng đầu tiên từ thị trường chứng khoán Việt Nam trước việc ký kết RCEP là “Ồ ạt bán cuối phiên, VN-Index giảm 16 điểm” [10] của báo stockbiz hôm 16 tháng Mười Một năm2020.

Giới quan sát vẫn còn nhớ rõ, Trung Quốc đưa ra sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) hơn 5 năm về trước. Cách đây 4 tháng, ngày 17 tháng Bảy năm 2020, ngân hàng AIIB chính thức [11] cho Ngân hàng VIB (Việt Nam) vay 100 triệu USD hỗ trợ duy trì các hoạt động của doanh nghiệp vốn bị ngưng trệ do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Giới chuyên gia trong lãnh vực tài chính – ngân hàng trên thế giới đều xem AIIB như là một thách thức của Trung Quốc đối với WB và IMF của Hoa Kỳ vốn tồn tại nhiều năm qua.

Kết

Trong bối cảnh đối đầu căng thẳng, không chỉ trong nội tại Hoa Kỳ mà còn giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc cũng như giữa Trung Quốc và những quốc gia liên quan như Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước khác, có vẻ nhà cầm quyền CSVN đang lạc nhịp và bối rối trước hiện trạng thế giới vô cùng hỗn độn hiện nay.

Những chính trị gia hàng đầu thuộc ĐCSVN có lẽ đang chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn, giữa khung cảnh rối rắm và hỗn độn đó, trước khi chỉnh sửa lại những bước đi lạc nhịp?

Thời gian và thời cơ không bao giờ dành cho những tư duy phản khoa học mệnh danh “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

_______________

Nguyễn Ngọc Già

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux