Quốc hội Việt Nam vừa quyết định hoãn xem xét – bỏ phiếu thông qua Dự luật Bảo vệ môi trường (BVMT) mới, thay thế cho Luật BVMT hiện hành.
Nói cách khác, kiến nghị của cộng đồng các chuyên gia về môi trường, sinh thái, cuối cùng đã có người nghe…
Tuy nhiên việc lắng nghe lại… nửa vời: Không xem xét – bỏ phiếu thông qua Dự luật BVMT mới vào ngày 11 tháng 11 theo nghị trình của Kỳ họp thứ 10 nhưng… chỉ dành sáu ngày cho Ban soạn thảo dự luật chỉnh sửa để xem xét – bỏ phiếu vào 17 tháng 11 (1).
***
Sở dĩ Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và Nhóm Công lý – Môi trường – Sức khỏe cùng kiến nghị Quốc hội không xem xét – thông qua Dự luật BVMT mới vì theo họ, dự luật: Thiếu logic trong cấu trúc, không rõ ràng về tầm nhìn và mục tiêu phát triển môi trường bền vững. Không cụ thể những điểm có thể và phải cụ thể về quyền và trách nhiệm của mỗi chủ thể trong bảo vệ môi trường…
Từ thực tế môi trường, sinh thái ở Việt Nam, nhiều chuyên gia và các tổ chức dân sự hoạt động vì môi trường, sinh thái từng kiến nghị (2):
– Công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường với bản trình thẩm định và bản đã bổ sung được phê duyệt, các hồ sơ xin giấy phép môi trường.
– Công khai hội đồng thẩm định, gồm tên tuổi thành viên, chuyên gia để ngoài trách nhiệm về chuyên môn, họ còn phải có trách nhiệm với xã hội khi được ủy thác và chấp nhận chịu sự giám sát nếu không phản biện hết trách nhiệm.
– Công khai các kết quả thanh tra, quy định cụ thể thời điểm công khai.
– Công khai kết quả quan trắc của các dự án đầu tư để người dân giám sát nếu có vi phạm về môi trường.
Các chuyên gia và tổ chức dân sự hoạt động vì môi trường, sinh thái đã giới thiệu chín nguyên lý vốn là căn bản trong luật BVMT của thiên hạ:
– Minh bạch và giải trình trách nhiệm (the accountability and transparency principle).
– Xem cảnh giác an toàn là tiêu chí hàng đầu (the precautionary principle).
– Dự phòng xuyên suốt (prevention principles).
– Người gây ô nhiễm phải bổi hoàn tổn hại môi trường (“the Polluter Pays” principle).
– Lồng ghép, tích hợp, đồng bộ hóa (the integration principle).
– Phát triển bền vững (the environmental sustainability principle).
– Tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia (the public participation principle).
– Trách nhiệm xuyên biên giới (cross-border responsibility principle).
– Công bằng và sòng phẳng trách nhiệm của thế hệ trước với thế hệ sau (equity and equality principle).
Vì lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc, trách nhiệm với hậu sinh, họ đề nghị bộ phận soạn thảo Dự luật BVMT mới hãy tuân thủ những nguyên lý ấy (3).
Không những không theo các nguyên lý vừa kể, bộ phận soạn thảo Dự luật BVMT mới còn khiến luật mới về BVMT… lạc hậu hơn luật BVMT cũ.
Ngày 2 tháng 11, khi tham gia góp ý cho Dự luật BVMT mới, ông Hoàng Dương Tùng, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên – Môi trường (TNMT) lưu ý: Dự luật BVMT mới đã loại bỏ yêu cầu công khai Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kết quả thanh tra mà Luật BVMT 2014 từng xác định là bắt buộc. Chuyên gia và xã hội sẽ không có thông tin để giám sát nếu né tránh công khai thông tin về các dự án, nhất là những dự án tác động lớn đến môi trường.
Tuy nhiên, Bộ phận soạn thảo Dự luật BVMT mới đã vứt tất cả góp ý của các chuyên gia, tổ chức vào… thùng rác, không tiếp thu mà cũng chẳng bổ sung.
Thái độ của Bộ phận soạn thảo Dự luật BVMT mới nói riêng và Bộ TNMT nói chung đã khiến nhiều chuyên gia, tổ chức dân sự phẫn nộ.
Những tổ chức dân sự như Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) vừa đề nghị các đại biểu Quốc hội không xem xét – bỏ phiếu thông qua Dự luật BVMT mới để ngăn chặn nguy cơ môi trường thoái hóa, ảnh hưởng tới sức khoẻ toàn dân, sức khoẻ môi trường sinh thái, đe dọa phát triển bền vững, vừa kêu gọi các đại biểu Quốc hội phê phán những vi phạm nặng nề cả về khoa học, đạo đức tồn tại trong cấu trúc và nội dung của Dự luật BVMT mới.
NCDs-VN còn kiến nghị những cá nhân là lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đánh giá và loại ngay ra khỏi hệ thống lãnh đạo các Bộ TNMT, Bộ Tư Pháp, Vụ Pháp luật – Văn phòng chính phủ, Thường trực Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường của Quốc hội những nhân sự yếu kém về đạo đức công vụ đã tạo ra Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự luật Môi trường”, bởi đó là đầu mối che đậy những thủ đoạn tinh vi, tạo ra một dự luật không tuân thủ nguyên lý làm luật môi trường cho mục tiêu phát triển bền vững.
***
Phản ứng của các chuyên gia, công chúng chỉ mới có một tác dụng: Quốc hội quyết định không xem xét – biểu quyết thông qua Dự luật BVMT mới vào ngày 11.
Tuy nhiên thay vì loại hẳn việc xem xét – thông qua Dự luật BVMT mới trong kỳ họp này như đề nghị của các chuyên gia, tổ chức dân sự hoạt động vì môi trường, sinh thái thì Quốc hội yêu cầu bộ phận soạn thảo Dự luật BVMT mới thẩm định tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự luật để Quốc hội xem xét – bỏ phiếu vào ngày 17 tháng 11! Chẳng lẽ nghị trình quan trọng hơn một bộ luật góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái một cách hữu hiệu hơn giai đoạn vừa qua?
Với thực trạng môi trường – sinh thái như đã biết và hàng loạt vấn nạn, hậu quả từ sự bất cập. phi lý của các qui phạm pháp luật liên quan tới môi trường, sinh thái như đang thấy, với cách hành xử cho thấy mức độ thành tâm – thiện ý của bộ phận soạn thảo Dự luật BVMT mới ra sao, dựa vào đâu mà Quốc hội tin rằng, sáu ngày là đủ điều chỉnh một dự luật quan trọng song lại lắm vấn đề như vậy? Nghị trình cần bận tâm để bảo vệ hơn các tiêu chí khoa học – hiệu lực thực thi – hiệu quả thực tế của một bộ luật như Luật BVMT?
Bao nhiêu đại biểu Quốc hội ngây thơ tới mức tin rằng, sáu ngày là đủ để tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện nội dung Dự luật BVMT mới, khi thông qua, Luật BVMT mới sẽ là trụ cột trong việc giải quyết vấn nạn môi trường, sinh thái? Không tin sao lại nhất trí?
Chú thích
(1) https://kinhtemoitruong.vn/lui-lich-thong-qua-luat-bao-ve-moi-truong-sua-doi-51041.html
(3) https://www.facebook.com/trantuanrtccd/posts/10219249537004226
#dựluậtbảovệmôitrường
Leave a Comment