Nguyễn Ngọc Già – RFA
…Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong…
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong…
(Tình Ca – Phạm Duy)
Tiếng Việt đẹp! Đẹp diệu ảo!
Lâu lắm rồi, người ta không còn thấy từng con chữ thân thương và tân kỳ; đủ chất chứa nỗi niềm, lại đầy nhớ nhung mong ngóng nhưng vẫn thấm đẫm hồn Việt như bốn câu nhạc thượng dẫn.
Sau 1975, thẩm mỹ trong tiếng Việt chưa kịp phôi phai, có lẽ vì sự tàn phá chưa khốc liệt như sau này…
Rồi theo thời gian, tiếng Việt tàn tạ.
Tiếng Việt biến dạng như bị “acid thời gian” tạt thẳng vào một cách bất ngờ của cái thứ gọi là “tiếng Việt” gây choáng váng, thất điên bát đảo dân tình suốt cả tuần qua!
Người ta chết sững, khi từng con chữ xấu xí, thô bỉ và tục tĩu được mọi người đau lòng, phẫn uất và tức tưởi buộc phải lôi nó ra một cách chóng vánh, trên đầy mạng xã hội. Của đáng tội! Cái thứ tiếng Việt gớm ghiếc đó, lại được chọn để dạy cho con nít “ê a” trong quãng đời thơ ngây trắng trong của chúng!
Không thiếu bất kỳ cung bậc cảm xúc của một con người đầy đủ “thất tình, lục dục” đổ tràn trên những con chữ tiếng Việt ngày hôm nay! Không! Không! Thiếu một thứ trong đó. Người dân không còn “ái tình” dành cho tiếng Việt như trong câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi” của cố nhạc sĩ Phạm Duy mở đầu cho khúc hát “Tình Ca”.
Yêu gì nổi! Yêu gì nổi cái thứ tiếng lố lăng, thô tục và quái dị cỡ như vậy!
Giật mình đến hoảng hồn bạt vía, khi nhớ lại hai câu ca của nhạc sĩ Vy Nhật Tảo dưới đây, nó từng là khúc hát đình đám với nhiều giọng ca thượng thặng vào thập niên 90 thế kỷ trước:
Yêu nhau con mắt liếc qua
Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra.
Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra.
(Yêu Nhau Ghét Nhau)
Ôi! Cha mẹ ơi!
Nhưng tiếng Việt ngày nay còn kinh dị, méo mó và tệ lậu hơn cả hai câu ca nói trên. Không dám dẫn những con chữ tục tĩu và thô bỉ, chỉ cần một câu được đọc qua dưới đây, đủ thấy tiếng Việt đáng bị “ném đá vỡ đầu” đến cỡ nào:
“Ve chăm múa và chăm làm nữa thì sẽ chả lo gì”
Không thể hiểu nỗi chữ “nữa” và chữ “thì sẽ chả” trong một câu cụt ngủn như vậy là cái loại tiếng Việt gì vậy?! Hỡi những giáo sư – tiến sĩ – nhà ngôn ngữ học – nhà nghiên cứu giáo dục của nhà cầm quyền CSVN, quý ông quý bà đành đoạn nào tàn phá không thương tiếc hồn Việt trong câu chữ thô vụng, ngờ nghệch đến cỡ đó!
Táo tợn đến mức, kẻ viết ra câu trên còn nhục mạ tiếng Việt bằng cách lôi cổ La Fontaine vào chịu chung số phận tàn mạt của tiếng Việt dưới cái nhãn “phỏng theo” (!).
Trẻ con đã được dạy cho tính vô trách nhiệm, ngay những năm học đầu đời, bằng cách chạy trốn trong chuyện kể “hai con ngựa”. Lần này, những “nhà giáo dục” của nhà cầm quyền CSVN lại lôi Lev Tolstoy vào trong câu chuyện nhảm nhí để chịu “ném đá” chung.
Trách nhiệm – đặc tính tốt đẹp nhất để làm người – đi đôi với hình phạt, dù bằng pháp luật hay được xướng lên từ tòa án lương tâm, để thức tỉnh con người trước một xã hội hỗn mang và vô chính phủ. Trách nhiệm đã chạy mất rất lâu, kể từ khi màu đỏ đầy chết chóc lan tràn trên thế giới, theo từng bước chân người CS.
Người Việt Nam của hôm nay không còn được nhắc nhở, không còn thấy sự trừng phạt từ thói vô trách nhiệm phải trả giá thật sự, nên nhân phẩm ngày càng tàn tạ.
Đã là con người tức phải biết yêu và tính trách nhiệm song hành cùng nó. Có tình yêu mà vô trách nhiệm, tình yêu đó không bao giờ bền bỉ.
Thật nghiệt ngã! Người ta soạn sách tiếng Việt, tình yêu dành cho nó đã không có, họ lại còn vô trách nhiệm đến tận cùng.
Đứng trước sự phẫn nộ, chỉ trích kịch liệt từ người dân, tất thảy các giáo sư – tiến sĩ nháo nhác chạy trốn trên những con hẻm phẩm giá tối tăm, cùng những vùng lầy trơn trượt lương tri được chống té ngã bằng những đồng tiền làm từ mô hôi nước mắt của phụ huynh! Vài ngàn tỷ đồng Việt Nam! Nhỏ quá chăng?!
Ông Nguyễn Minh Thuyết đem 600 mét đường cao tốc Bắc – Nam ra so với toàn bộ kinh phí sách giáo khoa [1] do chính ông ta làm tổng chủ biên, để phân trần đắt rẻ (!) Người dân sẽ không sững sờ và chết lặng với phép so sánh trên, nếu đó không phải là giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết – cựu đại biểu Quốc hội, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, người được biết như là một vị đảng viên khả kính và đầy trách nhiệm trước quốc dân đồng bào!
Tìm hiểu ý tứ từ việc so bì, dư luận càng sáng tỏ thêm lý do vì sao đường cao tốc Bắc – Nam được lôi vào vụ ầm ĩ sách giáo khoa của nhà xuất bản Cánh Diều.
Vào năm 2010, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết lúc bấy giờ rất cương trực phản bác [2] dự án cao tốc Bắc – Nam tốn kém và chưa cần thiết – vốn do cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khởi xướng. Từ đó, ông Thuyết càng vang danh với sự thành công nổi trội trong vai trò đại diện cho dân. Hóa ra, ông Nguyễn Minh Thuyết dùng thành công vang dội năm xưa để che chắn cho việc làm tắc trách hôm nay! Một người thầy sẽ phản ứng đúng tư cách “con nhà giáo” ra sao, ngoài một cái cười khẩy dành cho nhà giáo Nguyễn Minh Thuyết, khi ngẫm ra câu chuyện này (?)
Tiếc thay, người dân không còn nhìn thấy một người đảng viên trung kiên và đầy tính đảng Nguyễn Minh Thuyết trong bài “GS Nguyễn Minh Thuyết: Chẳng ai dại mà giật dây cho… “tứ đại ngu” đã dạy cho người đồng chí/đồng liêu Hoàng Hữu Phước vào lúc bấy giờ, trong đó “đệ nhất đại ngu” là “hành xử một cách lỗ mãng, không phù hợp với tiêu chuẩn văn hóa thông thường” [3] Thật khôi hài và lố lăng hết chỗ nói!
***********
Còn yêu ta tính vuông tròn
Hết yêu cay đắng giết mòn lòng nhau
Trong khối óc người CSVN luôn ngạo nghễ bằng đặc tính “trí tuệ đỉnh cao”, tiếng Việt nay còn đâu! Than ôi!
Leave a Comment