Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Trong kỳ họp quốc hội khoá 14 vào ngày 4 tháng Mười Một vừa qua tại Hà Nội, có hai sự kiện được các đại biểu nêu ra nhưng chính phủ của ông Phúc có hai phản ứng khác nhau.
Thứ nhất về vụ lũ lụt miền Trung. Các đại biểu đã “thay nhau” chất vấn chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc về nạn phá rừng làm thủy điện là nguyên nhân gây ra lũ lụt, sạt lở ở Miền Trung trong tháng Mười vừa qua, khiến cho hơn 150 người thiệt mạng. Sự thiệt hại lớn lao ấy đã làm dư luận các nơi rúng động, vì chưa có năm nào người dân Miền Trung lại hứng chịu nhiều tai ương như thế.
Đăng đàn trả lời cho những chất vấn này, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và cả đám quan chức Bộ Tài Nguyên-Môi Trường và Bộ Công Thương đều cho rằng thủy điện không dính dáng gì đến các vụ sạt lở đất, lũ lụt mà là do đất và nền đất không thấm được nước nên bị sạt lở. Họ coi như đây là điều không tránh khỏi và lờ đi chuyện trách nhiệm thuộc về ai.
Phát biểu trước diễn đàn quốc hội, Bộ Trưởng Tài Nguyên-Môi Trường Trần Hồng Hà còn bào chữa cho thủy điện: “Không có hồ chứa thủy điện, lũ lụt còn khủng khiếp hơn.” Nói như thế tức là chẳng những người dân Miền Trung phải cám ơn Bộ mà hơn 150 người đã chết cũng phải cám ơn đảng vì chết như thế là còn ít. Trong khi đó, các chuyên gia về thủy điện và địa chất đều kết luận rằng chính thủy điện mọc lên như nấm ở Miền Trung và vùng Tây Nguyên là nguyên nhân gây ra thảm họa vừa qua.
Rõ ràng đây là những kẻ ngu muội, bướng bỉnh, vô trách nhiệm mà còn cố cãi chày cãi cối để chạy tội. Trước các đại biểu, Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã thừa nhận trên toàn quốc hiện có 429 đập thủy điện lớn nhỏ. Trong nhiều năm qua tác hại của nó đã được chứng minh nhiều lần mà mới nhất là thủy điện Đắk Mi đêm 28 tháng Chín đã xả lũ không báo trước khiến hàng trăm gia đình huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam bị ngập, tài sản bị cuốn trôi. Nhưng ông bộ trưởng khẳng định rằng “tác động của thủy điện chỉ ở chừng mực.”
Được biết ngoài những “thủy điện cóc,” vùng Tây Nguyên còn có 25 dự án thủy điện thuộc loại lớn đã tàn phá tổng cộng 68.000 ha rừng của 26.000 gia đình, theo dẫn chứng đại biểu quốc hội Trần Thị Dung. Các công trình xây dựng hồ chứa nước, đập thủy điện cũng đã gây ra một số trận động đất nhỏ trong 2 năm 2017-2018 tại Quảng Nam, đặc biệt khu vực hai huyện Nam-Bắc Trà My, nơi có thủy điện Sông Tranh 2. 68 ngàn ha rừng ấy đã tạo ra biết bao mét khối gỗ để biến thành vàng và đô-la chảy vào túi cán bộ và các nhóm lợi ích, trước khi các công trình thủy điện thành hình.
Thứ hai là vụ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1. Có ít nhất 8 đại biểu lên đặt vấn đề bất cập vụ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 và những sai lầm trong việc soạn thảo và phát hành trong đầu năm học 2020 làm dư luận xã hội bất mãn.
Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ Tướng đã đăng đàn xin lỗi và ghi nhận những sai trái mà các đại biểu nêu ra, đồng thời chính thức thông báo là đã thay thế chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Bộ Trưởng Giáo Dục-Đào Tạo Phùng Ngọc Nhạ cũng hứa hẹn chỉ đạo rà soát lại vấn đề biên soạn… để không còn sai. Chuyện hứa rà soát này nọ chắc bộ trưởng cũng chỉ hứa cho quốc hội hài lòng còn việc thực hiện thì hậu xét.
Lẽ ra, sau khi được thẩm định bởi một hội đồng gồm nhiều giáo sư tiến sĩ, các nhà giáo dục và bộ chấp thuận cho phát hành để các trường sử dụng giảng dạy thì một bộ sách giáo khoa căn bản như Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều không được quyền sai sót, ngoài lỗi in ấn. Nhưng ở đây cuốn sách lại mang một nội dung đầy sai lầm về ngôn ngữ và tính cách giáo dục trẻ em năm bắt đầu bước vào trường học, là một xã hội thu nhỏ. Bây giờ bộ nói sẽ rà soát và rút kinh nghiệm thì cũng vô ích và tốn tiền tiền ngân sách để in lại. Đây đúng là chuyện dưới mái nhà xã hội chủ nghĩa ưu việt mà người dân thường nói mỉa mai “sai đâu sửa đó, sai đó sửa đâu, sửa rồi lại sai, sai rồi lại sửa.”
Câu hỏi đặt ra là Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đã dựa trên tiểu chuẩn gì để “thẩm định” các nội dung biên soạn và nhất là Bộ Giáo Dục đã dựa trên mục tiêu gì để soạn nội dung dạy tiếng Việt cho những em bé ở độ tuổi từ 5 đến 6 tuổi. Với những phản ảnh của các thầy giáo và đa số phụ huynh khi đọc nội dung sách Tiếng Việt lớp 1 đều cho rằng hoàn toàn không phù hợp với trình độ của các em nhỏ.
Điều đáng nói ở đây là so với sự chối tội về nguyên nhân thủy điện gây sụt lở trong vụ lũ lụt vừa qua, phản ứng của các quan chức phụ trách mảng giáo dục tỏ ra có cầu thị, biết lắng nghe và hứa rút kinh nghiệm. Họ có hứa nhưng có thực hiện hay không là điều ngoài khả năng tác động từ phía chúng ta; nhưng ít ra những nhiệt tình vận động này vẫn âm thầm tiến hành.
Nói tóm lại, qua hai thái độ nói trên, người ta thấy bộc lộ rõ ràng bản chất của những kẻ lãnh đạo hiện nay. Dựa vào chính sách xã hội hóa thủy điện, nhà nước bỏ mặc cho các nhóm lợi ích đốn cây, phá rừng bán lấy tiền chia nhau, tạo ra cảnh sạt lở đất giết chết hàng trăm người. Thế mà người đứng đầu chính phủ là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc trốn tránh trách nhiệm, không nhận sai phạm để chấn chỉnh và ngăn chặn, đem “thời tiết cực đoan” ra làm thủ phạm.
Như thế rõ ràng chế độ này coi sinh mạng người dân như cỏ rác. Vì thế nhân danh lợi ích kinh tế, xã hội rừng cứ tiếp tục bị tàn phá để xây dựng thủy điện, vun bồi lợi ích các quan chức nhà nước. Và hàng năm cứ tái diễn cảnh lụt lội, sạt lở, dân chết thì hô hào cứu trợ rồi thôi…
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment