Quảng Cáo

Về vấn đề học phí: Tăng tăng tăng…

Quảng Cáo

Chu Mộng Long|

Không cần nói đạo đức nghề nghiệp, bài này tôi luận sòng phẳng về kinh tế thị trường, dù đó là thị trường giáo dục.

Khi vừa lên chức Bộ trưởng, ông Phùng Xuân Nhạ tuyên bố: “Học phí thấp thì không thể đòi hỏi chất lượng giáo dục cao”. Đúng tư chất chuyên gia kinh tế làm giáo dục. Kể cả cách tư duy ấy cũng rất phù hợp với kinh tế thị trường. Giáo dục, theo xu thế toàn cầu, không thể không nằm trong kinh tế thị trường. Các triết gia hậu công nghiệp gọi là “kinh tế tri thức” – tri thức được xem là một mặt hàng, được trao đổi theo quy luật cung – cầu.

Nôm na, người học muốn có tri thức phải bỏ tiền ra mua tri thức. Nhiều giáo sư tiến sỹ rởm hào hứng với điều này. Và thế là một cuộc cách mạng về giá cả: giá học phí, giá sách tăng vọt. Khi bị dư luận phản ứng, nhiều nhà giáo dục vin vào câu của Bộ trưởng mà biện minh cho hành vi của con buôn giáo dục.

Vậy là cái mệnh đề: “Học phí thấp thì không thế đòi hỏi chất lượng giáo dục cao” là tất yếu. Nhưng cái mệnh đề này sẽ làm cho cả một thế hệ phải chột dạ. Ông Nhạ và chúng tôi, cùng thế hệ với ông, khi đi học không đóng tiền học phí, phải thụ hưởng một chất lượng giáo dục cực thấp, tức chấp nhận sự ngu của cả một thế hệ?

Tôi từng đặt câu hỏi: “Nếu học phí cao thì liệu chất lượng giáo dục có cao thật sự không?” Tiếc là tôi không phải đại biểu Quốc hội, nên chỉ hỏi trên không gian mạng xã hội và chưa có ai trả lời. Mà tôi tin sẽ không ai trả lời được, kể cả chuyên gia kinh tế Phùng Xuân Nhạ.

Bài này tôi trả lời thay vậy. Nhưng phải bắt đầu từ trả lời cái mệnh đề kinh tế luận của Bộ trưởng: “Học phí thấp thì không thế đòi hỏi chất lượng giáo dục cao”.

Một là. học phí thấp vẫn đòi hỏi chất lượng giáo dục cao được. Nói thế hệ ông Nhạ và chúng tôi do không đóng học phí nên hưởng thụ một chất lượng giáo dục thấp, tức trình độ thấp ở hàng ngu dốt là cực hỗn, hỗn với hàng giáo sư tiến sỹ làm giáo dục thời ấy và tự hạ nhục mình. Vì sao học phí thấp, thậm chí miễn học phí, chất lượng giáo dục vẫn cao? Là bởi khi một nền giáo dục được nhà nước bao cấp, học phí đã được tính từ lao động và đóng thuế của dân. Dân lao động và đóng thuế nuôi nhà nước, nuôi giáo sư tiến sỹ, ắt nhà nước và các giáo sư tiến sỹ phải có lương tâm và trách nhiệm phục vụ nhân dân mà không đòi học phí nữa. Điều này không chỉ đúng cho nhà nước cộng sản mà còn đúng cho các nhà nước tư bản khi còn duy trì mô hình trường công lập. Trường công lập là mô hình trường mà đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng, chi phí học liệu, kể cả chi trả lương cho thầy đều là từ túi dân, được tính từ thuế do dân đóng, kể cả vay nợ cũng do dân trả, nên phải miễn học phí. Không có cái lợi nào lớn hơn khi đào tạo ra nhân tài cống hiến cho đất nước, giúp cho đất nước phát triển. Đó là lý do nhiều nước tư bản vẫn duy trì mô hình công lập, miễn học phí hoàn toàn cho con em của dân. Nhà trường công lập mà đòi đóng học phí nữa là ăn gian, trừ phi ngân sách khó khăn phải kêu gọi nhân dân đóng góp, hỗ trợ thêm.

Hai là, ngược lại, học phí cao chất lượng vẫn thấp, nhiều khi thấp tệ hại. Lý do đơn giản ai cũng hiểu. Trước tiên, đã gọi là học phí thì phải gắn liền với mô hình tư thục. Một cách sòng phẳng, đất đai, chi phí đầu tư xây dựng, học liệu và chi trả lương cho thầy đều từ tiền túi của tư nhân. Với chế độ tư hữu ấy, học phí càng cao, người học càng có quyền yêu cầu nhà trường phải đáp ứng chất lượng cao. Câu “tiền nào của nấy” đúng trong trường hợp này. Tất nhiên đã tư hữu thì cạnh tranh bình đẳng. Còn tư hữu độc quyền thì hoặc là thị trường giáo dục bị thao túng bởi các nhóm lợi ích hoặc biến thành sân sau của giới quyền lực. Nó sẽ xảy ra tình trạng tư bản hoang dã, sản xuất sản phẩm tồi tệ nhưng vẫn bắt ép người tiêu dùng trả giá cao. Đối với giáo dục, nếu độc quyền theo chủ nghĩa tư bản hoang dã thì không chỉ học phí giá cao mà giá mua sách cũng cao bất thường, trong khi người học phải tiêu thụ hàng dỏm, hàng giả, hàng độc hại.

Đề nghị Bộ trưởng xem xét lại, rằng giáo dục Việt Nam thuộc mô hình công lập hay đã tư nhân hoá hoàn toàn? Nếu vẫn còn công lập mà đòi học phí giá cao thì là sự gian lận của loại con buôn vô lương tâm, thiếu trách nhiệm, thậm chí đứng ngoài vòng pháp luật!

Điều tôi nói nằm trong Tư bản luận của K. Marx chứ không phải tôi bịa ra. Và lý luận trên không chỉ cho ngành giáo dục mà cho mọi ngành khác như Y tế, Giao thông, Điện lực… Việc sử dụng tài sản công, tức của dân, làm của riêng để trục lợi theo lợi nhuận tư bản, rằng phải tăng viện phí, tăng phí giao thông, tăng giá điện, tăng học phí… là hai lần bóc lột. Theo chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là sự tự diễn biến, tự chuyển hoá thông qua hành vi tước đoạt công hữu thành tư hữu.

Vừa rồi, tại Đại hội công chức – viên chức khoa, có sự tham dự của Hiệu trưởng và Chủ tịch công đoàn trường, tôi phát biểu: “Nhiều năm nay học phí hệ tại chức đã tăng gấp ba bốn lần, nhưng tiền công của người lao động không tăng là vô lý. Vô lý đến mức người lao động làm ngoài giờ vào ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, hè, nhưng tiền công không trả đúng theo Luật Lao động và theo giá học phí”. Hiệu trưởng hứa xem xét, nhưng xem xét thế nào chưa rõ. Điều tôi phát biểu xác định thêm một quan hệ khác trong kinh tế thị trường nói chung. Đó là quan hệ giữa chủ sở hữu lao động và người lao động. Trong Tư bản luận, Marx vạch trần việc tăng giờ làm đối với người lao động, kéo theo lợi nhuận tăng gấp nhiều lần, nhưng tiền công lao động không tăng là bóc lột thậm tệ. Ở đây, tôi nói thêm, việc tăng học phí nhưng tiền lương và tiền công làm ngoài giờ của người thầy không tăng thì làm cách nào chất lượng giáo dục được nâng cao? Tôi sẽ nói với Bộ trưởng rằng, với phương châm “tiền nào của nấy”, tôi dạy chiếu lệ, đối phó cho tương đương với giá trị tiền lương hay tiền công ông chi trả mà không cần nỗ lực nào, khi ấy chất lượng giáo dục có nâng cao được không?

Kết thúc bài này tôi có lời khuyên chân tình với giới lãnh đạo. Rằng nguồn lợi của giáo dục là không tính được. Khi người dân biết chữ và mỗi công dân được thụ hướng một nền giáo dục tốt về phẩm chất và năng lực, người dân sẽ sống tốt, đời sống ít tệ nạn hơn, bạo lực và lật đổ không diễn ra, kể cả làm ra nhiều của cải để nuôi cán bộ. Còn ngược lại thì hậu quả khôn lường. Ngu dốt có sức mạnh tàn phá hơn cả bom nguyên tử. Đối với người thầy và người lao động nói chung, thay vì tăng học phí cao ngất ngưởng, việc tăng tiền lương cho thầy và người lao động tương đương với sự phát triển xã hội chính là làm lợi cho chính người sử dụng lao động, vì lợi nhuận không từ trên trời rơi xuống mà từ động lực và sức lao động của người lao động./.

Chu Mộng Long

#tănghọcphí #bộtrưởngphùngxuânnhạ

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux