Tờ Los Angeles Times ngày 22/10 đăng tải bài viết của 2 tác giả David S. Cloud và Shashank Bengali với tiêu đề tạm dịch là ‘Facebook cao rao tự do ngôn luận. Tại Việt Nam nhưng lại đang hỗ trợ biện pháp kiểm duyệt.’
Bài viết có nhắc đến việc Facebook và người sáng lập Mark Zuckerberg cho biết quan điểm bảo vệ quyền tự do ngôn luận trừ những trường hợp cụ thể, chẳng hạn như khi kích động bạo lực. Tuy nhiên, ở các quốc gia bao gồm Cuba, Ấn Độ, Israel, Morocco, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, Facebook thường hạn chế các bài đăng mà chính phủ những nước đó cho là nhạy cảm hoặc vượt quá giới hạn. Tình trạng này được thể hiện rõ nét và chân thật nhất ở Việt Nam.
Facebook được chuyển sang ngôn ngữ địa phương cho người dùng Việt Nam vào năm 2008 và có hơn một nửa người dân cả nước có tài khoản mạng xã hội này. Facebook giúp những tiếng nói phê bình Chính phủ và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của hệ thống cộng sản đối với phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, theo The LA Times, trong vài năm gần đây, Facebook đã liên tục kiểm duyệt tài khoản của những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Mục đích được nói nhằm cố gắng xoa dịu Chính phủ Hà Nội khi lãnh đạo Việt Nam đe dọa đóng cửa Facebook nếu không tuân thủ.
Theo các nhà phê bình, thay vì sử dụng lực bẩy của mình như một nền tảng truyền thông lớn nhất của Việt Nam để chống lại kiểm duyệt, Facebook đã trở thành đồng phạm trong việc Chính phủ tăng cường đàn áp những tiếng nói ủng hộ dân chủ.
Nói rõ hơn về tình trạng vừa nêu, từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng làm tại Tạp chí Cộng sản cho hay:
“Đây là một vấn nạn rất nghiêm trọng bởi vì rất nhiều người đã bị chặn Facebook, ngăn không cho bình luận, rất nhiều vấn đề Facebook gây ra cho người dùng Facebook khi có những bài viết, ý kiến, hình ảnh mà nhà cầm quyền cho là có ảnh hưởng đến an ninh trật tự của chế độ. Rất nhiều người bức xúc nhưng không làm sao được bởi vì họ (Facebook) có một lý do là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng mà không rõ tiêu chuẩn cộng đồng đó là gì. Rất nhiều người bị cấm, khóa tài khoản, không cho (nội dung) xuất hiện ở Facebook ở Việt Nam mà chỉ cho hiện ở nước ngoài. Có rất nhiều hình thức để ngăn cản tự do thông tin trên Facebook và nhiều người rất bức xúc.”
Cụ thể, Facebook cho biết họ thường hạn chế các bài đăng và người dùng vì một trong hai lý do gồm vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng” là những quy tắc mà công ty cho biết áp dụng cho người dùng trên toàn thế giới hoặc “luật địa phương”. Các bài đăng trong danh mục thứ hai bị chặn ở quốc gia mà chúng bị cho là bất hợp pháp nhưng vẫn có thể truy cập được ở những nơi khác.
Xác nhận thực tế nêu trên, ông Nguyễn Văn Hải, hay còn gọi là blogger Điếu Cày nói với RFA qua điện thoại như sau:
“Tình hình Facebook ở Việt Nam là đa số anh em đấu tranh dân chủ đưa thông tin về những vụ việc lớn đều bị chặn. Thậm chí trước khi một vụ việc lớn xảy ra họ có chuẩn bị từ dư luận viên đến tất cả lực lượng chống phá trên mạng để định hướng dư luận, đồng thời họ tìm mọi cách báo cáo chặn thông tin, như vụ Đồng Tâm là vụ nổi bật nhất. Ngay sau khi vụ Đồng Tâm xảy ra thì tất cả anh em lên tiếng trên mạng thì họ có cả chiến dịch truyền thông để tấn công vào anh em. Đồng Tâm là một trong những vụ nổi bật nhất mà họ có chiến dịch tấn công lớn nhất trên mạng từ trước đến nay. Riêng tôi là khoảng 6 bài liên quan đến Đồng Tâm bị xóa hết, Facebook cũng cảnh báo là họ có thể đóng vĩnh viễn trang của mình.”
Bài viết được đăng tải trên Los Angeles Times dẫn lời Facebook cho biết trong một số trường hợp, Chính phủ Việt Nam buộc người dùng phải vô hiệu hóa tài khoản của chính họ mà không liên quan đến công ty.
Ngoài ra, Facebook cũng cho biết trong một tuyên bố: “Không phải lúc nào chúng tôi cũng để mắt tới các chính phủ ở các quốc gia nơi chúng tôi hoạt động, bao gồm cả Việt Nam”.
Theo Los Angeles Times, với dân số trẻ và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch COVID-19, Việt Nam là thị trường tăng trưởng chính của Facebook. Tập đoàn này kiểm soát hơn 40% thị trường quảng cáo kỹ thuật số trị giá 760 triệu đô la của Việt Nam mặc dù không có văn phòng hoặc nhân viên toàn thời gian trong nước.
Tác giả bài viết được Los Angeles Times đăng ngày 22/10 dẫn nhận định của ông Dipayan Ghosh, một cựu cố vấn chính sách tại Facebook, người đồng chỉ đạo Dự án Nền tảng Kỹ thuật số & Dân chủ tại Trường Kennedy của Harvard như sau:
Đồng quan điểm nêu trên, blogger Điếu Cày cho hay:
“Họ thấy thị trường như vậy nên có vẻ xuống nước với chính phủ Hà Nội. Người dân ở Việt Nam không còn phương cách nào khác ngoài sử dụng công cụ mạng xã hội để cất lên tiếng nói của mình vì toàn bộ báo chí nằm trong tay chính quyền.”
Mạng báo Công an thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8/10 dẫn lời Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (4T) Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Facebook đã chịu chặn quảng cáo chính trị từ các fanpage, tài khoản của các “tổ chức phản động, khủng bố”.
Vẫn theo lời người đứng đầu Bộ 4T, Facebook đã gỡ 286 tài khoản bị cho là giả mạo trong năm 2020. Trong số này có 50 tài khoản bị nói giả mạo các vị lãnh đạo đảng, Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, số liệu từ Bộ 4T cho thấy riêng năm 2020, Facebook gỡ bỏ trên 2.000 bài viết bị cho có phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ lãnh đạo đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức, tăng 500% so với cả năm 2019, tỷ lệ gỡ chặn đạt 95%.
Trước tình trạng ngăn chặn vừa nêu, nhiều Facebooker Việt đã tìm đến những diễn đàn khác để truyền tải thông tin nhưng không đem lại hiệu quả tích cực, như lời nhà báo Nguyễn Vũ Bình:
“Trước đây có một thời kỳ Facebook ngăn cản và ngăn cấm như vậy thì có xuất hiện mạng Minds, mọi người chuyển sang đó tương đối trong thời gian ngắn. Mạng này tương tác kém, không được như Facebook. Mới đầu nó hiện được cả bên ấy sang bên Facebook, nhưng về sau Facebook cắt, không cho liên thông. Người ta thấy nó (Minds) cũng trục trặc, không như Facebook nên quay lại Facebook. Hiện tại đối với Việt Nam thì Facebook vẫn là diễn đàn lớn nhất, sôi động nhất và hiệu quả nhất nên mọi người chủ yếu sử dụng Facebook, còn Twitter dùng tiếng Anh, các mạng khác người ta ít dùng. Nên khi bị ngăn cấm thì người ta rất khó chịu nhưng không có mạng nào hay chưa có cách gì để thay thế, xử lý được việc này.”
Trong email trả lời câu hỏi của RFA trước đây, bà Amy Leferve, Quản lý chính sách truyền thông của Facebook cho biết dù Facebook không đồng ý với các luật mà Chính phủ Hà Nội đưa ra, nhưng nếu phía tập đoàn tiếp tục bác các yêu cầu pháp lý của Chính phủ Hà Nội chặn quyền truy cập vào nội dung ở Việt Nam, rất có thể các nền tảng của Facebook sẽ bị chặn hoàn toàn. Kết quả này thậm chí còn gây hạn chế thông tin hơn nữa vì lúc đó tất cả các tiếng nói ở Việt Nam sẽ bị im lặng.
Việc vẫn phải sử dụng Facebook như một giải pháp duy nhất hiện nay dù bị hạn chế về nhiều mặt mang lại không ít khó khăn cho những nhà hoạt động xã hội, nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền tại đất nước hình chữ S, theo lời blogger Điếu Cày:
“Tại Việt Nam thì anh em ở trong nước vẫn phải tìm mọi cách chiến đấu, như Võ Hồng Ly bây giờ lập 3 trang, hết trang này bị thì đến trang khác. Có đề nghị lên các cơ quan của Chính phủ hay Quốc hội, Facebook cũng phải điều trần nhưng cuối cùng quyền kinh doanh trong tay họ.”
Theo thông tin bà Amy Sawitta Lefevre cung cấp trong email gửi RFA, Facebook luôn tìm cách tôn trọng luật pháp ở tất cả các nước mà mạng xã hội này hoạt động, nhưng vẫn luôn làm mọi thứ trong khả năng để bảo vệ nghiêm ngặt các quyền cơ bản của tất cả người dùng internet, kể cả quyền tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, nhiều người dùng Việt Nam cho biết nội dung nêu trên chỉ là lý thuyết, vì trong thực tế, mọi chuyện đang diễn biến theo chiều hướng ngược lại!
#facebook #kiểmduyệttựdongônluận
Leave a Comment