Chỉ có hơn 10 tháng, đại dịch COVID 19 đã gây ảnh hướng lớn và tức thì, đẩy cuộc sống người dân của các nước và nền kinh tế thế giới vào cuộc thay đổi lớn với rất nhiều khó khăn. Trên cái nền chung này, mới đây, có một sự kiện lớn là việc ký kết RCEP – được cho là nhằm tăng tốc kinh tế thế giới hậu Covid 19 – hiện đang bị các tin tức sôi động, giật gân từ chiến dịch phản kháng kết quả bầu cử Tổng Thống của ông Trump che mờ.
Bài viết này chỉ lướt qua các nét khái quát nhất về RCEP, rất mong các chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ “tập trung chuyên môn” hơn đến RCEP như đã có lúc chúng ta bàn miên man về TPP và CPTPP. Phần thứ nhì, đăng sau mà không kém phần quan trọng là dự đoán 10 cách mà đại dịch COVID 19 sẽ định hình lại kinh tế thế giới, để chúng ta cũng nghĩ và biết đâu có thể tự đào sâu các giải pháp thích hợp để “sống sót qua con trăng này” và vững vàng phát triển.
RCEP- BƯỚC LỚN ĐỂ TĂNG TỐC KINH TẾ THẾ GIỚI HẬU COVID 19
10 thành viên ASEAN cùng 5 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand vừa ký hiệp định thương mại tự do RCEP. Các thành viên chiếm gần một phần ba dân số thế giới và chiếm 29% GDP toàn cầu.
Ấn Độ từng tham gia đàm phán, nhưng đã rút vào năm ngoái, do lo ngại một lượng lớn hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc có thể gây tổn hại thêm cho các ngành công nghiệp nội địa của Ấn Độ (trong năm tài chính 2019, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc lên tới khoảng 50 tỷ USD)
Đây là khối mậu dịch tự do lớn nhất thế giới không có sự tham gia của Hoa Kỳ.
RCEP có thể củng cố vị thế của Trung Quốc vững chắc hơn với tư cách là đối tác kinh tế với Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào vị trí tốt hơn để định hình các quy tắc thương mại của khu vực; cắt giảm sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và công nghệ, trong bối cảnh rạn nứt ngày càng sâu sắc với Washington.
Hoa Kỳ vắng mặt trong cả RCEP và TPP.
RCEP thế chỗ cho hiệp ước TPP được thiết kế dưới thời Obama nhằm kềm toả sự bành trướng của Trung Quốc. Chỉ ba ngày sau khi ngồi vào ghế tổng thống, Donald Trump đã đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP và trao cho Tập Cận Bình một chiến thắng không tốn viên đạn nào.
10 CÁCH COVID ĐỊNH HÌNH LẠI THẾ GIỚI TƯƠNG LAI
Sau hơn 10 tháng Covid-19 “quậy tưng” toàn cầu, ta biết rằng thế giới không hề được (tự) trang bị đủ để đối phó với đại dịch khiến khoảng 1,1 triệu ca tử vong trên khắp thế giới. Tờ Financial Times vừa đưa ra dự báo 10 cách COVID định hình lại thế giới như sau:
Thứ nhất, về tương lai của đại dịch. Có thể là một loại vắc-xin sẽ sớm ra đời. Nó sẽ được bảo quản và phân phối khắp thế giới. Nhưng kết hợp 2 điều này dường như khó xảy ra. Vậy thực tế là dịch bệnh sẽ còn là mối đe dọa trong thời gian dài ?
Thứ hai, tổn thất kinh tế khắp các quốc gia sẽ kéo dài. Việc căn bệnh này được kiểm soát sớm như thế nào rất quyết định nhưng tùy tình trạng kinh tế mỗi nước mà nạn thất nghiệp, nợ xấu, gia tăng nghèo đói, bất công, giáo dục bị gián đoạn v.v. càng nghiêm trọng. Chừng như có nhiều nền kinh tế bị nhỏ lại và người dân nghèo đói hơn trước nhiều.
Thứ ba, cơ cấu của các nền kinh tế thay đổi. Dời sống chúng ta thay đổi, ít nhất là giảm hay ngừng đi du lịch và thường làm việc từ xa. Muốn hay không, chúng ta đã làm quen với một thế giới mới của tương tác ảo sẽ đeo đuổi ta lâu dài.
Thứ tư, sự nâng cao vai trò của công nghệ. Điều này là khôngthể đảo ngược. Đồng thời, sự tập trung của những gã khổng lồ công nghệ làm tăng ảnh hưởng của họ. Sẽ có sự gia tăng áp lực điều chỉnh độc quyền và đẩy mạnh cạnh tranh.
Thứ năm, vai trò của các chính phủ mở rộng. Các cuộc khủng hoảng lớn thường có xu hướng tạo thay đổi trong vai trò của chính phủ. Đặc biệt quan trọng là áp lực “xây dựng trở lại tốt hơn”. Đối phó đại dịch và xây dựng lại là điều kiện yêu cầu sự can thiệp lâu dài hơn của chính phủ so với trước đại dịch
Thứ sáu, tháo gỡ các sự can thiệp (rời rạc). Các ngân hàng trung ương cam kết lãi suất “thấp trong thời gian dài”. Các chính phủ sẽ có thể quản lý các khoản nợ của chính họ và giúp quản lý việc tái cơ cấu các khoản nợ nói chung. Đến một lúc nào đó, thâm hụt tài khóa sẽ phải giảm bớt…
Thứ bảy, ảnh hưởng đến chính trị trong nước. Một số quốc gia ứng phó hiệu quả với đại dịch, còn các quốc gia khác thì không. Một phần của vấn đề là liệu chính phủ có quan tâm đến hiệu quả của việc khống chế đại dịch, cho dân bớt chết?. Những người theo chủ nghĩa dân túy, chẳng hạn như Jair Bolsonaro, Boris Johnson và Donald Trump đã hoạt động kém.
Thứ tám, đại dịch tác động đến quan hệ quốc tế. Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và chỉ có thể được quản lý hiệu quả khi có sự hợp tác toàn cầu. Tuy nhiên, chủ nghĩa đơn phương không tạo thuận lợi cho hợp tác mà điều này làm cho dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Thứ chín, quá trình toàn cầu hóa bị chậm lại. Hệ thống đa phương có khả năng bị xói mòn hơn nữa, đặc biệt là Tổ chức Thương mại Thế giới và các tranh chấp thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc sẽ không được giải quyếtdo ảnh hưởng đại dịch. Đồng thời, toàn cầu hóa ảo có khả năng tăng tốc
Cuối cùng, thứ mười, là quản lý các vấn đề chung toàn cầu. Covid-19 là một con dao hai lưỡi. Một bên muốn gia tăng để làm mọi thứ tốt hơn, cả trong nước và trên thế giới, đặc biệt là vấn đề khí hậu. Thứ nữa là tính hợp pháp của các thỏa thuận quốc tế bị giảm sút, đặc biệt là ở Mỹ, quốc gia đã rút khỏi hiệp định khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới (khi ông Trump ra đi, liệu có thay đổi lớn để phục hồi thế giới liên lập có sự hợp tác toàn cầu ?).
Covid-19 là một cú sốc sâu sắc. Nó diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chỉ 12 năm trước. Nó chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả lớn về lâu dài, những thay đổi lớn khó lường đối với hoạt động kinh doanh, nền kinh tế, chính trị trong nội bộ các quốc gia và quan hệ quốc tế. Điều chắc chắn nhất là có nhiều thay đổi nhưng thay đổi thế nào thì phần lớn vẫn chưa chắc chắn./.
#hậuCovid-19 #tìnhhìnhkinhtếthếgiới
Leave a Comment