Quảng Cáo

Nhớ câu “nhất phá sơn lâm”… bức xúc lâm tặc hoành hành

Quảng Cáo

Việt Nam vốn là nước thuần nông, ông cha mình ngày xưa đa phần ít học, làm ruộng trồng vườn, vậy mà kinh nghiệm, vốn sống, điều răn còn lưu lại, trong những hoàn cảnh cụ thể nào cũng thể hiện giá trị ứng xử sâu sắc. Câu “nhất phá sơn lâm”… là một đúc kết có tính chân lý, phù hợp để chiêm nghiệm trong thảm nạn mùa bão lũ năm nay.

Theo tác giả Hoàng Tuấn Công: “Sở dĩ xếp tội ‘phá sơn lâm’ vào hạng ‘nhất’ vì rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, quan trọng như lá phổi xanh của Trái Đất, điều hòa khí hậu, chống lũ cuốn, lũ quét; ‘sơn lâm’ còn hiểu là muôn loài cỏ cây trên mặt đất, tựa cái bể chứa khổng lồ lưu giữ, điều tiết, cung cấp nguồn nước ngầm cho ao hồ, sông biển. ‘Phá sơn lâm’ là hành động gián tiếp ‘đâm hà bá’, tức cùng lúc ảnh hưởng tới cả sinh vật trên cạn lẫn dưới nước (1)… ”

Nguy hại khó lường, diện rộng nhưng hiện tượng “phá sơn lâm” ngày nay đang xảy ra ngang nhiên, công khai.

Ngày 26/3/2018, người dân nhiều tỉnh Miền Trung không khỏi giật mình trước việc một chiếc xe đầu kéo chở cây gỗ cực khủng, có dấu hiệu vi phạm về an toàn giao thông chạy băng băng trên QL1A. Báo Dân Trí đăng loạt ảnh xe quái thú khi chạy vào nội đô thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vượt mọi quy chuẩn an toàn của Luật giao thông đường bộ (2)

Tối 30/3/2018 tại Km 860 tuyến QL1A, Trạm CSGT Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện 3 xe chở cây có dấu hiệu vi phạm và cho dừng xe kiểm tra: xe tải BKS: 73C-028.80 do tài xế Nguyễn Ngọc Linh (trú ở Đồng Hới, Quảng Bình) điều khiển, xe đầu kéo 73C-02148 kéo theo rờ-moóc 73R-00382 do tài xế Trần Sỹ Đồng (trú Quảng Trạch, Quảng Bình) điều khiển và xe đầu kéo 73C-04605 kéo rờ-moóc 73R-00201 đều vi phạm 3 lỗi: quá chiều dài, quá chiều cao, quá tải cầu đường từ 20-50%…

Các tài xế khai rằng mình chở cây cho Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn đóng tại địa bàn tỉnh Quảng Bình. Theo “baotainguyenmoitruong.vn”, trước đó Công ty Hải Sơn đã vận chuyển 1 cây cổ thụ “khủng” tương tự từ Đắk Lắk ra Quảng Bình, qua nhiều chốt trạm CSGT mà không bị phát hiện (3).

Ngày 2/9/2020 trong lúc tuần tra, tại Km 1933 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông), đội CSGT số 2 phòng CSGT tỉnh Đắk Nông đã phát hiện xe đầu kéo biển số: 51C-887.54, kéo theo rơ mooc biển số: 63R-003.17 chở một cây cổ thụ “khủng” nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra.

Tài xế Phạm Công Phúc (trú huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) khai nhận đưa cây cổ thụ trên từ tỉnh Gia Lai về tỉnh Bình Dương để tiêu thụ nhưng đã không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh nguồn gốc của cây.

Báo SGGP bình luận: “đoạn đường từ tỉnh Gia Lai đến điểm bị bắt chiếc xe chở cây “khủng” phải di chuyển hơn 300km trên đường Hồ Chí Minh, qua rất nhiều trạm, chốt kiểm tra của lực lượng CSGT, thế nhưng xe chở cây “khủng” vẫn dễ dàng vượt qua” (4).

Trên Facebook chính chủ của một nhà báo nêu trường hợp đeo bám cây khủng tuổi đời vài trăm năm được vận chuyển từ rừng Ea Sup, Tây Nguyên về tỉnh Quảng Bình, nêu đích danh địa chỉ đến của cây là tư gia một vị tướng, nguyên lãnh đạo ngành CSGT, không biết vì lý do gì mà ở một địa điểm tỉnh QB cây này đã bị đốt cháy thành than, đăng kèm với hình ảnh minh chứng (5).

Ngay tại thời điểm này, khi Quốc hội đang họp bàn về vấn nạn phá rừng, thủy điện gây ra bão, lũ dẫn đến cả trăm người chết và mất tích, nỗi đau chạm vào lương tri đồng bào, thì tại tỉnh Lâm Đồng hàng chục hecta đất rừng đang bị xẻ thịt (6).

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT 89% rừng khai phá phục vụ mục đích các dự án, chỉ 11% do lâm tặc (7). “Các dự án” của thống kê nhằm đến chủ yếu là dự án làm thủy điện. Chưa nói đến có tiêu cực hay không, làm thủy điện cho dù mang danh phục vụ phát triển đất nước nhưng làm một cách nôn nóng, tính toán sai, thiếu cơ sở khoa học, sang tay giấy phép… cũng là “phá sơn lâm”.

Tại Quốc hội, Đại biểu Trần Thị Dung, đoàn Điện Biên, nêu thực trạng: “Việc xây dựng 25 dự án thủy điện lớn ở Tây Nguyên đã lấy đi 68.000 hecta rừng của 26.000 hộ dân hoặc hồ chứa, đập thủy điện đã gây ra động đất. Tháng 1/2017 đến tháng 8/2018 tại tỉnh Quảng Nam đã có 69 trận động đất cường độ từ 2,5 đến 3,9 độ richter…”

Và dẫn lời Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ một tỉnh: “Người ta xây dựng thủy điện với lý do điều tiết nước nhưng thật ra không phải như vậy. Họ kiếm lời từ cây rừng bị chặt phá là chính rồi sau đó là năng lượng điện và nhiều nguồn tài nguyên khác. Nhưng vô hình trung, khi họ phá rừng cũng tước mất lá chắn hữu hiệu của thiên nhiên để điều tiết các dòng chảy của nước” (8).

Không phải một hai năm nay mà cả chục niên trước Báo Tuổi Trẻ từng cảnh báo vấn nạn “thủy điện cóc”: Quy hoạch của ba tỉnh Gia Lai, Đắc Nông và Kontum có đến 257 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ! Thủy điện nhiều đến độ các nhà chuyên môn bảo rằng chấm đâu trên bản đồ cũng trúng. Những con sông lớn hết chỗ thì người ta tấn công các con suối. Thủy điện Dak Ru có công suất rất nhỏ (chỉ 7,5MW) nhưng Công ty N&S đã phải phá hàng trăm hecta rừng dọc suối Dak Ru, đào xới, làm đảo lộn cảnh quan cả một vùng rừng núi thâm u để xây dựng đập ngăn hồ chứa và hệ thống kênh dẫn dòng dài hơn 5km (9)…

Là một dạng năng lượng tái tạo, phát minh ra thủy điện (hydroelectric) của Nikola Tesla (người Mỹ) là một thành tựu khoa học của loài người (10) đóng vai trò tích cực bảo vệ môi trường, cung cấp nguồn năng lượng cho mạng lưới điện công cộng, điều tiết nước phục vụ cho mục đích sản xuất, công nông nghiệp.

Các nhà máy thủy điện như Hòa Bình, Sơn La, Đa Nhim… đã thực hiện chức năng trên phục vụ mục đích xây dựng, phát triển đất nước. Cho nên thủy điện không cần ai phát biểu theo hướng nói tránh nói giảm vai trò tác nhân gây nên bão, lũ, sạt lở đất. Chính cách quản lý khai thác vận hành thủy điện sao cho tối ưu hóa công năng, tối thiểu hóa tác hại rủi ro, xóa bỏ lợi ích nhóm, chặn đứng núp bóng thủy điện ăn gỗ, bán rừng… là khía cạnh đặc thù của thủy điện nước ta cần phải mổ xẻ, luật hóa, quy trách nhiệm.

Trở lại trường hợp vận chuyển cây khủng, báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT khẳng định không thấy có hành vi bao che cho phương tiện chở cây quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ (11). Các cây khủng bị ách lại ở tỉnh Thừa thiên, Huế sau vài tuần người ta đã trưng ra được hồ sơ mua bán cây có chứng nhận của chính quyền địa phương, như vậy là hợp lý hóa quy trình “đưa rừng về phố” của một chủ nhân có địa chỉ cư trú ở Hà Nội. Hàng đã về với chủ, sau đó mọi việc chìm vào im lặng không ai bị hề hấn gì. Chủ nhân những cây khủng phải là những người có quyền miễn trừ mới ngang nhiên việc làm gây rúng động núi rừng, nhiễu loạn quốc pháp như vậy được!?

Hẳn sẽ còn những vụ vận chuyển trái phép trót lọt, hoặc khai phá trong rừng sâu không ai thấy, xẻ nhỏ ra để tuồn gỗ lậu về xuôi theo cách “tiểu ngạch”. Báo chí, mạng xã hội đã cung cấp những hình ảnh đồ gỗ khủng được xây cất, trưng bày tại các tư gia cán bộ, nhà đại gia, chùa chiền và cơ sở tôn giáo, cho thấy một trào lưu chơi cây cổ thụ, chơi đồ gỗ quý của bọn trọc phú đang thịnh hành trong xã hội, đấy là một trào lưu nhiều tội lỗi cần phải được thanh tra, khai tử.

Nếu ai còn phân vân, phá rừng ở Tây Nguyên can cớ gì 15 vụ sạt lở ở Miền Trung xảy ra trong 1 tháng gây chết và mất tích 115 người (12)… Xin thưa, “nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra một cái đập cánh của con bướm ở Brazil có thể dẫn đến cơn lốc ở Texas” (13).

Đỉnh núi Fanxipan nghìn năm trầm mặt, Bà Nà hill long mạch xứ đàng trong, Lũng Cú, núi Chín Khúc, Hòn Xện… thời cha ông kinh tế không phát triển như bây giờ nhưng đã được gìn giữ, bảo tồn nghiêm mật, chúng đang chịu đối xử thô bạo, bị cạo trọc đầu, bê tông hóa, kinh doanh bán vé.

Dù nhân danh phát triển hay xây khu tâm linh để khai phát một đạo giáo cao siêu nào mà “nhất phá sơn lâm”, biến của công thành tư là phạm pháp, đi ngược lại lợi ích bền vững của quốc gia và dân tộc, trực tiếp và gián tiếp gây thảm nạn chết chóc lên người dân.

T.N.

_________

Chú thích:

(1) https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/nhat-pha-son-lam-nhi-dam-ha-ba-la-sao-20160514215030516.htm

(2) https://dantri.com.vn/xa-hoi/giat-minh-xe-cho-cay-khung-nhu-quai-thu-bang-bang-tren-quoc-lo-1-a-20180327123900529.htm

(3) https://baotainguyenmoitruong.vn/vu-3-cay-khung-phat-chu-so-huu-750-000-dong-cho-van-chuyen-cay-ra-ha-noi-260843.html

https://baotainguyenmoitruong.vn/vu-van-chuyen-3-cay-go-khung-chu-cay-va-tai-xe-khai-voi-cong-an-nhung-gi-259672.html

(4) https://www.sggp.org.vn/bat-xe-container-cho-cay-co-thu-khung-khong-giay-to-nguon-goc-682987.html

(5) https://www.facebook.com/huudanh.truong.5/posts/2076483892452007

(6)http://baolamdong.vn/toasoan-bandoc/202011/hang-chuc-hecta-dat-lam-nghiep-bi-xe-thit-3029051/index.htm?

(7) http://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=44130

(8) http://giadinh.net.vn/xa-hoi/25-du-an-thuy-dien-lon-o-tay-nguyen-da-lay-di-68000-hecta-rung-20201104151727477.htm

(9) https://tuoitre.vn/tay-nguyen-nha-nha-lam-thuy-dien-343889.htm

(10) https://zingnews.vn/phat-minh-ra-thuy-dien-tia-x-tesla-le-ra-phai-duoc-cong-nhan-tu-lau-post1008947.html

(11) https://www.nguoiduatin.vn/bo-gtvt-ly-giai-xe-cho-cay-xanh-khung-luu-thong-khong-phep-o-ql-a367546.html

(12) https://vnexpress.net/mot-thang-15-vu-lo-nui-chet-nguoi-o-mien-trung-4186427.html

(13) https://vnexpress.net/cu-dap-canh-cua-con-buom-anh-huong-the-nao-den-thoi-tiet-3421825.html

Nguồn: baotiengdan.com

Quảng Cáo
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux