Duyên nợ của Lenin với đất nước Việt Nam, xem ra, mặn mà hơn ở bất cứ một nơi nào khác. Ngay tại chính quê hương của mình, có lẽ, ông cũng không bao giờ được nhi đồng Liên Xô dành cho những câu thơ ưu ái đến như thế này đâu:
Ông Lê Nin ở nước Nga
Mà em lại thấy rất là Việt Nam
Tượng đài Lenin được dựng tại nhiều nơi, tên của ông được đặt cho không ít những đường phố trên thế giới nhưng (chắc chắn) chỉ ở Việt Nam nó mới trở thành địa danh của sông/suối mà thôi:
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê-nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà
(2/1941 – Thơ Hồ Chí Minh, NXB Nghệ An, 2005)
Thiệt là quá đã (và quá đáng) nhưng chưa hết!
Trước khi chuyển qua từ trần, Hồ Chủ Tịch còn không quên trăn trối là “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin” – thay vì gặp ông bà tổ tiên của chính mình. Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh của ông cũng được trưng bầy trang trọng khắp nơi, và băng rôn khẩu hiệu (“Chủ Nghĩa Mác Lê Nin Vô Địch Muôn Năm”) được giăng mắc đến tận hang cùng ngõ hẻm ở đất nước VN.
Sông có khúc người có lúc!
Lenin không vô địch muôn năm, cũng chả vô địch được đến trăm năm. Cách Mạng Mùa Thu Cộng Sản (1989) đã xóa bỏ mọi “kỳ tích” của Cuộc Cách Mạng Tháng Mười (1917) và xoá sổ luôn “sự nghiệp vỹ đại” của ông.
Từ Moscova, ký giả Phương Đoàn tường thuật:
“Một điểm đặc biệt của chợ trời Nga là bày bán rất nhiều những gì thuộc về ‘tàn tích, tàn dư’ thời Xô Viết. Chân dung các lãnh tụ Cộng Sản như Lenin, Kark Marx… nằm la liệt giữa những đống xoong nồi lủng củng, giữa đám đất lấm bụi… khiến người xem thoáng có những suy tưởng so sánh chua xót, mỉa mai và hài hước về lý tưởng cao xa và thực tế trần trụi.
Những lá cờ nhung màu đỏ thêu chỉ vàng ca ngợi về những thành quả của Chủ Nghĩa Xã Hội với những câu khẩu hiệu đanh thép, tự tin về sự bất diệt của Marx-Lenin… giờ nằm lăn lóc trên các tấm ni lông sơ sài đặt trên mặt đất. Một quá khứ đầy hoang tưởng… Tôi bỗng nhớ lại thời điểm đứng ở Quảng Trường Ðỏ, vỗ vai nói với người đóng giả Lenin: “Nếu không có Lenin thật thì anh đã không phải làm Lenin giả để kiếm sống như vầy. Nước Nga xứng đáng nhiều lần hơn thế này.”
Tuy Lê Nin phải lê la kiếm ăn tại Moscova (và bị nguyền rủa, hay đập mẻ đầu, vỡ trán… ở nhiều nơi khác) từ mấy thập niên qua nhưng “uy tín” của ông ở VN thì vẫn không hề sứt mẻ – theo tường trình, với ít nhiều hậm hực, của nhà báo Từ Thức:
“Cái anh Lenin khát máu của một thời đại tưởng đã thuộc về dĩ vãng đó, tập đoàn cầm quyền Hà Nội đã dựng dậy làm bùa hộ mệnh… Trong dịp tưởng niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10, hiện tượng không đâu có, kể cả ở Nga, là cả tập đoàn lãnh đạo VN, không thiếu một mạng, đã kính cẩn xếp hàng tri ân và nguyện sẽ trung thành với chủ nghĩa Lenin.”
Ơ hay! Cái ông nhà báo này lạ nhỉ? “Cả tập đoàn lãnh đạo VN, không thiếu một mạng, đã kính cẩn xếp hàng tri ân và nguyện sẽ trung thành với chủ nghĩa Lenin” thì đã sao nào? Người ta ăn cây nào thì rào cây nấy chứ, đúng không?
Tôi chỉ thấy có mỗi một chuyện hơi sai – theo lời kể của nhà văn Nguyên Ngọc, trong tập bút ký (Đồng Bằng) sống động của ông – xin phép được ghi lại ngắn gọn sau đây, để rộng đường dư luận:
Và rồi lại có cả chuyện yêu đương, cũng lạ, bắt đầu từ anh chàng ngô nghê nhất trong chúng tôi về mặt này: Nguyễn Chí Trung. Trung yêu cô V., người Phú Thọ, là đàn chị ở đội múa chỉ thua cô Đào đã được học ít nhiều nghề biên đạo.
Động lực và cách yêu của anh rất độc đáo. Anh muốn giúp V. trở thành đảng viên. Một buổi sáng biết văn công sắp đi công tác, anh dậy rất sớm, bồn chồn ra đón ở ngã ba đường đoàn sẽ đi qua, túi áo gói cẩn thận món quà quý định tặng V.
Anh gặp được V. thật và trao quà, gói trong giấy trắng bong. V. cám ơn và mở ra: một cuốn Điều lệ Đảng! Về sau V. đã trở thành đảng viên thật. Rồi lại có trục trặc lớn về mặt này, nhưng là rất lâu sau, và lại có liên quan đến một nhân vật nguyên cũng từng ở chỗ chúng tôi, anh Phương, cục phó Cục Chính trị, người tôi được ở gần và rất kính trọng suốt thời đánh Mỹ.
Anh Phương từng có một tiểu sử rất đẹp.
Sau năm 1975 anh là thiếu tướng, phụ trách thanh tra ở Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Và có việc anh xử lý một vụ liên quan đến cô V. văn công Nguyễn Chí Trung từng đón đường tỏ tình vào sáng tinh mơ âu yếm tặng một cuốn điều lệ Đảng…
Đoàn văn công tiên nữ duyên dáng và can trường trong chiến tranh của nhà Mỹ học Thái Minh Viên vậy mà đến hòa bình thì lại bị quên…Mà theo chỗ tôi biết, sau 1975 không có một chính sách nào đàng hoàng, chu đáo cho những người làm các nghề đó khi họ đã cống hiến khoảng tuổi đời nghề nghiệp dồi đào và đẹp nhất của họ trong chiến tranh.
Một thế hệ mới, trẻ, đẹp, được đào tạo bài bản hơn, đã chiếm sân khấu, thay thế. Là tất yếu thôi. Còn họ? Bây giờ, đơn giản, họ thất nghiệp. Không ai, không tổ chức nào lo cho họ chẳng hạn đi học nghề, chuyển nghề.
Cô Hồng thập lục vẫn rất tiểu thư có hôm đến chỗ tôi ngồi khóc kể “chuyên môn” của cô lúc này là đi dọn các nhà vệ sinh. Về sau cô đi xuất khẩu lao động ở Đức mấy năm, trở về có khá hơn đôi chút. Nói chung, tán lạc cả.
Cô V. lấy một anh làm đoàn trưởng, tìm được một chân nhân viên ở thư viện quân khu tại Đà Nẵng… Đại hội VI của Đảng 1986 được coi là đại hội đổi mới, nhưng tình trạng bao cấp còn kéo dài đến đầu những năm 90.
Nhưng ở chỗ cô V. lại có một thứ rất giàu: những bộ toàn tập Lênin sang trọng, bìa cứng, màu nâu đậm, gáy chữ vàng nghiêm trang, dịch rất công phu, do Liên Xô in và cho không, thư viện lớn hàng trăm bộ, thư viện cỡ quân khu cỡ của cô cũng mấy chục bộ.
Vừa rồi tôi thử tìm đếm, ông ấy viết khỏe thế, mỗi bộ những 54 tập, trung bình mỗi tập khoảng 7-8 trăm trang. Mà ai cũng biết có ma nào đọc đâu. Chưng cho oai, cho phải đạo như anh Hoàng Ngọc Hiến nói ngày nào. Cho ra ‘kiên định’.
Thỉnh thoảng cô V. lại phải vất vả lau mốc. Và tới lúc bao cấp túng bấn quá, tới bo bo cũng không đủ mà ăn, cô bèn đem bán bớt đi một bộ. Có ít đâu, ta đã nói rồi, ông ấy viết khỏe lắm, những 54 tập dày cộp. V. đã cẩn thận bóc hết bìa và xé hết những trang có ảnh lãnh tụ, cũng đã là một việc khá nặng nhọc.
Bán cho ai? Chỉ có thể các bà đồng nát. Giấy rất tốt, gói xôi không gì bằng. Thiếu đi một bộ cũng khó nhận ra. Kệ sách có hạn, chỉ chưng vài bộ, còn thì cất trong kho. Vậy mà vẫn có người tỉ mỉ đi soi đếm, và ‘chỉ điểm’.
Đời vẫn thế, loại ấy không thiếu. Sự việc bị tiết lộ. Xử vụ này là thanh tra quân khu, thiếu tướng Phương. Án phạt tối đa đối với một đảng viên. Bởi vì đây là kết luận của anh Phương, sau khi cân lên đặt xuống kỹ lưỡng mọi mặt. Phân tích rất đúng và nghiêm, không còn cãi vào đâu được. Không phải, không chỉ tội tham nhũng, còn có thể thông cảm nhẹ tay. “Đằng này,” anh Phương bảo, “nó bán cả chủ nghĩa kia mà!”.
Tôi ở Hà Nội nghe mà kinh ngạc, anh Phương, chính anh Phương tôi từng biết đã nói ra được câu ấy ư?”
Tôi thì không kinh ngạc nhưng cảm thấy vô cùng bất nhẫn, dù không rõ là với cái tội danh “bán cả nhủ nghĩa” thì cô V. đã phải lãnh cái “án phạt tối đa” nặng nề đến cỡ nào? Leninism được nhập cảng từ Nga bởi ĐCSVN nên giới lãnh đạo hiện nay muốn suy tôn, kỷ niệm, thờ cúng, xưng tụng (hay lợi dụng) kiểu gì cũng được – tuỳ nghi – vì họ có toàn quyền.
Nhưng mang cái chủ nghĩa (thổ tả) này quàng vào cổ của cả dân tộc Việt thì đâu có được. Cô văn công tên V., cũng như bao nhiêu lương dân khốn khổ và thấp cổ bé họng khác ở đất nước tôi, chả ai có liên quan hay dính dáng gì đến nó cả. Sao lại có thể bị kết án là “buôn bán đồ quốc cấm” được nhỉ? Đừng có suy bụng ta ra bụng người như vậy chứ!
Tưởng Năng Tiến
10/2020
#cáchmạngtháng10 #lenin #đảngcsvn
Leave a Comment