Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, sáng 30/10/2020, khi nói đến nguyên nhân lũ cao, gây sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung, ông Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói đại ý như sau:
Lũ cao là do mưa lớn kéo dài, không phải do thủy điện xả lũ. Thủy điện có tác dụng tích nước, không có thủy điện là rất nguy hiểm.
Về vấn đề sạt lở đất là do mưa lâu ngày, đất chứa nhiều nước làm cho tính kết dính rất kém (chứ không phải do phá rừng như dư luận và báo chí nói).
Nói về rừng ở Việt Nam, ông Dũng cho biết hiện nay Việt Nam phủ kín trên 40% tổng diện tích tự nhiên. “Như vậy công tác trồng rừng ở nước ta rất tốt. Có những vùng như Trung bộ, Đông bắc… bây giờ rừng phủ kín”.
Xin trao đổi với ông Phó Thủ tướng 2 vấn đề sau đây:
1. Về thủy điện: Ông chỉ mới hiểu một nửa của vấn đề. Vẫn biết thủy điện khi mưa thì tích nước. Nhưng khi mưa to, khi hạ lưu đang chìm ngập trong lũ, thì để bảo đảm độ an toàn cho nên thủy điện phải xả. Vậy là gây ra tình trạng “Lũ chồng lũ”.
Còn về mùa khô hạn, khi hạ lưu cần nước để tưới tiêu cho cây trồng, thì thủy điện lại tích nước để phát điện. Như vậy là hạn chồng hạn.
Chẳng lẽ ông không biết việc này sao, hay là để bảo vệ cho thủy điện tiếp tục gây hại cho người dân, tuy ông biết nhưng nói bừa?
2. Về rừng và nguyên nhân gây sạt lở đất:
Theo định nghĩa: Rừng là một hệ sinh thái. Trong một khu rừng có cây tầng cao, cây tầng giữa và cây bụi. Rừng cung cấp oxy cho con người và động vật, giúp điều hòa khí hậu. Là môi trường sinh sống và trú ẩn của nhiều loài động thực vật. Ngoài ra rừng chống xói mòn đất, cản sức gió và ngăn cản tốc độ chảy của dòng nước. Giúp điều tiết lượng nước, phòng chống thiên tai lũ lụt, xói mòn và sạt lở đất.
Vậy hậu quả của việc cạo nhẵn lớp mặt rừng nguyên sinh để làm thủy điện, bằng khai thác rừng lấy gỗ, và đốt rừng để trồng cây mới là nguyên nhân tạo nên tính kết dính kém đây ông ạ..
Khi cây rừng bị cưa sạch, lớp đệm giữ nước của rừng bị bóc, thay vào đó là những cánh rừng mới trồng xanh um, tươi tốt, nhưng kỳ thực lớp mặt đất núi đã bị tổn thương, liên kết núi bị bẻ gãy và chỉ cần một trận mưa lớn, núi trở thành cái túi đất ngậm nước, đến khi ngậm không nổi nữa thì vỡ ra, gây sạt lở, chuồi đất, lũ quét, lũ ống…
Để thi công công trình thủy điện, ngoài việc phá rừng, người ta đã xẻ núi, cắt xẻ taluy cao, dốc để mở đường và làm công trình. Việc làm đường giao thông và lấy mặt bằng xây dựng nhà ở và làm công trình phụ trợ, đã làm mất cân bằng sườn dốc, phá vỡ kết cấu bền vững đã tồn tại hàng triệu năm nay. Trong khi, một quả núi phải mất hàng triệu năm mới hình thành thế cân bằng, thì sự can thiệp của con người sẽ làm mất đi xu thế này.
Bình quân các nhà máy thủy điện cóc 1MW tiêu ngốn khoảng 10 ha rừng đầu nguồn. Vậy mỗi dự án thủy điện “nuốt chửng” hàng mấy trăm ha rừng ông có biết không?
Hãy nghe các nhà khoa học lên tiếng:
Nói về rừng trồng, PGS.TS Bảo Huy, Đại học Tây nguyên khẳng định: Rừng trồng không có chức năng phong hộ. Do kết cấu rừng đã được thiết kế phù hợp với lưu vực và điều kiện khí hậu, địa chất của từng vùng. Vì vậy, những khu rừng nguyên sinh, rừng nhiệt đới nhiều tuổi, có nhiều tầng tán, nhiều loại cây, tạo ra nhiều tầng lớp phòng hộ rất hiệu quả.
Ông Trịnh Xuân Hòa, Phó viện trưởng Khoa học Địa chất và Khoáng sản,cho rằng: “Mất rừng tự nhiên là một trong nguyên nhân sạt lở đất. Để làm đường, làm công trình thì phải bạt núi, xẻ taluy, mất thảm thực vật dẫn tới nguy cơ sạt lở. Khả năng giữa nước của rừng tái sinh rất hạn chế so với rừng tự nhiên.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nói: “Người ta chỉ nhớ đến rừng khi xảy ra lũ lụt”.Theo đó: “Một nguyên nhân không thể bỏ qua là tác động tiêu cực của con người lên tài nguyên rừng. Ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái là có giới hạn. Những can thiệp thô bạo của con người lên thiên nhiên, trong đó có khai thác rừng quá mức là nguyên nhân gây ra lũ lụt.
Theo báo cáo số liệu năm 2005 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria.. Nguyên nhân mất rừng do sự yếu kém và tham nhũng trong công tác bảo vệ rừng, sự thông đồng, cấu kết, tiếp tay, chia chác của các giới chức hữu quan cũng như lực lượng kiểm lâm đã tiếp tay cho lâm lặc chặt phá rừng.
Vẫn biết rằng: “Ăn cây nào rào cây ấy”.Nhưng bảo kê kiểu đó thì lộ liễu quá.
Tất cả các nguyên nhân đó gây ra lũ chồng lũ, gây ra tai ương và tang thương, mất mát cho dân. Tất cả các nguyên nhân của thảm họa đó, ông trời chỉ góp một nửa, một nửa quyết định là do bàn tay của con người.
Khi có thiên tai xảy ra, chẳng thấy những kẻ cầm đầu phá rừng làm thủy điện hay các ông công trình khác ló mặt ra cứu trợ dân. Mà địa phương lại gõ cửa từng nhà để ép buộc từ cụ già đến em nhỏ, từ khố rách áo ôm đến xe ôm thợ hồ hỗ trợ, đóng góp để cứu trợ, nhưng không biết những đồng tiền ấy có đến được những người bị hoạn nạn hay không.
Vậy có phải ông bắt báo chí của ông phải “bẻ cong ngòi bút” để nói rằng, phá rừng nguyên sinh làm thủy điện cóc không phải nguyên nhân gây lũ lụt và sạt lở đất. Rằng tại Việt Nam rừng còn nhiều, nên nạn phá rừng chưa có gì đáng lo ngại?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: Rừng là vàng, chặt 1 cây gỗ cũng phải thắp hương lạy cây!
Có một nhà thơ từng viết:
“Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm
Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong”.
Chắc là ngài Phỏ Thủ tướng cũng không muốn nhìn cảnh “Tổ quốc suy vong” đâu nhỉ?
Xem ra kiến thức về thủy điện và rừng của ngài Phó Thủ tướng đang có vấn đề đấy ạ./.
#TrịnhĐìnhDũng #lũlụtmiềntrung #phárừng #thủyđiện
Leave a Comment