Quốc hội Việt Nam trong cuộc họp ngày 2 tháng 11 tại Hà Nội, bắt đầu xem xét cho phép chuyển đổi khoảng 1.500 hécta rừng, để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Sạt lở, lũ lụt sao vẫn cho phá rừng?
Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều tỉnh thành tại miền Trung Việt Nam đã liên tục phải chịu 3 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới gây lũ lớn và sạt lở đất. Bão số 7 và 8 đã khiến 153 người chết và mất tích, 222 người bị thương và hơn 100.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hại. Bão số 9 tính đến ngày 3 tháng 11, theo Ban Chỉ đạo Phòng chống Thiên tai đã có 36 người chết, thiệt hại về tài sản chưa thể thống kê.
Nhiều ý kiến dư luận cho rằng, lũ lụt ở miền Trung những ngày qua, ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, có một phần nguyên nhân là do phá rừng, làm tăng nặng tổn thất. Vậy vì sao ngay thời điểm này, Quốc hội Việt Nam lại xem xét cho chuyển đổi 1.500 hécta rừng để thực hiện dự án hồ thủy lợi?
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, nhận định:
Đúng là chủ trương chung cần khẳng định là phải giữ rừng, và đây cũng là quan điểm chính thống ở Việt Nam. Bên cạnh đấy, cũng có thể trong những trường hợp nhất định, mà thật sự cần thiết cho nhu cầu canh tác của dân tại một vùng nào đó, thì cũng có thể chuyển một số diện tích rừng, nhất là những cánh rừng hiện nay rơi vào tình trạng nghèo kiệt không thể làm gì nữa. Nhưng đây phải là những trường hợp thật sự đặc biệt. Nói chung việc xem xét của Quốc hội nên hay không nên, thì thật sự phải có nghiên cứu rất kỹ lưỡng.”
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, việc xem xét phải giải quyết bài toán ‘chi phí lợi ích’ về mặt kinh tế, xã hội và môi trường… Ông nói tiếp:
“Mất rừng như vậy sẽ thiệt hại gì và cái lợi về môi trường là có lợi hay không khi thay thế rừng bằng mặt nước… Tôi cho rằng đối với từng trường hợp cụ thể phải xem xét bài toán ‘chi phí lợi ích’ thật cẩn thận mới có thể ra quyết định. Tôi cho rằng, những trường hợp này phải thật sự đặc biệt, cái lợi phải được rất rất nhiều so với cái thiệt hại, kể cả về mặt rừng, cả về mặt tác động đến môi trường và vấn đề xã hội…”
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, (NN&PTNT), dự án hồ chứa nước Sông Than ở tỉnh Ninh Thuận có tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 885,51 hecta, trong đó có 431,76 hecta đất rừng phải phá bỏ. Theo giải thích của bộ này, dự án nhằm giải quyết cấp bách tình trạng hạn hán ở Ninh Thuận, cấp nước tưới cho 4.500 hecta đất canh tác; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20 ngàn hộ dân vùng hạ lưu…
Đối với dự án hồ chứa nước Bản Mồng, ở Nghệ An, Bộ NN&PTNT cho biết để thực hiện dự án, diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là hơn 1.131 hecta đất rừng…
Có khác gì phá rừng làm thủy điện?
Trong khi cũng trong ngày 2 tháng 11 năm 2020, chính Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh một lần nữa đã khẳng định, cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào, nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không cho phép triển khai thực hiện.
Liệu có sự quản lý không đồng bộ giữa các bộ ngành chính phủ, hay việc phá rừng làm hồ thủy lợi có khác gì phá rừng làm thủy điện? Liệu phá rừng làm hồ thủy lợi có ‘miễn nhiễm’ với sạt lở, hay lũ chồng lũ khi hồ phải xả lũ như thủy điện?
Giáo sư Tiến sĩ khoa học Phạm Hồng Giang, giảng viên Đại Học Thủy Lợi Hà Nội, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, giải thích:
“Đối với các hồ, nhất là các hồ lớn, đều có qui trình vận hành trong mùa mưa lũ. Khi vận hành phải đảm bảo làm sao giảm nhẹ mức lũ dưới hạ du khi một con nước về, đồng thời cũng phải đảm bảo được lượng nước sử dụng trong mùa khô. Thế thì giữ nước rồi xả nước như thế nào thì phải theo qui trình, đồng thời có thông báo và có dự báo của khí tượng thủy văn, để biết trong thời gian sắp tới mưa lũ như thế nào. Còn việc kiểm tra chặt chẽ đến đâu thì cũng phải coi số liệu đầy đủ. Nhưng dù sao sự an toàn của hồ cũng là quan trọng, có những biểu hiện không an toàn thì phải xả.”
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, thì cho rằng ngoài những yếu tố liên quan lũ lụt, sạt lở, còn có thể ảnh hưởng những vấn đề như xã hội, kinh tế:
“Đã có nhiều vấn đề về môi trường, xã hội, ngoài yếu tố về kinh tế liên quan các dự án thủy lợi. Ví dụ chuyện di dân, những người sống ở khu vực lòng hồ đã phải di dân. Rồi vấn đề về tái định cư, và sinh kế của người dân ở đó bởi vì họ sống ở dưới thung lũng thì họ dễ dàng canh tác, bắt cá nhưng khi di dời, theo khảo sát của tôi, thì cuộc sống của họ khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài ra những hồ chứa như vậy phải hi sinh rất nhiều đất rừng. Mà rừng ở Việt Nam càng ngày càng thu hẹp và chất lượng không còn dồi dào như ngày xưa nữa.”
Hiện trạng rừng
Tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 3 tháng 11 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Ông này cho rằng, trong vòng 30 năm Việt Nam với GDP thấp nhưng đến nay đã nâng hệ số che phủ rừng gần 42%, trong khi thế giới bình quân chỉ 29%.
“Con số rừng của Việt Nam mà mọi người vẫn nói tới là vẫn giữ được 14,6 triệu hecta rừng, thì tôi cho rằng con số thật. Bởi vì đây là con số khi kiểm tra đất đai, đất rừng cũng có phản ảnh. Nhưng điều đáng buồn là chất lượng rừng trong 14,6 triệu hecta đất rừng này, thì chất lượng cực kỳ kém. Theo tôi nhớ, đã có đến 70% rơi vào tình trạng rừng trung bình kém, nghèo kiệt… Trong 14,6 triệu hecta đó, thì 10,3 triệu hecta là rừng tự nhiên, còn rừng trồng là 4,3 triệu hecta. Tất nhiên rừng trồng là rừng sản xuất thì việc xem xét có thể nhẹ nhàng hơn. Nhưng trong 10,3 triệu hecta rừng tự nhiên, thì tỷ lệ rừng kém chất lượng chiếm rất cao.” – Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định.
Trong khi các nhà khoa học đều cho rằng, lũ lụt, sạt lở ở miền Trung những ngày qua, ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, có một phần nguyên nhân là do phá rừng, thì hôm 30 tháng 10 năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lại cho rằng: “Lũ cao thì do mưa lớn kéo dài, nắng lắm mưa nhiều – đó là qui luật của trời đất. Rồi lũ lịch sử, tất cả đều có tần suất. Thế mà một số báo đưa thông tin không khách quan, như có bài báo viết ‘Các thủy điện ở Nghệ An đồng loạt xả lũ, nhà dân ngập nước’.”
Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trị, khi trả lời truyền thông nhà nước Việt Nam hôm 21 tháng 10 năm 2020, cũng cho rằng nói lũ lụt ở miền Trung do phá rừng là không đúng, mà do biến đổi khí hậu.(!?)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nhận định:
“Tôi nghĩ rằng bây giờ mình phải tìm cách khôi phục lại tự nhiên càng nhiều càng tốt, tránh chuyện chúng ta khai thác thiên nhiên quá mức. Điều này đòi hỏi một sự nỗ lực rất lâu dài, và tốn kém rất nhiều. Đồng thời phải xem xét lại vấn đề bố trí lại dân cư trong những vùng rủi ro như vậy, và điều này đòi hỏi một sự nỗ lực rất lâu chứ không thể một sớm một chiều.”
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, rừng kém chất lượng, rừng nghèo kiệt làm giảm rất lớn vai trò của rừng. Vì vậy ông cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là chính phủ phải tìm cách nâng cao chất lượng rừng, để có những diện tích rừng giàu, thì mới có nghĩa của con số 10,3 triệu hecta rừng tự nhiên./.
Nguồn. RFA
#phárừng #lũlụt
Leave a Comment