Quảng Cáo

Đối đầu Mỹ-Trung: “Tử chiến” trên mặt trận công nghệ

Quảng Cáo

Manh Kim|

Cả Phó Tổng thống Mike Pence lẫn ứng cử viên Kamala Harris đều né không trả lời trực diện câu hỏi “nhạy cảm” của người điều phối Susan Page trong buổi tranh luận truyền hình trực tiếp ngày 7-10-2020, rằng “Ông/Bà miêu tả như thế nào về mối quan hệ căn bản của chúng ta với Trung Quốc? Là đối thủ cạnh tranh, địch thủ hay kẻ thù?”. Không khó để đoán “trong bụng” hai chính khách Mỹ nghĩ gì. Quan hệ Mỹ-Trung đã lên đến “điểm sôi” và khó có thể trở lại “nhiệt độ bình thường”…

Thăm dò do Pew thực hiện tháng 7-2020 cho thấy có đến 73% người Mỹ không có thiện cảm với Trung Quốc. “Không thiện cảm” là cách nói không đủ liều lượng để miêu tả nỗi lo trước sự đe dọa rõ rệt và tăng dần của Trung Quốc đối với người Mỹ. Ngày 29-9-2020, Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ tung ra báo cáo dày cộm 200 trang dựa vào tổng hợp từ hàng ngàn phân tích và hàng trăm giờ phỏng vấn giới chức tình báo cũng như các cuộc kiểm tra tận nơi tại hàng chục cơ quan liên quan an ninh Hoa Kỳ. Nội dung báo cáo kết luận Mỹ đang trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng trước sự trỗi dậy Trung Quốc, rằng Mỹ chưa thích ứng kịp trước những thay đổi về môi trường địa chính trị lẫn kỹ thuật ngày càng đang được định hình bởi Trung Quốc… Báo cáo tung ra ở thời điểm sát nút ngày bầu cử tổng thống cho thấy vấn đề nhận thức của Mỹ đối với ngày càng gần với thực tế như thế nào. Đã qua rồi thời mà Mỹ “kỳ vọng” Trung Quốc có thể thay đổi theo hướng dân chủ hóa một khi kinh tế họ thay đổi.

Như Adam Segal (giám đốc Chương trình chính sách không gian ảo và không gian số của Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ) viết trên Foreign Affairs (9-9-2020), Mỹ đã liên tục áp dụng nhiều cách thức và chiến thuật để vừa ngăn chặn vừa làm suy yếu sức mạnh kỹ thuật Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phản đòn quyết liệt. Sự cứng rắn của Mỹ đã khiến Trung Quốc buộc phải nâng cao ý thức tự chủ. Trong năm nay (2020), Quốc hội Trung Quốc đã tung ra kế hoạch 5 năm với chiến lược đầu tư khoảng 1,4 ngàn tỷ USD nhằm xây dựng hạ tầng mới cho công nghệ thông minh nhân tạo (AI), lập trung tâm dữ liệu, mạng 5G…

Tại Mỹ, kế hoạch đang được đề xuất là tăng khoảng 30% ngân sách không thuộc quốc phòng cho AI và khoa học thông tin lượng tử (Wall Street Journal, 14-8-2020). “Chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta đang thắng và dẫn đầu về kỹ thuật ngày nay lẫn kỹ thuật định dạng tương lai chúng ta” – phát biểu của Michael Kratsios, chánh kỹ thuật gia, phó trợ lý Tổng thống về chính sách kỹ thuật-khoa học của Tòa Bạch Ốc. Ngân sách năm tài khóa 2021 được đề xuất gồm 1,5 tỷ USD cho AI (so với khoảng 1,12 tỷ USD năm 2020); 699 triệu USD cho khoa học thông tin lượng tử – ngành khoa học nâng cao tính bảo mật của hệ thống mạng (so với khoảng 579 triệu USD năm 2020)…

Vấn đề phức tạp ở chỗ không chỉ tiền là đủ để giải quyết được vấn đề cạnh tranh sinh tử. Washington còn phải đối phó làn sóng gián điệp công nghệ mà Trung Quốc “thả” nhan nhản vào khắp nước Mỹ, từ đại học, viện nghiên cứu đến các đại công ty. Chưa kể chiến thuật dùng tiền để mua đứt nhân tài Mỹ. William Hannas, thành viên Vụ tình báo cấp cao thuộc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) cho biết, nhiều khoa học gia Mỹ đã bị “dụ” bởi chế độ lương bổng hậu (có thể gấp 3-4 lần lương hiện tại của họ). Khoảng 300 khoa học gia vốn làm việc cho chính phủ Mỹ và chừng 600 người làm việc cho các tập đoàn khổng lồ của Mỹ đã bị lôi kéo sang Trung Quốc. Năm 2019, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã cấm nhân sự của họ tham gia các chương trình tuyển dụng từ một số quốc gia trong đó có Trung Quốc. Có thể dễ dàng thấy chương trình Ngàn Tài năng (“Hải ngoại cao tằng thứ nhân tài dẫn tiến kế hoa”)là cách để Bắc Kinh trám nguồn nhân lực ở những lĩnh vực mà Trung Quốc còn yếu.

Sự kiện nóng hổi liên quan cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung là chiến lược cắt nguồn cung ứng công nghệ của Trung Quốc. Nikkei Asia (7-10-2020) cho biết, ngày 4-9-2020, giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT – cơ quan ngoại giao tương đương sứ quán), Brent Christensen, đã tổ chức một diễn đàn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cùng với EU, Canada, và Nhật, bàn về việc giảm thiểu dần đưa đến việc tách khỏi hẳn Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên mà Mỹ tổ chức một sự kiện như vậy tại Đài Loan.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc “nghỉ chơi” với Trung Quốc không dễ thực hiện. 20% tổng doanh thu Apple; hơn 20% doanh thu Intel; và 60% doanh số của vua chip Qualcomm đều có được từ thị trường Trung Quốc. Phần mình, ngày 19-9-2020, Bắc Kinh loan bố sẽ lập danh sách những “thực thể không đáng tin”, dành cho các công ty nước ngoài “đối xử không công bằng” với các công ty Trung Quốc. Hiện chưa có công ty nước ngoài nào được nêu nhưng hồi tháng 5-2020, tờ Hoàn Cầu thời báo dọa rằng Apple, Qualcomm, Cisco Systems và Boeing có thể có mặt trong danh sách.

Bất luận thế nào, có ba hiệu ứng khiến làn sóng “thoát Trung” của các công ty nước ngoài ít nhiều diễn ra và ngày càng trở thành xu hướng. Thứ nhất, đó là “hiệu ứng Mỹ”, thứ hai là “hiệu ứng Covid” và cuối cùng là “hiệu ứng Tập Cận Bình”. Chính đường lối đối ngoại kiêu căng của Bắc Kinh dưới thời Tập đã khiến Mỹ nói riêng và thế giới nói chung phải tìm cách tránh dây vào Trung Quốc. Một trong những trọng tâm trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide (dự kiến từ ngày 18 đến ngày 21-10-2020; có đến Việt Nam) là bàn vấn đề này.

Riêng trường hợp Mỹ và Trung Quốc, vấn đề bây giờ không còn thuần túy là cuộc chạy đua công nghệ. Bản chất của nó ngày càng giống một cuộc chiến, nếu không muốn nói là cuộc chiến sống mái – một bên nỗ lực giữ vị trí đầu bảng và một bên lăm le bằng mọi giá soán ngôi. Công nghệ đã trở thành một thứ vũ khí mà phần thắng chỉ thuộc về bên nào hoàn thiện được vũ khí của mình cũng như xây dựng được nguồn nhân lực “thiết kế” nên được những loại vũ khí hoàn hảo và áp đảo hơn. Điều “thú vị” nhất trong cuộc chiến công nghệ này là yếu tố chính trị đan xen của nó. Chẳng phải tự nhiên mà Mỹ tổ chức một diễn đàn kêu gọi thế giới “thoát Trung” ngay tại Đài Loan./.

#mỹtrungđốiđầu #mặttrậncôngnghệ

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux