Quảng Cáo

Dùng Nghị định 64/2008 chống quyền cứu trợ của cá nhân, là sai hoàn toàn

Quảng Cáo

(Phỏng vấn ông Lê Thân, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng về chuyện dân tự cứu nhau có thể bị coi là phạm luật hiện nay)

——-

Trong đợt bão lụt tháng 10/2020, sự kiện người dân tự quyên góp và tổ chức đi cứu trợ ở các tỉnh miền Trung diễn ra hết sức sôi động, nhưng chuyện ấy cũng làm tốn không ít giấy mực khi có những quan chức nhà nước viện dẫn nghị định 64/2008/NĐ-CP, nói rằng mọi nguồn quyên góp cứu trợ đều phải đến cửa Mặt trận Tổ quốc hoặc các cơ quan của nhà nước có thẩm quyền.

Ca sĩ Thủy Tiên với hơn 100 tỷ quyên góp được từ người dân ở khắp nơi, cho việc cứu trợ trực tiếp của mình, đã trở thành đề tài chính, đại diện cho tất cả mọi hoạt động tương tự. Mà theo đó, có những tuyên bố cho rằng cô Thủy Tiên đã phạm luật và có thể bị xử lý theo pháp luật vì hành động cá nhân như vậy.

Dựa trên những nguồn viện dẫn nghị định 64/2008 như vậy, cũng đã có những chính quyền địa phương làm theo, gây cản trở nhất định cho việc cứu trợ giúp nhau của người dân.

(ảnh từ trái qua: Ông Lê Thân, Ông Lê Thăng Long)

Trao đổi nhanh với ông Lê Thân, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng, ông nói việc cứ lấy nội dung 64/2008 để hành xử vào lúc này là hoàn toàn sai lầm. Thậm chí sự sai lầm đó còn có ý nghĩa chống lại Bộ luật Dân sự 2015, theo điều 457.

—————

*** Thưa ông, vì sao gọi là hiểu sai, và cố ý hiểu sai về Nghị định 64/2008, ông có thể nói rõ hơn cho mọi người được biết?

— Không chỉ riêng tôi nhìn thấy, mà những người đọc luật đều biết. Ngay cả bà Nguyễn Thị Xuân Thu, ĐBQH, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ VN cũng đã nhấn mạnh rằng hoạt động từ thiện cá nhân như cô Thủy Tiên là hoàn toàn hợp pháp theo Bộ luật Dân sự 2015, ở điều 457.

Nội dung của điều này các “hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”. Có nghĩa là theo các thỏa thuận dân sự như đi cứu trợ và người tài trợ hoạt động đó, là một công việc bình thường trong xã hội và không có gì là vi phạm pháp luật cả.

Tôi giải thích cụ thể hơn như vầy: Tôi muốn tặng một xe đạp cho một người nào đó, ở cách xa nơi tôi đang sống. Tôi có quyền chuyển tiền hay chuyển hiện vật để nhờ người khác giúp tôi thực hiện việc trao tặng. Làm việc đó là không có gì bất hợp pháp. Vấn đề tặng một chiếc xe đạp nghe rất đơn giản và có lẽ không ai quan tâm. Nhưng bởi vì số tiền lên đến trăm tỷ, cho nên sự việc bị méo mó đi theo nhiều hướng khác, mặc dù nội dung sự việc thì hoàn toàn giống nhau, phù hợp với pháp luật đã quy định.

Cũng cần nên nhớ rằng nghị định 64/2008 thuần túy quy định về cách ứng xử của bộ máy nhà nước, và đã ra đời cách đây 12 năm. Điều luật 457 của Bộ luật Dân sự được ban hành vào năm 2015 có nghĩa rằng không có một giá trị nào của nghị định từ năm 2008 được quyền phủ nhận giá trị của điều luật 457, được Quốc hội thống nhất ban hành vào năm 2015.

*** Nếu nói như vậy, thì tại sao lại có trường hợp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan chức noi theo đó để xác định nghị định 64/2008 như một tiêu chuẩn, dẫn đến việc nhiều đoàn từ thiện, cứu trợ bị gây khó đến mức dư luận phản ứng và chẳng hạn vừa rồi, tỉnh Quảng Trị phải ra một công văn giải thích, nói lại…

— Tôi tin rằng tổ tư vấn cho Thủ tướng đã để sót điều luật 457 của Bộ luật Dân sự 2015. Và khi sai lầm đó xảy ra, nó trở thành sai lầm của cả hệ thống khi ai nấy đều răm rắp hành động theo lời Thủ tướng.

Nhưng tôi tin cũng có những trường hợp sau đó hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai. Vì không thể trong cả nước chỉ có vài người đủ sức nhận biết để nhận ra sai sót này.

Cố tình hiểu sai, bởi sự lợi dụng các cơ quan địa phương ở những vùng xa, việc đón các đoàn từ thiện kèm theo nhũng nhiễu, thâm lạm hay bất minh… đều có thể xảy ra. Chính ngay trên báo chí nhà nước vẫn luôn có các tin tức như vậy.

Công sức và tình cảm của người dân chia sẻ với đồng bào bị nạn, đột nhiên trở thành công và của của các cơ quan nhà nước thì không hợp lý chút nào. Hành xử đúng của cơ quan chính quyền là phải hợp tác với người dân để cùng cứu giúp đồng bào bị nạn, không phải là giành quyền.

Tôi nhớ trận lụt năm 1964, ở miền Nam luôn có các đoàn từ thiện, cứu trợ tự phát như vậy. Ở nơi xuất phát, người ta chỉ cần thông báo cho chính quyền biết ngày giờ họ đến nơi nào, thì ở tỉnh đó sẽ chuẩn bị xe cộ, thiết bị vận chuyển của nhà nước đón sẵn giúp cho họ di chuyển thật nhanh và tiện lợi. Còn nếu muốn đi vào những nơi bị ngập lụt mà xe không thể đi được thì cứ báo trước, sẽ có cả ca-nô và thuyền do nhà nước tổ chức chờ sẵn theo tên đặt trước. Có những trường hợp theo đề nghị của đoàn, trực thăng trợ giúp việc rải các nhu yếu phẩm để mong có người bị kẹt ở đâu đó lấy được.

Có nghĩa rằng trong hoạn nạn thì nhà nước phải cùng phối hợp với những người dân để cứu giúp cho đồng bào khó khăn, chứ không thể dựa trên điều luật nào, lý do nào để giành độc quyền cứu trợ.

*** Người dân khi tự ý hành động, đôi khi phải vượt qua những rào cản bất cập nhất định để làm được điều mình muốn theo lẽ phải. Họ có thể vấp phải những điều luật như “gây mất an ninh trật tự”, “chống người thi hành công vụ”… Nhưng với trường hợp khẩn cấp quốc nạn như thiên tai hiện nay, nếu như có cơ quan địa phương cản trở hành động. hợp lý của người dân, liệu Bộ luật Dân sự 2015 đã có điều luật nào cho dân khởi kiện và xử phạt những người cầm quyền cản trở hay không? Quốc hội dường như đã bỏ quên vế này?

— Trong một quốc gia bình thường, Người dân không cần thêm bất kỳ quyền nào như vậy đâu. Vì chính bản thân công dân là đại diện cho hiến pháp và luật pháp của một quốc gia khi hành động vì lẽ phải. Quyền công dân tối thượng được kích hoạt ngay vào lúc đó. Nhưng phải nói rõ là những chính quyền điạ phương hành động, họ luôn tạo cớ để không rơi vào trạng thái sai luật. Có nghĩa rằng họ rất hiểu luật nhưng hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux