Nguyễn Hùng – VOA
Những sự kiện tưởng niệm tại Anh bắt đầu bằng việc đọc tên tất cả 39 người thiệt mạng trên kênh Twitter của đài BBC Essex sáng 23/10. Dù tên họ cùng được đọc, họ hẳn đã lần lượt qua đời trong hành trình hàng chục tiếng trên biển từ Bỉ tới hạt Essex, Anh. Trong những âm thanh thu lại trên điện thoại di động trong cơn hoảng loạn vì thiếu dưỡng khí và quá nóng có tiếng ‘nó chết rồi’. Giọng tiếng Việt đã rất cố gắng nhưng vẫn nhiều lúc không sõi của phát thanh viên Ben Fryer xướng tên của những người xấu số trên nền nhạc buồn trong video dài hai phút .
Không thấy BBC đưa tin về các hoạt động ghi nhớ ngày này của các chùa hay hội đoàn Việt Nam tại Anh. Nhưng kênh truyền thông hàng đầu thế giới này có đưa tin về chuyện cộng đồng người Hoa ở Hackney, London để cả ngày 23/10 để đón những ai muốn tới thắp hương cho 39 người Việt. Hồi năm ngoái, lúc đầu cảnh sát Anh đã loan báo nhầm rằng những người thiệt mạng là người Trung Quốc.
Trang tin RTE từ Ireland, nơi người cầm đầu đường dây đưa 39 người Việt vào Anh đã bị bắt sau khi thảm kịch xảy ra, đưa tin kỹ hơn về ngày tưởng niệm của Trung tâm cộng đồng người Hoa ở Hackney. Họ dẫn lời ông Jaber Lam, 64 tuổi, Giám đốc Trung tâm, nói thành viên của trung tâm bao gồm cả cộng đồng người Hoa và cộng đồng người Việt. Ông muốn mọi người có thể tới để “chia sẻ trải nghiệm, nỗi buồn chung và những gian khó của cộng đồng di cư”.
Ông Jaber từng đóng vai trò liên lạc giữa cộng đồng người Hoa và cảnh sát Anh trong vụ 58 người Trung Quốc chết trong công-ten-nơ ở cảng Dover, Anh hồi tháng Sáu, 2000. Ông được dẫn lời nói cũng như những người Trung Quốc trước đó, 39 người Việt là “nạn nhân của toàn cầu hoá”
“Tất cả các nạn nhân đều có hoàn cảnh giống nhau, họ phần lớn tới từ các vùng quê nơi cái gọi là công nghiệp hoá đã phá huỷ phương tiện sống của họ. Họ buộc phải di chuyển để kiếm ăn.”
Ông nói thêm: “Trong hai hay ba thập niên qua cái gọi là toàn cầu hoá đã làm thế giới gần lại với nhau, đem tư bản tới nơi có lao động rẻ và phá huỷ môi trường sinh thái và môi trường sống bản địa.”
Một người tới tưởng nhớ, bà Gwyn Binyon, 39 tuổi và làm việc chính tại Hackney, nói với RTE bà đến trung tâm lần đầu và nói thêm: “Tôi có cảm giác nhìn chung người ta vẫn chưa xem những người qua đời là các cá nhân đầy sinh lực, những người tình cờ sinh ra trong hoàn cảnh mà họ cảm thấy không thể tiếp tục sống trong hoàn cảnh ấy.”
Một phóng viên của BBC Essex cũng đưa tin về buổi lễ cầu nguyện khác ở London hôm 25/10. Trên mạng xã hội Twitter, vốn khá phổ biến ở Anh, người ta dùng các từ #remembertheessex39 để ghi nhớ dịp tròn một năm 39 người qua đời. Một trong những thông điệp được nhiều người chia sẻ đăng bàn thờ kèm danh sách những người thiệt mạng cùng bức hoạ với những lời “không có con người nào bất hợp pháp”. Một số người khác dùng Zoom để cùng tưởng nhớ 39 người. Cô Hau-Yu, một trong số những người tưởng niệm qua Zoom, nói với VOA Tiếng Việt rằng họ tham gia hoạt động tưởng niệm của nhóm Remember & Resist, tạm dịch là Ghi nhớ & Phản kháng. Nhóm này có chủ trương ‘không biên giới, không quốc gia’ để mọi người có thể tự do di chuyển tới bất kỳ nơi nào họ muốn.
Thẻ #remembertheessex39 cũng được dùng trên Instagram nơi cô Trương Thục Đoan đã vẽ những hình ảnh tưởng niệm những người còn được gọi là “thùng nhân”. Cô Thục Đoan, một sinh viên nghệ thuật đang học ở Canada, nói với VOA Tiếng Việt: “Mục đích thực hiện bộ poster này đến từ những thắc mắc của tôi về góc nhìn của người Việt Nam trong nước với những người Việt Nam tị nạn và nhập cư vào các nước khác. Vì cả thuyền nhân và thùng nhân đều bị gắn với danh xưng là “dân vượt biên” với một nghĩa rất tiêu cực.
“Tại sao không nghĩ họ là những con người dũng cảm, dám từ bỏ tất cả để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn? Và tại sao sau 45 năm kết thúc chiến tranh, người dân Việt Nam vẫn phải rời bỏ quê hương để đi tìm miền đất khác đầy ẩn số với hy vọng được đổi đời?
“Hơn nữa vụ việc ở Essex cũng cho thấy nước Anh nói riêng và châu Âu nói chung không hẳn là thiên đường cho người nhập cư. Và biên giới giữa các nước vô hình chung đã biến thành rào cản mang tính sắc tộc, phân biệt giai cấp và xuất thân. Đó cũng chính là rào cản ngăn cách sự cảm thông giữa người và người.”
Leave a Comment