Nói tới thủy điện Việt Nam, nghĩa là đang nói đến một hệ thống liên kết ma và đang chạm tới một núi tiền mà những người làm thủy điện có thể “tay không bắt giặc” trong núi tiền này. Hay nói khác đi, bạn có thể xây thủy điện mà không có đồng nào trong tay nhưng có mối quan hệ đủ mạnh để tạo ra một tài khoản ảo, một pháp nhân, sau đó chạy cho được dự án thủy điện, “thuyết phục” cơ quan cấp tỉnh duyệt dự án đó, xem như bạn bắt đầu giàu. Nói nghe như đùa, nhưng…
Tôi có đứa bạn học cùng lớp, thời đi học, hắn thuộc dạng ranh ma và sinh hoạt đoàn thể năng nỗ nhất nhì trường nhưng học lại rất kém, đặc biệt là môn toán, lý và ngữ văn, hắn chưa bao giờ được điểm trung bình, hầu hết là copy bài để nộp. Thế nhưng hắn vẫn tốt nghiệp, sau đó, không biết bằng cách nào đó, hắn vẫn có bằng đại học loại giỏi mặc dù không hề thi hay học đại học. Và hiện tại, hắn là Chủ tịch Hội đồng quản trị một thủy điện loại vừa ở miền Trung.
Sau vài lần trò chuyện, tìm hiểu thông qua thằng bạn học này cộng với tìm hiểu về qui trình xây dựng thủy điện thì tôi tá hỏa, hóa ra, xây dựng thủy điện không phải là chuyện như nhà nước làm tốn hàng ngàn tỉ đồng. Hiện tại, có rất nhiều công trình thủy điện được xây dựng trên một thứ qui trình ma và nguy cơ thả bom nước khi mùa mưa tới của nó là rất cao.
Tôi xin mở ngoặc chỗ này, qui trình mà tôi đang nói tới không liên quan gì đến qui trình kĩ thuật, nó là thứ qui trình đóng vai trò hành lang quyền lực để đi đến quyết định một cái thủy điện mọc ra ở đâu đó. Và hiện tại, có rất nhiều vị trí thuận lợi cho thủy điện, đảm bảo an toàn bị bỏ qua nhưng người ta lại chọn những vị trí hết sức khó khăn trong việc đi lại và cơ cấu địa chất của nơi có thủy điện cũng có vấn đề. Thế nhưng các thủy điện nhỏ này vẫn nghiễm nhiên mọc lên. Bởi những chỗ nó mọc lên là một núi tiền, rừng nguyên sinh, gỗ quí, các loại đặc sản rừng rất phong phú… và đó là bước đệm cho thủy điện.
Việc trình dự án thủy điện, yêu cầu đầu tiên là nhà đầu tư chứng minh về kĩ thuật, địa chất, dòng chảy, tính thiết thực và vốn điều lệ, vốn lưu động, tư cách pháp nhân của họ… Nói một cách nghiêm túc thì các vị lãnh đạo cấp tỉnh rối mù, họ cầm vào dự án thủy điện với đầy rẫy các thông số kĩ thuật, thông số kinh tế là cầm cho vui, sau đó chuyển qua bộ phận kĩ thuật để xem xét. Đương nhiên, những thằng đã nghĩ đến được chuyện mang dự án đến trình lãnh đạo tỉnh thì hắn đã mua đứt bộ phận kĩ thuật này và bộ phận kĩ thuật chỉ chờ lãnh đạo chuyển dự án sang để ngâm vài tuần cho có lệ, sau đó ký duyệt, trả về cho lãnh đạo tỉnh.
Dự án được thông qua, việc đầu tiên của “nhà đầu tư” sẽ là khoanh vùng diện tích lòng hồ và xin khai thác rừng lòng hồ. Và việc khai thác rừng lòng hồ này sẽ kéo dài chừng ba năm. Nói là khai thác rừng lòng hồ, theo diện tích lòng hồ đã được ấn định nhưng kỳ thực, diện tích rừng nguyên sinh bị khai thác là vô tội vạ và chẳng ai có thể quan sát được chuyện này. Kiểm lâm bị qua mặt hoặc bị mua chuộc. Như kinh nghiệm của thằng bạn tôi và nhiều người từng làm thủy điện thì việc làm thủy điện là việc không tốn đồng nào. Chỉ tốn cái thủ tục ban đầu, sau đó khai thác gỗ rừng để bán, và lượng tiền thu về từ gỗ rửng trên danh nghĩa rừng lòng hồ có thể dùng để xây thủy điện mà không cần bỏ thêm đồng nào vào nữa, thậm chí có trường hợp dư được một khoản.
Cũng có nhiều trường hợp ở Bình Phước và các tỉnh Đông Nam Bộ trình dự án xây dựng thủy điện, sau đó khai thác rừng lòng hồ bán lấy tiền, đầu tư cho việc khác và cho dự án thủy điện đắp chiếu suốt mười mấy năm. Nói như vậy để thấy hầu hết việc đầu tư thủy điện tại Việt Nam có khi không nhằm thu lợi nhuận từ mục đích thủy điện mà chỉ cần dự án được thông qua để lấy gỗ. Chính nguồn gỗ rừng phong phú, quí giá là miếng mồi béo bở của hầu hết các dự án thủy điện. Sau đó, người ta xây dựng thủy điện để tiếp tục thu lợi từ nguồn này.
Nhưng, trả giá cho các thủy điện là rừng bị cưa sạch, lớp đệm giữ nước của rừng bị bóc, thay vào đó là những cánh rừng mới trồng xanh um, rươi tốt (nếu chụp hình từ vệ tinh) nhưng kỳ thực lớp mặt đất núi đã bị tổn thương, liên kết núi bị bẻ gãy và chỉ cần một trận mưa lớn, núi trở thành cái túi đất ngậm nước, đến khi ngậm không nổi nữa thì vỡ ra, gây sạt lở, chuồi đất, lũ quét, lũ ống… Hậu quả của việc cạo nhẵn lớp mặt rừng nguyên sinh, cải tạo đất núi bằng máy xúc, máy ủi, bằng đốt rừng để trồng cây mới là không thể tưởng tượng được.
Một công trình thủy điện mọc ra, nó sẽ phá tan tành ít nhất vài chục cây số vuông kết cấu rừng và núi, nó mang lại số tiền cực lớn (có thể lớn hơn cả tiền đầu tư xây dựng thủy điện) từ việc bán gỗ rừng, trồng rừng và tiếp sau đó nó mang lại lợi nhuận từ nguồn điện bán đi và để lại mối đe dọa khôn lường cho đồng bằng, vùng trung du, hạ du. Điều này lý giải tại sao các thủy điện lại ở tít tận rừng già, đi đến hai ngày đường mới tới, thậm chí có nhiều thủy điện mà khi nghe truyền thông nhắc tới, người ta mới ngỡ ngàng biết rằng hóa ra có một cái thủy điện như vậy đang tồn tại trên núi.
Làm thủy điện trong núi sâu lợi được ba vấn đề: Tránh xa tai mắt nhân dân; Không phải tốn khoản tiền đền bù và di dời nhà dân (việc nợ tiền đền bù đất rừng và nhà cửa, cơ nghiệp của dân mà thủy điện Sông Tranh 2 gần suốt hai mươi năm nay vẫn chưa giải quyết xong cho thấy điều này) và; Rừng nguyên sinh là nguồn tiền vô tận, có thể khai thác dài hạn nhân danh rừng lòng hồ, sau đó trồng lại rừng khác, tạo ra chuỗi lợi tức từ rừng.
Chính cái qui trình có ba yếu tố vừa nêu trên là lực hút rất nhiều “nhà đầu tư” nhảy vào làm thủy điện trong khi họ có thể không có thực lực về tài chính cũng như kĩ thuật, mọi thứ đều vá víu. Nhưng bù vào đó, họ giỏi chạy vạy, chung đầu này, bít đầu kia, vay chỗ này đắp chỗ nọ để đi đến việc chính thức khai thác rừng, cầm thực vốn trên tay và bắt tay vào xây dựng thủy điện. Cũng có trường hợp tiếp tục dùng dự án thủy điện để làm bình phong, vay tiền đầu tư chỗ khác.
Bạn nghĩ gì nếu qui trình này bị vỡ? Đó là rừng nguyên sinh bị cạo nhẵn, cơ quan nhà nước ngậm bồ hòn, ngân hàng khủng hoảng, bản thân nhà đầu tư có thể trốn chạy bất kì giờ nào và công trình thủy điện được đắp chiếu nằm kinh niên sau khi môi trường bị cày nát và lũ ống, lũ quét có thể tuôn xuống hạ du bất kì giờ nào! Ngược lại, qui trình này không vỡ thì đời sống xã hội sẽ bị vỡ.
Sở dĩ có thứ qui trình thủy điện quái quỉ này là do lợi ích nhóm, do quyền lực đỏ chi phối toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa tại Việt Nam. Và bởi chính cái thứ lợi ích nhóm quái quỉ này đã làm lung chuyển mọi thứ, nó làm cho kẻ trí thức trở nên ranh ma hơn trong việc xơi tái đồng loại. Cũng chính vì vậy mà khi điều trần trước quốc hội hoặc khi trả lời trước báo chí, người ta không ngần ngại mang sự thiệt hại của nhóm khác gây ra để so sánh với thiệt hại do nhóm của mình gây ra hòng loa lấp, che tội. Trường hợp ông giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (chủ trương biên soạn sách tiếng Việt lớp 1 gây bão dư luận vì cả núi lỗi), chủ xướng của nhóm Cánh Diều không ngần ngại mang số tiền lợi nhuận hàng ngàn tỉ của mình ra so sánh với vài kilomet đường của nhóm lợi ích giao thông là một ví dụ điển hình.
Cũng may là sách của Thuyết chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, nếu có hậu quả, không chừng ông ta sẽ mang ra so sánh với hậu quả của thủy điện! Nói như vậy để thấy rằng ngay cả các trí thức nhà nước, họ cũng ranh ma, kệch cỡm, hợm hĩnh và xôi thịt chẳng kém gì những kẻ phàm phu. Và muốn cho đất nước này tốt hơn, những kẻ xôi thịt như ông Thuyết và hàng ngàn đồng nghiệp ông ta trong các hệ thống lợi ích nhóm nên được về hưu sớm ngày nào tốt ngày đó!
Các ông/bà về hưu, xem như hạ cánh an toàn cũng được, miễn sao các ông bà phải hạ cánh để đảm bảo sự an toàn cho tương lai đất nước!
#thủyđiệnmiềntrung #nạnphárừng
Leave a Comment