Vì né tránh va chạm các bậc trên trước, nên hôm nay tôi mới viết. Viết vì giáo dục và vì trẻ em, cũng là vì tương lai của dân tộc. Ba nén nhang cúi xin các bậc trên trước thứ tội.
Các bậc trên trước đó chính là các giáo sư tiến sỹ trong Hội đồng thẩm định quốc gia.
Dự án 34 ngàn tỷ cho việc thay sách giáo khoa, hiển nhiên có chi cho Hội đồng thẩm định quốc gia. Và đã nhận tiền ắt Hội đồng đó phải chịu trách nhiệm trước quốc dân đồng bào. Không chỉ 34 ngàn tỷ tiền thuế máu mà còn tiền mua sách của hàng triệu phụ huynh học sinh, Hội đồng này không thể phủi trách nhiệm.
Được tin Sở GD TP Hồ Chí Minh “giao quyền cho giáo viên chủ động điều chỉnh ngữ liệu trong sách giáo khoa lớp 1“, tôi có phần đồng tình nhưng không khỏi băn khoăn.
Đồng tình vì, một là, Sở GD TP HCM căn cứ vào sự phản ứng của khách hàng và dư luận đã thừa nhận Hội đồng thẩm định quốc gia là một hội đồng không có năng lực, thiếu hiểu biết về giáo dục, cho nên đã cho ra lò một bộ sách phản giáo dục; hai là, đã đa dạng hoá sách giáo khoa thì ắt giao quyền tự chủ cho giáo viên là hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên, sự băn khoăn nhiều hơn là đồng tình. Một là, quyền tự chủ của giáo viên mà tôi nói trên không đơn thuần là sự chữa cháy do sự cố ngữ liệu của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một. Họ phải được quyền lựa chọn sách giáo khoa ngay từ đầu chứ không phải UBND lựa chọn rồi áp đặt cho họ. Anh đốt nhà rồi bảo tôi chữa cháy là việc làm của thổ phỉ, không phải của giáo dục. Hai là, đã trao quyền chủ động điều chỉnh ngữ liệu trong sách giáo khoa thì ắt đã mặc nhiên thừa nhận sách giáo khoa sai căn bản, bởi vì trẻ em học chữ trên nền của ngữ liệu đang có trên sách chứ chẳng nhẽ bứt râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thay ngữ liệu đồng nghĩa với thay toàn bộ sách giáo khoa. Vậy sao không thay hẳn sách giáo khoa mà chỉ điều chỉnh ngữ liệu? Ba là, khi đã mặc nhiên thừa nhận sách giáo khoa sai thì phải truy cứu đến cùng kẻ đã làm ra và thẩm định chất lượng sách. Điều này cũng giống như sản xuất hàng độc hại, hàng dỏm, hàng giả ra thị trường, cần xử lý theo luật thị trường. Nếu hàng bị lỗi thì nhà xuất bản phải thu hồi sách, xin lỗi và bồi thường khách hàng là giáo viên và phụ huynh. Còn nếu là hàng dỏm, hàng giả, hàng độc hại thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, cả người sản xuất lẫn thẩm định!
Tôi từng trao đổi với ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó ban Tuyên giáo trung ương, rằng tôi ủng hộ đa dạng sách giáo khoa với điều kiện làm đúng như các quốc gia văn minh đã làm. Bộ chủ quản chỉ thiết kế Chương trình và Chuẩn đầu ra, còn sách giáo khoa do các tổ chức và cá nhân làm trong sự cạnh tranh bình đẳng, giáo viên và phụ huynh hoàn toàn tự chủ trong việc lựa chọn sách để dạy học, miễn sao đáp ứng được chuẩn đầu ra. Không cần một Hội đồng thẩm định hay Hội đồng lựa chọn nào cả, thị trường lành mạnh ắt tự nó sàng lọc. Kẻ sản xuất hàng giả, hàng dỏm, hàng độc hại để lừa bịp khách hàng hoặc bị sa lưới pháp luật hoặc bị tẩy chay và bị phá sản.
Nhưng sự thực là, sự đa dạng sách giáo khoa như hiện nay chẳng khác gì tạo ra một bãi rác giáo dục. Kẻ vứt bừa bãi thứ rác giáo dục cho nhân dân thụ hưởng chính là những người vừa làm Chương trình vừa làm Sách giáo khoa để lũng đoạn thị trường. Và cũng không thể không nói đến cái Hội đồng thẩm định và Hội đồng lựa chọn có thừa học hàm học vị nhưng đồng tiền đã làm cho mắt mờ, mũi điếc, đến mức không phân biệt được thúi và thơm, rác rưởi và thứ có thể ăn được!
Xem ra cơn bão lũ thiên tai tàn phá miền Trung không tàn phá bằng cơn bão lũ giáo dục do các bậc trên trước có học hàm học giáo sư tiến sỹ nhân danh cải cách đang trút xuống đầu trẻ em Việt Nam. Thưa các bậc trên trước, dân cần tế bao nhiêu ngàn tỷ nữa để có được một nền giáo dục trong sáng và lành mạnh?
Chu Mộng Long
#sáchgiáokhoalớp1 #hộiđồngthẩmđịnhquốcgia
Leave a Comment